Trong cuộc họp với Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) của các bộ ngành ngày 12-7, ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, việc cải cách trong lĩnh vực KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mà một số bộ làm có ý nghĩa nhất thời gian qua là: rà soát, sửa đổi các văn bản về KTCN; cắt giảm, đơn giản hóa, minh bạch mã HS của danh mục mặt hàng phải KTCN; rà soát, loại bỏ quy định chồng chéo giữa các cơ quan trong KTCN…
Tuy nhiên, kết quả thực tế chưa được như mong đợi. Ví dụ, việc giảm số mặt hàng phải KTCN, đến nay mới chỉ có khoảng 6%. Về việc làm rõ các mặt hàng phải KTCN, cho tới nay trong số 164 danh mục hàng hóa phải KTCN thì có tới 63 danh mục chưa được các bộ quản lý chuyên ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS chưa phù hợp (chiếm tới 36% số danh mục). Về thời gian cho KTCN, mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian KTCN trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với các nước ASEAN-4 .
Thực tế đánh giá của doanh nghiệp về KTCN cũng cho thấy vẫn còn những bất cập lớn. Đặc biệt là nhiều hoạt động KTCN còn chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra (không có danh mục hàng hóa cụ thể); có sự chồng lấn và thiếu rõ ràng về cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm với hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật…
Về đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD, đến tháng 6 mới chỉ có nghị định về cắt giảm các ĐKKD thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương. Môt số bộ đã có thông tin về phương án cắt giảm hay đang xây dựng nhưng bộ khác “đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không có thông tin”. Như vậy, mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số ĐKKD trước 31-10 là một thách thức rất lớn.
Không những vậy, theo ông Lộc, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD còn đối phó, không thực chất. Ví dụ ĐKKD dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Quy định hiện hành về điều kiện là “Có phương án kinh doanh bao gồm các nội dung cơ bản: kế hoạch kinh doanh; dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động; kế hoạch nhân sự; dự kiến các nguồn dữ liệu sử dụng ”. Phương án đề xuất đơn giản hóa đưa ra là “bỏ nội dung dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động”. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp vẫn phải có phương án kinh doanh, nhưng thay vì phải có 4 nội dung thì chỉ cần 2 nội dung. Và, đây được xem là 1 ĐKKD được đơn giản hóa. Trong khi đó, xét về tính hợp lý, việc yêu cầu doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh là chưa hợp lý khi can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, không có tính khả thi và ít có tính thực tiễn.
Để giải quyết tồn tại trên, theo ông Lộc, các bộ trưởng không giao cho các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án cải cách cấp phép. Bởi lẽ, những đơn vị đang cấp phép sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình. Quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác, VCCI và các hiệp hội liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cũng nhìn nhận, việc cải cách thủ tục KTTCN, ĐKKD của các bộ, ngành chuyển biến rất chậm, những bất cập chưa được cải cách triệt để. Nhiều bộ có phương án nhưng chưa thực hiện, dù đã công bố cắt giảm nhưng sau thời gian dài chưa có kết quả cụ thể, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, doanh nghiệp.
Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, các bộ, cơ quan rà soát, xây dựng dự thảo kế hoạch, nghị định về ĐKKD, trình Chính phủ dự thảo để chậm nhất đến ngày 15-8 có thể ban hành nghị định sửa đổi. Cách thức thực hiện cắt giảm theo hình thức ban hành 1 nghị định để sửa nhiều nghị định với thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu thời gian.