Thống kê từ các trường, trung tâm cho thấy, khoảng 50% học viên, người sau cai là người không có nơi cư trú nhất định. Và phần lớn trong số này cả năm không có thân nhân đến thăm. Song không bởi thế mà xuân về tết đến, những học viên này lại đơn độc. Bên cạnh họ, bạn bè học viên, thầy cô ở các trường, trung tâm và các quận - huyện, ban ngành đoàn thể luôn dang rộng vòng tay, với nhiều hình thức chăm lo tết.
Người khó khăn sẽ có quà
Trung tâm Giáo dục - Lao động và Bảo trợ xã hội Phú Văn (gọi tắt là Trung tâm Phú Văn, tại Bình Phước) có hơn 500 học viên, người sau cai, người bảo trợ xã hội. Khoảng 30% học viên không có người thăm sẽ được trung tâm tặng quà. Trong dịp tết, một số ban ngành đoàn thể, quận - huyện tới thăm và có bao nhiêu quà tặng, trung tâm cũng chuyển bấy nhiêu hỗ trợ các em. “Những việc làm trên nhằm chia sẻ một phần thiếu thốn của các học viên và tạo bầu không khí đón xuân của các em cũng như mọi người khác”, ông Tạ Đình Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phú Văn, chia sẻ.
Trung tâm Phước Bình (tại Đồng Nai), cũng chuyển những suất quà chăm lo tết từ các mạnh thường quân, từ tổ chức, cá nhân và chính những học viên để chia sẻ cho học viên không có gia đình đến thăm. Mang lại một cái tết ấm no, đầy đủ hơn, trung tâm còn hỗ trợ 150.000 đồng cho 30 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các trung tâm như Phú Nghĩa, Phú Đức, Đức Hạnh cũng có phần quà trị giá 100.000 đồng cho học viên, người sau cai không có người thân chăm lo.
Học viên, người sau cai có hoàn cảnh khó khăn nhận quà tết.
Tương tự, trong số 1.100 học viên, người sau cai ở Trường Giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm số 3 (Trường 3, tại Bình Dương) có tới 50% không có người thăm đều đặn. Trường cũng vận động tài trợ, gửi thư ngỏ tới một số quận, huyện có học viên gửi vào trường và trích từ quỹ sản xuất của trường để chăm lo cho số học viên này. Bên cạnh chế độ như các học viên, người sau cai khác, Trường 3 đã chuẩn bị 500 phần quà gồm bánh kẹo, mứt tặng thêm cho các trường hợp này.
Ông Trương Quang Nam, Giám đốc Trường 3 cho biết, trường huy động tất cả các nguồn lực để làm sao giữa các em có gia đình chăm lo và các em không có gia đình chăm lo đều được đón một cái tết đủ đầy như nhau. Riêng khoảng 30 học viên, người sau cai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trường sẽ lì xì từ trước tết cho mỗi người 100.000 - 200.000 đồng. Trong tháng 1-2015, trường bắt đầu nhận đăng ký quà tặng âm nhạc qua loa phát thanh của trường. Từ 16 - 17 giờ hàng ngày trong suốt 20 ngày (từ ngày 2 đến 21-2), chương trình quà tặng âm nhạc sẽ gửi tặng bài hát học viên yêu thích kèm lời nhắn tới học viên, thầy cô nhân dịp năm mới.
Địa phương chung tay
Quận 8 là “điểm nóng” về ma túy ở TPHCM và là địa phương có nhiều học viên ở các trường, trung tâm. Bà Đỗ Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng LĐTB-XH quận 8, cho biết, dịp tết, quận đã dành riêng khoảng 200 triệu đồng chăm lo học viên, người sau cai ở 12 đơn vị cai nghiện bắt buộc. Ngoài phần quà chung tặng đơn vị, khoảng 600 học viên ở quận 8 và người lang thang nghiện ma túy được quận phát hiện, đưa vào các đơn vị, mỗi người đều nhận được một phần quà 200.000 đồng. Quận cũng thông báo rộng rãi tới các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con em đang trị bệnh ở các cơ sở cai nghiện về chính sách chăm lo. Dự kiến, khoảng 40 gia đình có khó khăn trong đi lại thăm nuôi con em, quận sẽ hỗ trợ 100% vé xe.
Tại quận 1, theo bà Trịnh Thị Phương Châm, Trưởng phòng LĐTB-XH quận, địa phương đã dành hơn 50 triệu đồng thăm cán bộ, công nhân viên và học viên cai nghiện ở Trung tâm chữa bệnh Đức Hạnh (tại Bình Phước). Trong đó, quận tặng các học viên 30 triệu đồng; riêng học viên cư ngụ tại quận 1, quận tặng 300.000 đồng/người. Quận cũng tặng Cơ sở xã hội Bình Triệu 13 triệu đồng để chăm lo tết học viên.
Lãnh đạo các trường, trung tâm cai nghiện cho biết, tiền, tặng phẩm của các cá nhân, tổ chức vào dịp Tết Ất Mùi sẽ được chuyển đến học viên, người sau cai. Thông thường, các quận cho riêng học viên từ 100.000 - 300.000 đồng/người, số tiền này sẽ được quy đổi ra tiền phiếu để học viên chi dùng. Nếu là quà tặng chung thì trường, trung tâm sẽ chuyển hết vào bếp ăn nhằm cải thiện khẩu phần cho học viên hoặc chia đều cho học viên (tùy đơn vị).
ĐƯỜNG LOAN