Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật An toàn thực phẩm

Chấm dứt tình trạng 3 bộ quản lý một bữa cơm

* Sản xuất kinh doanh thực phẩm tươi sống sẽ phải có giấy phép
Chấm dứt tình trạng 3 bộ quản lý một bữa cơm

* Sản xuất kinh doanh thực phẩm tươi sống sẽ phải có giấy phép

Việt Nam chưa có số liệu giám sát ngộ độc thực phẩm, nhưng theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, số người ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm ở nước ta mỗi năm khoảng 8,2 triệu người. Vì vậy, tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề cấp bách được đặt ra trong dự án Luật An toàn thực phẩm được Chính phủ trình ra Quốc hội hôm nay, 10-11.
 
Thức ăn đường phố cũng có tiêu chuẩn

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, trong những năm qua, công tác bảo đảm VSATTP đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dù tình hình ngộ độc thực phẩm có giảm, nhưng diễn biến vẫn còn khá phức tạp (ngộ độc thực phẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó, năm 2008 do vi sinh vật là 7,8%, do hóa chất là 0,5%, do độc tố tự nhiên là 25,4%; số người mắc tập trung trong các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, đám cưới, đám giỗ, số người chết tập trung trong các vụ ngộ độc tại các bếp ăn gia đình).

Tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa bảo đảm VSATTP còn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động liên ngành tuy đã được thiết lập, nhưng do các thành viên đều là lãnh đạo cấp bộ, ngành, lại hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao, việc chỉ đạo chưa sát sao, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa được chặt chẽ và thường xuyên.

So với quy định về phạm vi điều chỉnh trong Pháp lệnh VSATTP năm 2003, dự thảo luật quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động trong lĩnh vực VSATTP. Ngoài việc bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật còn bao gồm cả kiểm nghiệm thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.

Dự thảo luật cũng có hẳn một chương về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm, với những điều kiện cụ thể đối với từng loại như: sản phẩm thực phẩm tươi sống, sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, các loại thực phẩm đặc biệt và trang thiết bị, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

Đặc biệt, một nội dung mới trong dự thảo luật là quy định một mục riêng về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thức ăn đường phố, đây là một loại hình đặc thù cần được quản lý bằng những điều kiện, biện pháp riêng. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trình Quốc hội dự án Luật An toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trình Quốc hội dự án
Luật An toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm chính

Theo quy định hiện hành, việc xử lý vi phạm về VSATTP được quy định theo nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dẫn đến tình trạng ba bộ là Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNN cùng quản lý “mâm cơm” của người dân mà trách nhiệm chưa được phân định rõ ràng.

Vì thế, dự án Luật An toàn thực phẩm lần này đưa ra những quy định cụ thể Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về VSATTP và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm thực phẩm đối với sức khoẻ nhân dân. Các bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về VSATTP theo sự phân công của Chính phủ. Chủ tịch UBND các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về VSATTP trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ và bộ quản lý chuyên ngành.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban KH-CN và MT của Quốc hội đề nghị giảm bớt đầu mối các bộ tham gia công tác quản lý thực phẩm, đồng thời phân cấp mạnh cho UBND các cấp. Riêng với thức ăn đường phố, cần phân cấp mạnh cho địa phương trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, vì số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố rất lớn.

Liên quan đến điều kiện chung về bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Ủy ban KH-CN và MT cho rằng, nếu quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở SX-KD đủ điều kiện VSATTP như đã làm thời gian qua sẽ gây ách tắc, khó khăn cho cơ sở SX-KD thực phẩm.

Do đó, việc quản lý SX-KD thực phẩm nên theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và cần thiết phải quản lý chặt chẽ. Vì vậy, dự thảo luật nên quy định: đối với thực phẩm thông thường như lương thực, đường, bánh kẹo... thì quản lý điều kiện SX-KD trên cơ sở tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đối với thực phẩm có nguy cơ cao như thịt, rau quả tươi sống, sữa, thủy sản… thì ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các cơ sở SX-KD loại thực phẩm này phải có giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP cấp. 

Sẽ bỏ lãi suất cơ bản

Chiều 10-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đa số các ĐBQH đồng tình với xu hướng xác định rõ hơn nhiệm vụ, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Theo đó, NHNN được trao thêm nhiều thẩm quyền trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ. Đáng lưu ý, dự thảo luật bỏ quy định về công cụ lãi suất cơ bản hiện nay. NHNN sẽ quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng trong trường hợp thị trường diễn biến bất thường.

Liên quan đến tình trạng một số đơn vị Kho bạc Nhà nước đem tiền gửi vào hệ thống ngân hàng thương mại để “tiền nở ra tiền”, dẫn đến không kiểm soát được tổng lượng tiền đưa vào lưu thông, có thể gây ra áp lực lạm phát, một số ĐBQH đề nghị quy định rõ “Kho bạc Nhà nước chỉ được mở tài khoản ở NHNN hoặc ngân hàng thương mại do NHNN chỉ định” (không cần thiết phải để Thủ tướng quyết định).

Tương tự, ĐB cho rằng, về nguyên tắc, những công cụ điều hành tiền tệ đều thuộc phạm vi thẩm quyền NHNN, không nên “đẩy lên” Chính phủ.
 

*****

Tăng việc làm cho người khuyết tật

Theo dự án Luật Người khuyết tật được Chính phủ trình Quốc hội hôm qua, sẽ không quy định “bắt buộc doanh nghiệp nhận 2% lao động là người tàn tật” như đã thực hiện trong 10 năm qua, mà quy định theo hướng có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật.

Tuy nhiên, thẩm tra dự án luật, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chưa tán thành vì thấy rằng, bảo đảm quyền lao động cho người khuyết tật là yếu tố cơ bản giúp họ hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

Vì vậy, ban soạn thảo cần có những đánh giá, phân tích sâu hơn về nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng bất cập này cũng như làm rõ những căn cứ để sửa đổi quy định này trong dự thảo luật theo hướng tăng thêm cơ hội cho người khuyết tật có được việc làm, được lao động.

HÀM YÊN - ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục