Chặn “té nước theo mưa”

Sau quyết định tăng giá xăng gần 2.000 đồng/lít, mới đây Bộ Tài chính có công văn yêu cầu sở tài chính các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. Đây là động thái cần thiết bởi ngoài việc giá xăng lần này tăng tới 7,6%, việc giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 7,5% từ ngày 16-3 chắc chắn sẽ gây tác động nhất định đến chi phí sản xuất, giá thành và giá bán một số hàng hóa, dịch vụ.

Giá xăng tăng mạnh trước hết sẽ ảnh hưởng tới giá vận tải, và hiện nay các doanh nghiệp vận tải đã rục rịch tính chuyện tăng giá cước. Khi đó, nhiều hàng hóa và dịch vụ khác sẽ có “cơ hội” tăng giá theo.

Điện và xăng dầu là những nguyên, nhiên liệu đầu vào có tác động sâu rộng đến nền kinh tế và đời sống dân sinh. Vì thế, việc giá điện và giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác tăng lên cũng là điều dễ hiểu. Nhưng mức tăng giá như thế nào cho hợp lý là vấn đề cần được nghiên cứu, tính toán để có giải pháp điều hành phù hợp.

Trên thực tế, có không ít lần việc tăng giá điện, giá xăng đã bị lợi dụng để các hàng hóa, dịch vụ khác tăng giá chóng mặt theo kiểu “té nước theo mưa”, gây nhiều tác động xấu tới kinh tế vĩ mô và đời sống người dân. Mặc dù lần nào tăng giá điện, giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng có những văn bản đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, bình ổn nhưng diễn biến giá cả thị trường vẫn rất phức tạp. Người dân, doanh nghiệp rất lo lắng vì năng lực việc kiểm soát tình trạng “ăn theo”, “lách luật” của các cơ quan chức năng chưa được như mong muốn.

Ví dụ trong năm 2014, giá xăng dầu giảm kỷ lục nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá cước. Thậm chí, Bộ GTVT cũng buộc phải vào cuộc nhưng nhiều đơn vị vẫn viện đủ lý do và chỉ giảm giá cước theo kiểu nhỏ giọt…

Cho nên, đối với việc tăng giá xăng lần này, để câu chuyện “trên bảo dưới không nghe” không còn tiếp tục tái diễn, cơ quan quản lý giá cần chủ động hơn trong việc ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”. Ngoài những văn bản nhắc nhở, lực lượng thanh tra về giá của ngành tài chính cần vào cuộc sớm và mạnh mẽ hơn. Điều quan trọng là từ phía các địa phương cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác bình ổn giá.

Cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, trước hết là đối với các mặt hàng như giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí hóa lỏng...

Các cơ quan chức năng ở địa phương cần giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; trong đó, có các mặt hàng chịu tác động trực tiếp của giá điện, giá xăng, giá các yếu tố đầu vào khác. Đồng thời, kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.

Một vấn đề quan trọng khác là kỷ cương trong quản lý giá cả hàng hóa lâu nay vẫn bị buông lỏng nên dẫn đến tình trạng “lờn luật”, sẵn sàng bỏ qua các quy định về quản lý giá để tăng lợi nhuận. Vì thế, qua công tác thanh tra, kiểm tra cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục