Sự kiện dư luận

Chấn chỉnh chứ không nên bóp chết xe buýt

Vật giá tăng rồi xăng dầu tăng, đang là một gánh nặng cho cuộc sống của người lao động. Đối với tài xế, tiếp viên xe buýt, gánh nặng này lại càng nặng hơn khi trên 200 chuyến xe buýt/ngày đã bị cắt và nhiều khoản trợ giá đã bị giảm…

Tất nhiên, chấn chỉnh lại những bất cập trong mạng lưới xe buýt là một việc cần làm trong khi mạng lưới này còn chưa hợp lý. Thế nhưng chấn chỉnh như thế nào phải được bắt đầu từ việc chỉ ra nguyên nhân một cách khoa học, xem xét cân đối với mọi yếu tố liên quan và quan trọng hơn cả là phải đứng trên quan niệm: tạo điều kiện cho vận tải công cộng phát triển.

Trong kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, đại biểu Võ Văn Sen đã nhận xét: dù là metro, xe điện hay xe buýt… cũng không thể tiện lợi bằng xe cá nhân. Tuy nhiên, xét về lợi ích lâu dài cho cả cộng đồng thì xe công cộng mới giải quyết tốt vấn đề kẹt xe, môi trường, do vậy cần có lộ trình giảm xe cá nhân và tạo điều kiện cho vận tải công cộng phát triển. Thật vậy, lợi ích của xe công cộng như thế nào ai cũng rõ và đã được chứng minh ở rất nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, nêu quan điểm đó trong bối cảnh số người đi xe cá nhân vẫn chiếm đa số ở TPHCM là một điều không dễ chút nào.

Chính trong bối cảnh này lại rất cần những người  có bản lĩnh, dám đứng ra “phân tích thiệt hơn” vận động, tuyên truyền  cho người dân hiểu về lợi ích của xe công cộng và góp ý cho thành phố xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân.

TPHCM với hạ tầng cơ sở chỉ đáp ứng được cho khoảng 2 triệu dân sinh sống mà đang phải gánh tới hơn 8 triệu người. Nói như tiến sĩ Phùng Mạnh Tiến, Phân Viện Khoa học Công nghệ Giao thông phía Nam (phát biểu với tư cách cá nhân): Hiện nay lượng xe ở TPHCM đã vượt quá sức chịu đựng của đường nhiều lần thì việc kẹt xe là… đương nhiên. Chỉ có một cách duy nhất để giải quyết căn cơ vấn đề này là giảm lượng xe hoặc tăng diện tích đường lên tương ứng. TPHCM không đủ tiền để làm thêm đường, người dân lại không muốn giảm bớt phương tiện giao thông cá nhân thì phải sống chung với kẹt xe.

Như vậy, nếu không muốn sống chung với kẹt xe thì chúng ta phải hành động ngay.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục