Chấn chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất nhỏ

Nhiều nơi đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải
Chấn chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất nhỏ

Báo SGGP đã từng đề cập trong nhiều bài viết trước đây phản ánh tình trạng ô nhiễm kéo dài tại quận 12. Sau đó, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc khi buộc tạm ngưng hoạt động hơn 9 doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài. Điều này đã và đang tạo nên những thay đổi đáng kể cho chất lượng môi trường của quận 12 nói riêng và TPHCM nói chung.

Vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Công ty TNHH Giấy và bao bì Đồng Tiến, quận 12. Ảnh: Kim Ngân

Vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Công ty TNHH Giấy và bao bì Đồng Tiến, quận 12. Ảnh: Kim Ngân

Nhiều nơi đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải

Môi trường ô nhiễm tại quận 12 có nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực nhuộm, xeo giấy không đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thải thẳng ra môi trường.

Tình trạng này xảy ra nhiều năm nhưng chưa được xử lý triệt để. Kết quả mà đoàn thanh tra do Sở Tài nguyên và Môi trường TP chủ trì phối hợp với UBND quận 12 đo đạc tình trạng xả nước thải và khí thải của các DN này luôn vượt quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép và diễn ra một cách liên tục, kéo dài.

Điều này dẫn đến hệ quả là chất lượng môi trường tại nhiều khu vực quận 12 bị ô nhiễm nghiêm trọng. Minh chứng rõ nhất là nhiều người dân khu vực xung quanh những nhà máy sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận, Tân Thới Nhất… bị mắc các chứng bệnh về đường hô hấp. Hệ thống kênh rạch khu vực xung quanh biến thành những kênh chết vì các thủy sinh vật không thể sống được với nước kênh có chứa lẫn quá nhiều hóa chất từ nước thải sản xuất của các doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, từ năm 2011, với những DN gây ô nhiễm nghiêm trọng nói chung, sở đã và sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thực biện việc buộc tạm ngưng hoạt động, cưỡng chế bằng cách niêm phong máy móc những cơ sở vi phạm môi trường nghiêm trọng. Bản thân những cơ sở bị buộc áp dụng hình thức xử lý này đã nhiều lần bị phạt và cho thời hạn để khắc phục nhưng vẫn cố tình không đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

Đồng thời, sau khi bị cưỡng chế niêm phong máy móc các cơ sở này cải tạo lại công nghệ sản xuất, đầu tư hạ tầng xử lý chất thải đạt yêu cầu theo quy định Luật Bảo vệ môi trường thì mới được cấp phép tái hoạt động.

Điều đáng ghi nhận là sau 3 tháng áp dụng biện pháp mạnh này đã có 9 DN tại quận 12 đã khắc phục xong hành vi vi phạm môi trường của mình. Cụ thể là Công ty TNHH DVTM Đức Hoàng, hộ kinh doanh Nguyễn Minh Thiếu, Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đại Đồng Tiến, hộ kinh doanh Phan Văn Thiện, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tánh, cơ sở Vũ Quang Vinh, Vũ Thanh Tùng và Nguyễn Văn Tản.

Trước đây, các doanh nghiệp này bị yêu cầu ngưng hoạt động vì xả nước thải và khí thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép. Hơn nữa, hành vi vi phạm của họ diễn ra liên tục, kéo dài thuộc cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo tiêu chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiện những lò hơi gây ô nhiễm khí thải cũng như nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất đã được các đơn vị này khắc phục bằng cách cải tạo lại hoặc xây mới hệ thống xử lý khí thải, nước thải. Nồng độ bụi và các chất vô cơ trong khí thải lò hơi và hóa chất trong nước thải sản xuất đã được xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.

Tiếp tục giám sát và mạnh tay với cơ sở ô nhiễm

Áp dụng biện pháp xử lý mạnh bước đầu đã và đang phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, về phía thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc kiểm tra hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu chỉ được tính vào thời điểm kiểm tra. Còn các cơ sở này có duy trì kết quả kiểm tra hay không thì rất cần thiết phải được giám sát và tăng cường kiểm tra thường xuyên.

Do vậy, không chỉ quận 12 nói riêng, các UBND quận huyện cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý những cơ sở vẫn đang tiếp tục tìm cách tránh né hành vi xử lý chất thải của mình. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm sở đã kiểm tra 80 DN.

Trong đó, vẫn còn nhiều DN vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Sở đã tiến hành phạt tiền với tổng mức tiền phạt lên tới 2,5 tỷ đồng. Đại diện UBND quận 7 khẳng định, hiện phần lớn DN sản xuất có quy mô lớn đã tập trung vào các khu sản xuất tập trung. Còn những DN nằm rải rác trên địa bàn quận huyện là DN nhỏ và rất nhỏ. Bản thân họ thường tận dụng nhà ở làm cơ sở sản xuất nên rất khó xử lý nếu họ có vi phạm môi trường.

Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết thêm, nếu bắt họ đầu tư hệ thống xử lý chất thải thì chắc chắn là không đủ vốn đầu tư. Còn nếu phạt tiền hoặc đóng cửa sản xuất thì họ sẵn sàng đóng cửa và vài tháng sau lại xin cấp phép thành lập cơ sở mới với tên khác nhưng hình thức hoạt động vẫn nguyên như cũ.

Do vậy, để có thể xử lý triệt để những cơ sở sản xuất nhỏ đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần phải giải quyết gốc của vấn đề. Trong đó, tập trung giải quyết ngay khâu cấp phép thành lập. Với những DN không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường thì không được cấp phép mới. Mặt khác, với những cơ sở cũ, tồn tại lâu nay thì thành phố nên sớm thành lập khu di dời.

Đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ di dời cho họ. Đặc biệt hơn, nơi đến của họ phải được đầu tư hạ tầng tiếp nhận chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Bản thân họ sẽ phải cân đối thêm chi phí phải trả cho xử lý chất thải. Có như vậy mới mong cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra tại nhiều quận huyện hiện nay.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục