
Cảnh sát hình sự - Đột kích (12 tập) đang phát vào 21g trên VTV1 mở đầu cho loạt phim Việt của VTV. Các bộ phim lần lượt sẽ phát sóng trong khung giờ này là: Ninh Thạch Lợi - Đất và lửa, Chàng trai đa cảm, Ma làng, Luật đời, Cổng trường thời mở cửa, Cô gái xấu xí... Khung “giờ vàng” 21g từ thứ hai đến thứ sáu được dành riêng để chuyên phát phim Việt nhưng có không ít băn khoăn...
Thất thu quảng cáo?

“Ninh Thạch Lợi - Đất và lửa”.
Với cơ chế “tự thu tự chi” hiện nay, các đài truyền hình dành sóng “giờ vàng” để chiếu phim VN đồng nghĩa với việc giảm một phần đáng kể nguồn thu từ quảng cáo. Càng nhiều phim Việt chiếu vào “giờ vàng” thì càng giảm doanh thu quảng cáo.
Phim truyện là thể loại thu hút nhiều quảng cáo nhất và được nhiều khách hàng quảng cáo chú ý nhất so với các chương trình khác! Có một sự thật hiển nhiên không cần chứng minh là khi các đài truyền hình phát phim nước ngoài, số spot quảng cáo dồn vào giờ này bao giờ cũng nhiều hơn khi phát phim Việt..
Tất nhiên, phim càng hay càng nhiều quảng cáo đổ vào. Nhưng ngay cả các bộ phim VN thuộc dạng được báo chí nhắc đến râm ran, khán giả chờ đón xem để rồi thắc mắc về nhân vật hay một cảnh quay nào đó…, thì lượng spot quảng cáo đổ về cũng không “nhằm nhò” so với các serie phim ngoại gây sốt như Giày thủy tinh hay Nàng Dae Chang Kum… Ông Trần Đăng Tuấn- Phó TGĐ Đài THVN- thừa nhận: “Với những bộ phim này (phim Việt chiếu vào “giờ vàng”) phải chấp nhận không thu hút được nhiều quảng cáo”.
Theo ông Tuấn, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình – Đài THVN (VFC), có những phim tốt nhưng lượng spot quảng cáo đổ vào còn ít do công tác tiếp thị làm chưa tốt. Số tập của mỗi phim chưa nhiều, chỉ trên dưới chục tập nên khi khách hàng “đánh hơi” thấy phim hay, chưa kịp “nhảy vào” thì phim đã hết. Ông Tuấn lấy ví dụ về 22 tập phim Chạy án phát sóng năm ngoái trên VTV1. Kể từ tập 7-8 trở đi, dường như khán giả nào xem truyền hình cũng bật xem phim này nhưng lượng spot quảng cáo thời điểm chiếu phim vẫn không tăng cao… Về cuối, lượng quảng cáo nhiều lên nhưng chỉ đến một mức nhất định chứ không hơn nhiều.
Thực tế cho thấy, có những phim ngoại chất lượng không cao nhưng vẫn thu hút nhiều quảng cáo. “Có thời kỳ, những câu chuyện tình Hàn Quốc lãng mạn, bi thương thích hợp với số đông khán giả nên cứ chiếu phim loại này là nhiều khách hàng quảng cáo nhảy vào. Nói thế để thấy rằng, các khách hàng quảng cáo thường chọn lối đi quen. Muốn có nguồn thu quảng cáo thì phải làm tốt công tác tiếp thị và thay đổi cách nhìn của khách hàng quảng cáo. “Hai yếu tố này quan hệ với nhau và cần có thời gian”, ông Tuấn nói.
Đẩy mạnh xã hội hóa sản xuất phim
Luật Điện ảnh có hiệu lực từ 1-1-2007 quy định, thời lượng phim VN phát sóng trên truyền hình: 2 phim nước ngoài có một phim VN, tối thiểu là 40% phim Việt trên tổng số phim phát sóng truyền hình. Theo Nghị định 96/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh, từ ngày 6-6-2007, tỷ lệ phim VN trên sóng truyền hình đạt ít nhất 30%. Vào thời điểm VTV phát sóng Truyền thuyết Joo Mong, căn cứ vào lịch phát sóng của VTV từ 16-9 đến 30-9, những bộ phim VN mới sản xuất chỉ xuất hiện thưa thớt tuần/tập trong hai chương trình: Điện ảnh chiều thứ bảy và Văn nghệ chủ nhật.
Còn các phim phát vào 9g45 các ngày trong tuần trên VTV1 và… 3g trên VTV3 đều là các phim cũ và giờ ấy, ai nấy đều có mặt ở cơ quan hoặc… đã đi ngủ. Chưa kể, khung “giờ vàng” vào buổi tối đều dành để phát phim ngoại và game show. Để đối phó với quy định về tỷ lệ phim Việt, không khó khi phát lại phim Việt vào giờ ít người xem như vậy. Đó là chưa nói đến việc, trong năm 2007, VTV vẫn “mở cửa” cho phim ngoại ồ ạt lên sóng chứ không hạn chế hay ràng buộc bằng các quy định khắt khe hơn để đảm bảo được tỷ lệ phim nội.
Trong khi đó, Đài TH TPHCM đã nhanh chóng hưởng ứng chủ trương tăng tỷ lệ phim nội trên sóng bằng những quy định ràng buộc khá khắt khe với các đơn vị nhập phim. Chẳng hạn, yêu cầu các đơn vị nhập khẩu phim muốn có 2 tập phim ngoại phát trên HTV thì bắt buộc phải có 1 tập phim nội. Chính quy định này bắt buộc các nhà nhập khẩu đổ xô vào việc tìm đối tác làm phim gây nên tình trạng bùng phát việc sản xuất phim truyền hình ở TP.HCM hiện nay.
Cơ chế xã hội hóa sản xuất phim của các đài truyền hình hiện nay là đổi quảng cáo lấy phim. Đã có một vài ý kiến cho rằng, quy định này khó khuyến khích tư nhân đầu tư sản xuất phim. Bản thân sản xuất phim là lĩnh vực chứa đựng không ít rủi ro. Hãng phim lại không phải là hãng quảng cáo nên bắt buộc họ phải liên kết với một đơn vị chuyên doanh về quảng cáo, tất yếu lợi ích sẽ bị san sẻ. Hành trình xin quảng cáo để làm phim rồi chờ phim phát sóng và thu thêm quảng cáo cũng như chặng đường từ khi những bộ phim đầu tiên lên sóng đến lúc gây dựng được thương hiệu của một hãng phim tư nhân trên sóng nhà đài, quả là quá cam go. Với những thử thách nhân đôi này, chỉ nhà làm phim tư nhân nào kiên trì mới theo nổi “cuộc chơi”. Các công ty quảng cáo bắt buộc phải liên kết hay tìm đối tác làm phim để phim ngoại nhập về được lên sóng!
Dẫu biết rằng trong điều kiện hiện nay, các đơn vị tư nhân làm phim chủ yếu dựa vào đội ngũ nhân lực của các hãng phim nhà nước và cơn khát kịch bản hay chưa bao giờ được giải tỏa, nhưng việc VTV mở rộng hơn nữa cánh cửa xã hội hóa phim truyền hình chắc chắn đem lại nhiều lợi ích lâu dài, như HTV và nhiều đài đã làm. Trước mắt, lượng phim nội tăng lên. Trong cuộc đua “giờ Vàng phim Việt”, VTV đã chậm chân so với một số đài địa phương (có lẽ vì vậy các nhà lãnh đạo VTV không muốn dùng thuật ngữ “giờ vàng phim Việt”?). Chậm rồi nhưng liệu có “chắc” thì vẫn còn phải… đợi! Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân ông Đỗ Văn Hồng, Trưởng ban Thư ký biên tập của VTV, trong các phim sắp phát sóng đã nộp băng về Đài mà ông được xem, ông mới chỉ thấy Luật đời là “xem được”...
HOÀNG GIANG