Nhắc tới nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (ảnh) mọi người nhớ ngay đến bài thơ “Hương thầm” nổi tiếng của chị. Nhà thơ đã dành cho PV SGGP buổi trò chuyện thân tình và cởi mở.
* PV: Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn quá quen thuộc với giới yêu thơ, nhưng một số người đã đọc truyện ngắn của chị khen “bà Nhàn viết có duyên lắm”. Tập Chân dung văn học: Sự cực đoan đáng yêu, chị mới xuất bản càng khẳng định điều ấy. Nhà thơ cảm thấy sao?
- Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Có lẽ anh quá khen. Tôi chưa bao giờ dám nhận mình là người có duyên hoặc viết có duyên. Đó là lời khen tôi nghĩ là thú vị nhất đối với một cô gái hoặc một phụ nữ, nhất là với người đã cao tuổi như tôi. Nếu bạn đã đọc thơ của tôi, bạn sẽ thấy những câu… chán đời như thế này: “Tôi bây giờ chỉ bạn với ma thôi”, “Tôi mà không mông má - Trông như là giẻ lau”, “Ăn qua loa xong bữa - Đi làm cho gặp ngày - Chẳng còn thân ai nữa - Có chút gì đắng cay”… Nhưng dù sao cũng rất cảm ơn. Nhận xét đó là lời động viên rất lớn cho một người luôn cảm thấy mình già nua, xấu xí, là tôi.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tôi có đọc đâu đó một câu mà tôi rất thích, đại loại là: “Một cô gái đẹp được mọi người trầm trồ là điều rất tốt, nhưng một cô gái không đẹp lắm mà ra đường ai gặp cũng chào và muốn được làm quen thì đó chính là một nàng công chúa”.
* Thơ là cái tôi, nhưng một số cây bút nữ đã quá lạm dụng cái tôi... Vậy theo nhà thơ, người phụ nữ làm thơ cần nhất điều gì?
- Tôi nghĩ cứ sống bình thường, làm việc hết mình, tốt hết mình với mọi người trong điều kiện có thể, vui chơi hết mình nếu có thể. Và ai yêu mình mà mình không thích thì cứ… chê thẳng thừng! Chân thành và hết mình trong mọi việc, đó là phẩm chất chung của những người phụ nữ, mà phụ nữ làm thơ có lẽ cũng cần như vậy.
* Chị nhận xét gì về thơ nữ Việt Nam hiện nay và những năm tới?
- Tôi chỉ nghĩ việc này khó có thể động viên, bồi dưỡng hay đào tạo được, vì nó tùy thuộc vào mỗi cá nhân làm thơ. Tuy nhiên, không khí chung của thời đại, của giới văn chương, rồi sự quan tâm của gia đình, bè bạn, xã hội và… người yêu cụ thể của mỗi nhà thơ nữ cũng có tác động rất mạnh đến tình cảm, xúc động khiến chúng tôi phải… biến chúng thành thơ. Những nhà thơ nữ cũng như nam, nếu viết không vì mong sự nổi tiếng, không vì bất cứ cái gì mà chỉ để bày tỏ cảm xúc chân thành của mình về đất nước, tình yêu, con người… thì tôi nghĩ, chắc chắn chúng ta sẽ có các nhà thơ với những bài thơ làm người đọc xúc động.
* Năm vừa rồi, nhà thơ nữ Hoàng Việt Hằng đã ra mắt cuốn tiểu thuyết Một bàn tay thì đầy được dư luận khen ngợi. Liệu nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có ý định viết tiểu thuyết hay tiếp tục truyện ngắn...?
- Tôi có ước mơ từ khi mới ra làm báo, là tôi sẽ viết văn, còn thơ, lúc đó, tôi chỉ làm để ghi lại cảm xúc của mình thôi. Ví dụ bài “Con đường”, tôi viết: “Nếu cùng người mới dạo chơi - Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu” từ năm 1962, mà mãi sau này mới được đăng báo. Báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh đăng bài này cùng một câu thơ tôi ghi trong nhật ký: “Người tôi yêu đã đi xa - Người yêu tôi lại ở nhà, chán không?”. Ngay sau đó, các bạn miền Nam cho biết là câu thơ rất riêng tư này bị gán cho tội “Ca ngợi những người đi di tản sang Mỹ và chê những người ở lại!”. Sau đó, may mà anh Bình Minh, Trưởng ban Văn Xã của tôi lúc ấy đã thanh minh và bênh vực, rằng tôi là phóng viên báo Hà Nội Mới, đang là cảm tình Đảng, sắp được kết nạp, không hề quen ai đã di tản v.v…
Lúc mới ra trường, về làm phóng viên báo Hà Nội Mới, một bác ở cơ quan đã khuyên tôi “cháu nên đi bằng cả hai chân, văn và thơ”. Tôi rất kính phục các nhà phê bình, các nhà văn giờ lại làm được thơ. Còn các nhà thơ viết văn thì có vẻ ít hơn, mặc dù tôi vẫn nghĩ rằng như tôi nhiều tuổi thì nên viết văn, bởi giờ coi như mới có chút từng trải và kinh nghiệm sống… Tôi sẽ cố gắng viết văn, nếu… được bạn đọc động viên.
CAO MINH