Sổ tay

Chậm hơn rùa!

Từ cuối năm 2001, dự án đường vành đai 3 - dẫn từ Pháp Vân, quốc lộ 1A lên Mai Dịch, sân bay quốc tế Nội Bài - như một cánh tay khổng lồ ôm lấy thủ đô Hà Nội, đã bắt đầu được khởi động, mang lại nỗi háo hức và mong đợi của hàng triệu người dân thủ đô.

Bởi vì, ngay cả một người dân bình thường cũng hiểu rằng, khi con đường này (cùng với những dự án lớn và quan trọng như đường vành đai 2, cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Lê Văn Lương, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và sắp tới sẽ là đường vành đai 4) trở thành hiện thực thì không chỉ khắc phục được đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông như một căn bệnh trầm kha ở nội thành Hà Nội nhiều năm qua, mà còn tạo ra một bức tranh đô thị hiện đại, sầm uất và một không gian rộng rãi của thủ đô.

Thế nhưng, cho đến nay, đã tròn 7 năm trôi qua, dự án vẫn rơi vào ngõ cụt. Tuyến đường dài với tổng cộng 10,3km, tính từ ngã tư Pháp Vân - Văn Điển vòng qua Hạ Đình (Thanh Xuân) lên Mai Dịch,nhưng đến nay mới chỉ có 4,3km dẫn từ đường Trần Duy Hưng - trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến cầu Mai Dịch được thông xe, tạm thời đưa vào sử dụng (được đặt tên là đường Phạm Hùng). Còn lại 6km nối từ Pháp Vân - Linh Đàm lên Hạ Đình - Thanh Xuân Nam và từ Thanh Xuân Nam lên Thanh Xuân Bắc vẫn là một công trường nằm im lìm, sầu thảm.

7 năm là 2.555 ngày. Trong 7 năm qua, đã có nhiều lần các nhà thầu từng “mở cờ gióng trống” với tâm trạng rất háo hức, đốc thúc thi công cho mau sớm xong dự án, nhưng chỉ được dăm ba tuần thì tất cả lại đành án binh bất động vì không có mặt bằng để triển khai.

Nhà thầu nào lòng cũng như xát muối, “đói khát” mặt bằng còn hơn cả đói ăn khát uống. Dân thì không còn đường cũ để đi. Nhà cửa xung quanh rạn nứt, sụt lún, nham nhở vì bị đập phá. Bộ mặt đô thị như một tấm áo rách. Nói “dự án còn chậm hơn cả rùa bò” là không sai.

Căn nguyên của sự bế tắc vẫn là do mức giá đền bù và cách đền bù không hợp lý, giữa người dân và chính quyền, ban quản lý dự án chưa tìm được tiếng nói chung. Nhưng căn nguyên quan trọng là do chưa có sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và ban quản lý dự án trong việc tháo gỡ khó khăn, đền bù giải tỏa dẫn đến tình trạng làm dự án kiểu “được chăng hay chớ”.

Trước nỗi bức xúc của hàng ngàn người, mới đây Bộ GTVT đã ra chỉ đạo là tất cả vị trí hiện tại đã có mặt bằng thuộc dự án đường vành đai 3 Hà Nội phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 30-9-2008 và các vị trí còn lại, hiện còn vướng mắc đền bù giải tỏa, bằng mọi giá sẽ phải hoàn thành vào trước thời điểm cuối tháng 12-2008. Để tiếp sức cho các nhà thầu, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ chi thêm 30 tỷ đồng để khởi động lại dự án.

Liệu đến thời khắc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, con đường vành đai 3 và nhiều con đường, dự án trọng điểm khác của Hà Nội đã được đặt bút phê duyệt, đang nằm ngổn ngang, bế tắc có thành hiện thực?

Nhiều người dân lại cho rằng, để những dự án này sớm được hoàn thiện thì không chỉ có nỗ lực của nhà đầu tư, chính quyền mà còn cần cả sự cống hiến và lòng nhiệt tâm của người dân đối với những công trình, dự án lớn của đất nước trong việc tự nguyện chấp hành các chủ trương, chính sách về di dời, tái định cư. Bởi vì làm như vậy cũng là một hành động thể hiện lòng yêu thủ đô, yêu nước.

Nhắc đến chuyện di dời, giải tỏa, bàn giao mặt bằng ở Hà Nội mà lại chạnh buồn khi nhớ đến chuyện mới đây ở một tỉnh nghèo như tỉnh Tuyên Quang, hàng trăm hộ dân đã tổ chức hiến cả hàng trăm, hàng ngàn m² đất ở, ruộng vườn của gia đình, tổ tiên mình cho dự án làm đường giao thông mà không hề nhận bất kỳ một đồng đền bù, hỗ trợ nào, kể cả đền bù hoa màu, tài sản, chỉ để mong sớm có một con đường khang trang cho làng quê thêm tươi đẹp. 

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục