Câu chuyện người dân phát hiện và ghi hình công nhân thuộc Công ty TNHH một thành viên Công trình cầu phà TPHCM xả rác xuống kênh đã chứng tỏ vai trò cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Trên thực tế, vai trò này đã được các chuyên gia môi trường, các nhà quản lý nhắc đến tại nhiều cuộc họp, cũng như hội thảo môi trường. Thế nhưng đáng tiếc là việc áp dụng giải pháp này chưa được phát huy.
Trong hội thảo bàn về giải pháp Cải thiện chất lượng môi trường TPHCM, một chuyên gia môi trường Hàn Quốc đưa ra một kinh nghiệm xử lý vấn nạn xả rác tại Hàn Quốc. Theo đó, chính quyền đã vận động người dân chụp hình, ghi địa chỉ người có hành vi xả rác sai quy định rồi chuyển về cho cơ quan chức năng. Sau đó, cơ quan chức năng có trách nhiệm phạt tiền người có hành vi xả rác trên. Điều đáng nói là số tiền phạt trên sẽ được thưởng cho người phát hiện ra người có hành vi xả rác không đúng quy định.
Chỉ với quy định rất đơn giản nhưng Hàn Quốc đã tạo được phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Phong trào này lan tỏa khắp ngõ ngách khu dân cư và đặc biệt người dân tham gia rất hào hứng. Có nhiều ngày, chính quyền địa phương nhận được hàng trăm bức ảnh ghi hình những người xả rác bừa bãi.
Thực tế cho thấy, những người xả rác đa phần là dân địa phương. Và để xác định rõ những người này là ai cũng chỉ có người dân cùng cư ngụ mới có thể xác định chính xác. Những người xả rác sai quy định đã thực hiện hành vi đó thường xuyên như thế nào? Lý do tại sao họ lại không chấp hành việc xả rác đúng quy định… Đây mới là cơ sở thiết thực để cơ quan chức năng ngoài biện pháp xử phạt bằng tiền, có những giải pháp xử lý thích hợp khác. Từ đó, từng bước ngăn chặn triệt để hành vi tái vi phạm trên.
Thiết nghĩ, vào thời điểm như hiện nay khi mà ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, hầu hết mỗi người dân đều có máy ảnh, máy điện thoại di động thì việc ghi lại hình ảnh những người xả rác không đúng quy định rất dễ dàng. Vấn đề còn lại là chính quyền địa phương xây dựng và công khai mức xử phạt đối với người vi phạm cũng như khen thưởng với những người phát hiện.
Thực tế thực hiện thí điểm mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường tại nhiều quận huyện như quận 6, Bình Thạnh, Bình Tân, quận 8… thời gian qua đã chứng minh vai trò rất lớn của cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường xanh sạch. Hơn hết, chính những người dân địa phương sẽ là những người hiểu rõ và giám sát chặt chẽ, thường trực nhất hành vi xả rác không đúng quy định tại khu vực mình sinh sống. Mặt khác, không có cơ quan chức năng nào có thể bảo vệ khu phố bằng chính người dân địa phương đang sinh sống tại đó.
Do vậy, bằng cách phát huy được vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình theo cách Hàn Quốc đã làm cũng chính là chính quyền đã thực hiện tốt công tác cải thiện chất lượng môi trường sống.
Minh Xuân