Chặn “ngòi nổ” ở khu dân cư

Vụ cháy xảy ra vào trưa 28-4 tại một căn nhà nằm trong hẻm 118 đường Bùi Văn Ba (quận 7, TPHCM) thiêu rụi nhiều đồ đạc, vật dụng và lan sang trường mầm non bên cạnh, de dọa tính mạng hàng chục trẻ lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ cháy nổ ở các khu dân cư (KDC), nhất là mùa nắng nóng.

Vụ cháy xảy ra vào trưa 28-4 tại một căn nhà nằm trong hẻm 118 đường Bùi Văn Ba (quận 7, TPHCM) thiêu rụi nhiều đồ đạc, vật dụng và lan sang trường mầm non bên cạnh, de dọa tính mạng hàng chục trẻ lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ cháy nổ ở các khu dân cư (KDC), nhất là mùa nắng nóng.

Các KDC ở những TP lớn, có mật độ dân số đông như TPHCM lâu nay vẫn luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Ở những nơi này, tình trạng người dân tự ý câu mắc điện, công nhân - người lao động thu nhập thấp trú ở đông nhưng sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt không an toàn, nhà cửa lụp xụp - san sát dễ cháy lan cháy lớn khi xảy ra sự cố... là hình ảnh không khó tìm.

Đánh giá được mối nguy hiểm này, nhiều năm qua, tại TPHCM, ngành PCCC và chính quyền các cấp ở thành phố triển khai nhiều giải pháp, mô hình phòng cháy chữa cháy, dù vậy tình hình vẫn không mấy cải thiện. Thống kê của Cảnh sát PC&CC TPHCM, từ năm 2012 đến nay, TP xảy ra gần 700 vụ cháy, trong đó có hơn 600 vụ cháy KDC.

Một trong số các nguyên nhân khiến nhiều vụ cháy KDC xảy ra thời gian qua là do người dân bất cẩn trong sử dụng điện, đun nấu và vứt tàn thuốc tràn lan ra xung quanh - nơi có nhiều vật liệu dễ cháy, dẫn đến phát sinh lửa. Điều này cho thấy ý thức của người dân trong việc phòng cháy tại các KDC hiện đang rất kém. Thậm chí có nơi lắp dặt bàn thờ cắm nhang trong phòng trọ dưới đường dây điện chưa tới nửa mét; hoặc vô tư ngồi hút thuốc, vứt tàn thuốc ngay bên bình gas (loại 12kg) ở trong phòng.

Để người dân chủ quan, lơ là với công tác phòng chống cháy nổ như trên cũng có phần trách nhiệm lớn của chính quyền địa phương, các ngành chức năng khi công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức, nhận thức chưa đến được với người dân. Nhiều nơi chỉ làm qua loa cho có, thậm chí có nơi nhiều tháng cán bộ phụ trách mới xuống ngó qua “liếc qua ngó lại” một lần rồi thôi, có khu phố cả năm còn chưa thấy cán bộ PCCC xuống kiểm tra một lần.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ địa phương - ngành chức năng cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa một cách có hiệu quả. Muốn vậy, giải pháp phải có nội dung cụ thể, triển khai phải thường xuyên và đồng bộ để người dân hiểu rõ, hiểu đúng và làm theo. Trong số các giải pháp cần lấy việc tuyên truyền làm đầu, bởi lẽ mọi nguyên nhân cháy nổ đều xuất phát từ yếu tố con người, khi nhận thức đúng, mọi người sẽ không vi phạm và nguy cơ cháy nổ đương nhiên sẽ được kéo giảm, cháy nổ khó xảy ra. Bảo vệ dân phố là lực lượng tại chỗ có vai trò rất lớn trong việc phòng cháy và chữa cháy, tuy nhiên công tác phòng cháy của lực lượng này trước giờ gần như phớt lờ. UBND các phường cần giao hẳn việc giám sát tình hình cháy nổ cho bảo vệ dân phố (có thể mỗi bảo vệ dân phố phụ trách một khu phố). Hàng ngày, các bảo vệ dân phố sẽ dành ra 1 giờ để khảo sát tình hình cháy nổ trong khu phố, khi phát hiện có nguy cơ cháy, lỗi vi phạm (hệ thống điện bị hư hỏng, tồn trữ gas không an toàn...), bảo vệ sẽ báo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đến khắc phục, xử lý.

Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất là việc triển khai các giải pháp vào thực tế của các cơ quan, đơn vị chức năng phải thường xuyên, quyết liệt và đồng bộ. Một khi làm tốt các yếu tố trên, nguy cơ cháy nổ ở các khu dân cư ở TPHCM mới mong được kéo giảm.

NGUYỄN TÂM

Tin cùng chuyên mục