Qua những bức ảnh của các phương tiện thông tin đại chúng thì bất kỳ một người làm nghề xây dựng đều có thể khẳng định được nguyên nhân vụ sập giàn giáo tại công trường xây dựng nhà ga Hà Đông là do hệ thống chống giàn giáo không đảm bảo an toàn, bao gồm: không đảm bảo khả năng chịu lực, không ổn định và rất có thể chân giáo bị lún.
Hiện trường sự cố sập giàn giáo
Để trả lời câu hỏi vì sao lại có sự cố này thì cần phải xem xét tổng thể công tác quản lý dự án của chủ đầu tư.
Trước hết là việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra cho phép chúng ta nghĩ Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không đủ năng lực để làm tổng thầu EPC. Tư vấn giám sát là Công ty Trách nhiệm hữu hạn giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh cũng không đủ điều kiện năng lực để thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình này.
Thứ hai, công tác quản lý chất lượng thi công quá kém. Tổng thầu EPC đã không làm tốt trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng các công việc do mình thực hiện và các công việc do nhà thầu phụ thực hiện, bao gồm: Lập và đề xuất với chủ đầu tư quy trình kiểm soát chất lượng đối với toàn bộ các công việc do tổng thầu và thầu phụ thực hiện; kiểm soát chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình do mình thực hiện theo quy định của Việt Nam; lựa chọn nhà thầu phụ đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định; giám sát, nghiệm thu đối với các công việc do nhà thầu phụ thực hiện; chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về chất lượng các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
Tất cả những yếu kém trên thể hiện ngay trong công tác kiểm soát biện pháp thi công. Nếu hệ thống giàn giáo được tính toán, thiết kế theo quy định, vật liệu chế tạo giàn giáo được kiểm soát, việc lắp đặt được thử tải và nghiệm thu như một hạng mục công trình, việc chất tải trên giàn giáo đúng theo quy trình hoặc không để vượt tải trọng cho phép trong quá trình thi công, thường xuyên được tư vấn giám sát kiểm tra thì chắc chắn không xảy sự cố đáng tiếc.
Đối với sự cố cụ thể này có thể thấy ngay trách nhiệm này thuộc về nhà thầu thi công xây dựng. Nhà thầu đã không tuân thủ nghiêm ngặt QCXD 18:2014/BXD-Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia-An toàn trong xây dựng. Quy chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật an toàn trong xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đối chiếu với quy định tại điểm 2.19.2.7-QCXD 18:2014: “Trong phạm vi đang có người làm việc trên cao và trên mái, phải có rào ngăn và biển cấm bên dưới để tránh vật liệu, dụng cụ từ trên rơi vào người qua lại. Hàng rào ngăn phải đặt rộng ra ngoài mép mái theo hình chiếu bằng một khoảng cách 2m khi mái có độ cao không quá 7m và cách 3m khi mái có độ cao lớn hơn 7m. Trường hợp đặc biệt, theo quy định của thiết kế thi công” thì nhà thầu đã có các hành vi vi phạm cụ thể như sau: không có rào ngăn; không có biển cấm bên dưới để tránh vật liệu, dụng cụ từ trên rơi vào người qua lại.
Nhà thầu thi công không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ tai nạn này, vì theo quy định tại Khoản 5 Điều 25 Nghị định 15/2013/NĐ-CP thì nhà thầu có trách nhiệm “Lập và phê duyệt biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình, tiến độ thi công, trừ trường hợp trong hợp đồng có quy định khác”.
Để tránh xảy ra những sự cố tương tự, nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện:
a) Thiết kế, tính toán kết cấu giàn giáo theo đúng qui định tại Qui chuẩn xây dựng Việt Nam và các tiêu chuẩn: TCXDVN 296:2004 - Giàn giáo - Các yêu cầu về an toàn, TCVN 4055:2012 - Tổ chức thi công và các tiêu chuẩn khác có liên quan đến giàn giáo; phê duyệt thiết kế và biện pháp lắp đặt.
b) Lắp đặt và khai thác, sử dụng giàn giáo tuân thủ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và các yêu cầu khác của chủ đầu tư theo nội dung của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó lưu ý chỉ sử dụng những giàn giáo được chế tạo đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật qui định; các cột hoặc khung chân giáo phải được đặt trên nền đã được tính toán đảm;trong quá trình thi công đổ bê tông phải đảm bảo các điều kiện an toàn, ổn định cho giàn giáo, cụ thể như: không tập kết khối lượng lớn bê tông tại cùng một vị trí trên giàn giáo, không để các thiết bị gây tải trọng động ảnh hưởng đến sự làm việc ổn định của giàn giáo...
c) Thường xuyên kiểm tra an toàn của giàn giáo (đặc biệt là tại những thời điểm thời tiết xấu và có những hoạt động thi công ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của giàn giáo) và ghi lại kết quả kiểm tra trong nhật ký thi công.
d) Huấn luyện cho các cán bộ kỹ thuật và công nhân trực tiếp tham gia lắp dựng, tháo dỡ giàn giáo.
Trong sự cố này thì chủ đầu tư xây dựng công trình và tư vấn giám sát không thể nào đứng ngoài trách nhiệm được. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (trong trường hợp được chủ đầu tư thuê) có trách nhiệm giúp chủ đầu tư kiểm tra công tác lắp đặt giàn giáo của nhà thầu theo thiết kế đã được phê duyệt. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc lắp dựng giàn giáo trong quá trình thi công xây dựng. Chủ đầu tư kiên quyết tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định làm mất an toàn của giàn giáo, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo qui định tại Điều 24, Điều 29, Điều 46 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng; Điều 5 và Điều 8 Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình và tại các qui định hiện hành.
Nếu theo quy định của Luật Xây dựng 2003 và Nghị định 15/2013/NĐ-CP thì việc quy định trách nhiệm của các chủ thể trong sự cố này rất rõ ràng. Thế nhưng nếu từ 1/1/2015, khi Luật xây dựng 2014 có hiệu lực thì Nhà thầu thi công xây dựng có các nghĩa vụ “Lập và trình chủ đầu tư phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình” theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 113 Luật này.
Với quy định này mà áp dụng cho sự cố này thì chắc chắn chủ đầu tư không thể chối bỏ trách nhiệm pháp lý vì là người phê duyệt thiết kế biện pháp thi công. Điều quy định này cần phải được sửa đổi vì nó hạn chế toàn bộ sự chủ động của các nhà thầu thi công xây dựng trong việc thay đổi biện pháp thi công, chậm tiến độ vì phải đợi chủ đầu tư phê duyệt và mâu thuẫn với quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 62 của Luật Đấu thầu đó là “Hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản. Khi quyết định áp dụng loại hợp đồng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm loại hợp đồng này phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói”.
Do có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng nên việc nhà thầu thay đổi thiết kế biện pháp thi công sẽ không làm ảnh hưởng đến giá thanh toán miễn là bảo đảm chất lượng, an toàn và tiến độ thi công. Nếu chủ đầu tư phê duyệt thiết kế biện pháp thi công làm thay đổi giá hợp đồng thì việc sử dụng loại hợp đồng trọn gói mất ý nghĩa. Bởi vậy , Luật Xây dựng 2014 nên yêu cầu nhà thầu thi công lập, tự hoặc thuê thẩm tra trước khi tự phê duyệt thiết kế biện pháp thi công. Chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm kiểm tra nhà thầu thực hiện theo thiết kế được phê duyệt mà thôi.
Lê Văn Thịnh, Cựu Trưởng phòng Giám định 1,
Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng
>> Nhà thầu Vinacontech bị đình chỉ thi công vĩnh viễn tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội