Bộ phim Đường Hồ Chí Minh trên biển dài 40 tập (biên kịch: Đình Kính - dựa theo tiểu thuyết Sóng chìm và Người của biển của cùng tác giả, biên tập: Phạm Thùy Nhân, đạo diễn: Đinh Thái Thụy, Đài Truyền hình TPHCM và Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng phối hợp sản xuất) bắt đầu phát sóng từ ngày 23-10, lúc 18 giờ từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần, trên HTV9.
Thông qua những chuyến vượt biển chuyên chở vũ khí cho chiến trường miền Nam của hai con tàu T37 và T67, bộ phim đã khắc họa đời sống, sự khắc nghiệt, đối mặt với khó khăn nguy hiểm của các chiến sĩ trên tàu không số; cùng với tấm lòng, sự can trường của quân dân nơi địa phương mà tàu cập bến - ở đây là địa danh Bến Cát, Vũng Rô, Phú Yên.
Là thuyền phó tàu T37, Tòng (Thế Tâm thủ vai) đã cùng anh em đồng đội có hai chuyến vận chuyển vũ khí đến Bến Cát. Ngoài nhiệm vụ còn là nỗi lòng của chính anh khi tàu cập bến nơi này. Bến Cát, Vũng Rô là quê hương Tòng, nơi đây, anh còn vợ là Tư Nhâm (Đinh Y Nhung thủ vai) và con gái. Chuyến cập bến đầu có chút trục trặc nhưng bằng sự thông minh, Tòng đã khắc phục sự cố, chuyển hết vũ khí xuống bến và trở ra Bắc an toàn.
Đến lần thứ hai, tàu T37 bị địch phát hiện nên Tòng buộc phải dìm hết vũ khí xuống biển và hủy tàu. Anh cũng hy sinh trong trận đánh khốc liệt này. Vợ anh, Tư Nhâm vốn là giao liên, hiểu được vai trò của mình, nuốt nỗi đau mất chồng, chôn chặt sự tủi hờn vì bị chòm xóm, người thân dè bỉu, xa lánh. Tư Nhâm nhận lời cầu hôn của thiếu tá ngụy Hai Rạng (Lý Hùng thủ vai) nhằm củng cố vỏ bọc chắc chắn hơn, dễ dàng hoạt động và đóng góp cho cách mạng nhiều hơn.
Tàu T67 do thuyền trưởng Tư Lê (Hoàng Phi) chỉ huy cũng cập bến được hai chuyến. Chuyến đầu tàu mắc cạn, đến chuyến thứ hai, tàu bị địch phát hiện, phải hủy tàu sau khi đã chuyển hết vũ khí. Tư Lê và thủy thủ đoàn phải trở về Bắc bằng đường Trường Sơn gian nan, vất vả, nhiều chiến sĩ hy sinh. Tư Lê có người yêu là kỹ sư đóng tàu tại Nhà máy đóng tàu Hải Phòng. Đến Bến Cát, anh gặp Sáu Quyên (Minh Thảo thủ vai), nữ giao liên xinh đẹp của làng Cát. Quyên đem lòng yêu Tư Lê, nhưng trong lòng chàng thuyền trưởng chỉ có hình bóng cô kỹ sư đóng tàu...
Những cuộc rượt đuổi trên biển căng thẳng, những trận đánh không cân sức giữa các chiến sĩ tàu không số và du kích với lính ngụy được những người làm phim thể hiện khá tốt. Thông qua số phận những nhân vật chính như Tòng, Tư Nhâm, Hai Rạng, Ba Hoàng, bộ phim đã làm nổi bật được sự khốc liệt của chiến tranh; những bi kịch không ai mong muốn và trên tất cả là sự hy sinh, chịu đựng của những con người một lòng vì cách mạng, vì nhân dân. Nổi bật trong phim là diễn xuất của Lý Hùng vai Hai Rạng và Lâm Minh Thắng vai đại úy biệt kích ngụy Ba Hoàng. Tuy nhiên, phim sẽ hay hơn, thuyết phục hơn nếu được chăm chút kỹ về phục trang, lời thoại, lồng tiếng.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một huyền thoại, là niềm tự hào của tất cả người dân Việt Nam nói chung và hải quân Việt Nam nói riêng. Con đường là sự kiêu hãnh về trí tuệ, sự thông minh, độc đáo của cách mạng Việt Nam và được cả thế giới ngưỡng mộ, lần đầu lên phim. Với sự hỗ trợ phương tiện kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục Tuyên huấn (Tổng Cục Chính trị), phim có những cảnh quay hoành tráng với sự tham gia của tàu chiến, trực thăng, đã làm tăng thêm hiệu quả hình ảnh cho những trận đánh lớn được tái hiện.
Các nhân vật trong phim tuy hư cấu nhưng đầy thuyết phục bởi tính nhân văn, bởi sự hy sinh cao đẹp mà trong thực tế cuộc chiến không ít chiến sĩ đã từng chứng kiến, từng trải qua. Ra mắt đúng ngày kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2011) sau 4 tháng thực hiện, bộ phim đã mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc và cũng là cố gắng rất lớn của những người làm phim. Thông qua bộ phim và số phận các nhân vật trong phim, khán giả đã có thể hình dung về con đường huyền thoại, đường Hồ Chí Minh trên biển, về sự hy sinh của các chiến sĩ tàu không số và những đóng góp to lớn của hậu phương cho cách mạng. Tất cả đã vượt trên sóng gió, hiểm nguy để tiếp thêm sức mạnh cho cách mạng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Như Hoa