Trong cái oi bức ấy, ba nói với hai anh em rằng, đành phải bốc thăm xem ai sẽ đi học tiếp, ai ở nhà phụ đỡ chăm tưới vườn thốt nốt, tiếp nối nghề nghiệp truyền thống của gia đình…
Anh tần ngần dưới hiên nhà một mình. Hút mắt vẫn là những hàng cây thốt nốt thẳng tắp, cao hơn cả chục mét. Anh yêu mảnh đất này, yêu cuộc sống đơn giản và hiền hậu này, yêu những cây thốt nốt luôn hết mình tận hiến.
Nhưng anh cũng yêu giảng đường chưa hề được đặt chân, với những cuốn sách hay ho anh thèm một lần chạm tay đến. Anh khao khát được học hành, được phấn đấu, được vươn tới những chân trời mới, được trải nghiệm bao điều hay ho trên đời. Tiếc thay, ba mẹ chỉ đủ khả năng nuôi một đứa con đi tiếp hành trình ấy. Nhà anh vốn neo người, ba anh sức khỏe yếu. Chưa kể, vườn thốt nốt không thể chẳng có ai trông coi, khai thác, hái quả, hứng nước, làm đường, bóc nhân...
2. “Chỉ có tri thức mới khiến cuộc đời chúng ta thay đổi!”, là câu mà em trai anh vốn tâm đắc. Em cũng ham học, cũng nuôi nhiều hoài bão ước mơ của tuổi trẻ. Làm sao anh cam lòng nhìn giấc mơ của em lụi tàn vì khốn khó?
Anh ngó mông lung ra phía xa. Lựa chọn nào cũng không hề đơn giản. Huống chi, đấy là quyết định khiến tương lai phải chệch hướng. Nhưng anh không thể để em mình thất vọng. Thà anh chịu thiệt thòi, cực khổ. Phận mình làm anh. Chưa kể, trong hai anh em, thì sức học và tư chất của em trai vẫn có phần nổi trội.
Sau chót, anh đã có quyết định riêng của mình.
3. Mãi mãi, em sẽ không biết rằng, cả hai cái thăm đều ghi chữ “đi học”. Và anh nhường em bốc trước, mở ra trước, vui mừng trước. Còn anh, nắm chặt lá thăm còn lại, lẳng lặng bước ra vườn. Hàng thốt nốt rì rầm cùng anh lời an ủi vô hình, rằng cuộc sống có những ngã rẽ, có những con đường mang tên là Hy sinh. Tình thân. Yêu thương.
Thế là đủ rồi.
4. Năm đó, anh tiếp quản công việc của ba mẹ, hàng ngày tỉ mẩn leo lên những cội thốt nốt trơn trượt, lấy mật của cây đực, hái quả của cây cái. Mảnh đất này, nơi anh sinh ra và lớn lên, gắn bó cùng bà con chòm xóm. Đời người nối tiếp mưu sinh đều dựa vào tán thốt nốt ngọt lành. Không nhiều người biết rằng, loài cây luôn dâng tặng bao nhiêu thơm thảo ấy có tuổi thọ rất dài, phải vài chục, thậm chí cả trăm năm. Như một người bạn cận kề bên chái bếp, hàng rào, bên những năm tháng thơ ngây hồn nhiên nhưng nhuốm màu thiếu hụt.
Năm đó, trên chuyến xe đò rời xa trấn nhỏ, người em trai mãi ngoái nhìn, trong rưng rưng niềm xúc động. Linh cảm cho em biết, để em có được hành trình phía trước, đã có những sẻ chia nhường nhịn thầm lặng ở phía sau. Em nhất định phải học thật tốt, phấn đấu thật nhiều, cho riêng em và cho cả người thân nữa.
5. Khởi đầu, chỉ là một tiệm cà phê nhỏ nhắn mà xinh xắn, mở ngay tại thành phố quê nhà. Nơi ấy ấp ủ những dự định cho mai này, ươm mầm một giấc mơ dài hơi: Sẽ là một chuỗi thương hiệu, mang lại công việc và hy vọng cho rất nhiều người lao động. Các cô bé, cậu bé lớn lên ở xóm thốt nốt sẽ trưởng thành và hiểu ra: Món ăn gần gụi đơn giản ấy vẫn có thể chế biến cầu kỳ hơn, bày biện đẹp đẽ, trang trí bắt mắt, thơm mát dịu dàng trong lòng thực khách.
Này là trà sữa thốt nốt, đằm thắm với vị ngọt thanh nhã, mang tới cảm xúc ngọt ngào mà sâu lắng cho người thưởng thức. Món ruột của quán, cũng là tâm đắc của anh chủ trẻ, người vừa hoàn thành chuyến “đi thật xa để trở về”. Ít ai biết, các công thức chế biến ấy, những món ăn thức uống đó đều công phu, bài bản, lại phảng phất phong vị lãng tử. Giống như cậu em nay đã tốt nghiệp, không muốn đi làm công ăn lương, từ chối cuộc sống an nhàn và tẻ nhạt mà chọn làm giàu cho quê hương, mở đường cho quê xứ mình phát triển.
Bao hương vị ấu thơ vẫn tròn đầy trong ký ức. Miếng đường thốt nốt tan mềm trên đầu lưỡi thèm thuồng. Vị mềm mại như thạch của thốt nốt non. Cái bùi béo của trái thốt nốt đã già cơm, cứng cựa. Những ước ao ấp ủ về một cuộc đời làm chủ, hàng ngày được nâng niu từng món ngon quê xứ...
Quán thành địa chỉ tin cậy để bà con bán đi từng quầy thốt nốt, từng cân đường vàng óng mật. Hạnh phúc biết bao khi được tự mình pha chế, trang trí, chụp ảnh, trầm trồ. Được hỏi các bạn trẻ rằng, có thơm ngọt vừa miệng chăng, có thích thú khi nếm thử nguyên liệu quen thuộc mà mới mẻ ấy không?
6. Dù có trễ thì người anh giàu bao dung và yêu thương ấy vẫn mạnh dạn đi tiếp con đường tưởng đâu dang dở của mình. “Đã có em lo, anh cứ yên tâm!”. Như một sự “đổi vai” đầy viên mãn, cách đền đáp ngập ngời và xứng đáng nhất chính là, người đi trước hăm hở trở về cùng kiến thức, tha thiết hoàn thành giấc mơ “đem sản vật địa phương đi xa hơn” của một vùng quê nghèo…