(SGGP).- Ban Kinh tế và Ngân sách (KT-NS) HĐND TPHCM vừa kiến nghị Thường trực HĐND và UBND TPHCM kiểm tra, chấn chỉnh việc triển khai thi công vỉa hè tại các quận, huyện như báo chí và ý kiến các nhà khoa học đã nêu thời gian qua.
Theo đó, đối với vỉa hè còn sử dụng tốt không đào lên làm mới; các dự án nâng cấp vỉa hè chưa khởi công, cần có sự chỉ đạo các quận, huyện xem xét lát loại vật tư phù hợp, đảm bảo mỹ quan, thân thiện với môi trường, thoát nước và bảo vệ cây xanh; việc phân cấp quản lý vỉa hè cho quận, huyện là đúng, nhưng phải tăng cường công tác quản lý và phân công đầu mối quản lý kiểm tra và xây dựng quy chuẩn về vỉa hè, lề đường, tránh tình trạng như hiện nay.
Qua khảo sát, Ban KT-NS nhận thấy, toàn TP ước có khoảng 4.472.152m² vỉa hè trên tổng số 3.584 tuyến đường và hầu hết đã phân cấp cho quận, huyện quản lý từ năm 2002. Năm 2008, các quận, huyện đã đầu tư nâng cấp vỉa hè, có quận đã nâng cấp vỉa hè trên 95% tuyến đường. Nhiều quận đề ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ hoàn thành nâng cấp xong vỉa hè trên địa bàn. Hầu hết vỉa hè được làm mới theo kết cấu loại 1 (gạch terrazzo) và kết cấu loại 2 (bê tông xi măng đá).
Theo ý kiến của một số sở, ngành, nhà khoa học và nhân dân thì việc bê tông hóa vỉa hè sẽ gây các tác hại như: làm cho cây xanh không tiếp nhận được nguồn nước mưa, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây; gây thất thoát nghiêm trọng nguồn nước ngầm của TP và dễ dẫn đến sụt lún đất; ảnh hưởng tình trạng thoát nước trong bối cảnh hệ thống thoát nước của TP đã cũ kỹ và quá tải. Nhiều tuyến vỉa hè còn tốt lại đào lên làm mới rất lãng phí.
Sở GTVT và các nhà khoa học cho rằng, nếu nâng cấp vỉa hè theo kết cấu loại 3 (gạch bê tông tự chèn) thì 1km vỉa hè sẽ giữ được 100m³ nước (toàn TP có 3.700 km vỉa hè) và sẽ có tác dụng giúp cải thiện mạch nước ngầm, cung cấp nguồn nước cho cây xanh, giải quyết tình trạng thoát nước.
V.ANH