Câu chuyện về cuốn sách dịch Đạo mộ bút ký bị tố giác có các chi tiết vi phạm chủ quyền đất nước khiến dư luận quan tâm. Đối với những bạn đọc sách điện tử (ebook), đây không phải là thông tin mới.
Là một trong hai loạt tác phẩm nổi tiếng nhất trong dòng sách “Trộm mộ” của Trung Quốc, Đạo mộ bút ký cũng đã được các dịch giả chuyên dịch truyện trực tuyến ở Việt Nam dịch ra. Đạo mộ bút ký bao gồm 7 cuốn nhưng chỉ được dịch 4 cuốn, gồm các tập từ 1 đến 3 và tập 7. Lý do của việc dịch đứt quãng này là khi các tập 2 và 3 được tung lên mạng, nhiều bạn đọc phát hiện nội dung sách đã xâm phạm đến chủ quyền Việt Nam. Ngay khi biết thông tin này, các nhóm dịch đã tự ý ngưng dịch và không đưa ra các bản dịch tiếp theo. Ở bộ Ma thổi đèn, một trong 2 loạt sáng tác tiêu biểu của dòng “Trộm mộ”, ở tập Nam Hải quy khư cũng có một số chi tiết liên quan đến chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, do chỉ thoáng qua nên ít được chú ý hơn.
Hiện nay, đa phần các loại sách trực tuyến được dịch và cung cấp miễn phí trên mạng đều đến từ Trung Quốc. Nội dung của các tác phẩm này rất đa dạng, từ ngôn tình đến huyền huyễn (tiên, ma, yêu quái) rồi quân sự, viễn tưởng, quan trường, đô thị huyền ảo… Do nhiều nguyên nhân, từ chủ quan đến khách quan mà thỉnh thoảng trong các tác phẩm đó có những chi tiết liên quan đến Việt Nam. Khi gặp những chi tiết đó, nếu không mang tính tiêu cực, các dịch giả sẽ giữ lại, nếu tiêu cực nhưng không nghiêm trọng thì bỏ qua không dịch các đoạn có liên quan. Còn trường hợp sự liên quan mang tính phản cảm, nghiêm trọng, tác phẩm sẽ bị hủy bỏ ngay lập tức.
Các bạn đọc trẻ của ebook không thể quên câu chuyện về một tác phẩm huyền ảo đô thị đã được dịch hơn 400 chương (khoảng 1.000 trang sách giấy). Đến chi tiết nhân vật chính tiêu diệt băng nhóm buôn ma túy thu được một lượng lớn ma túy, không muốn đưa ma túy vào nước mình nhưng bỏ đi thì tiếc nên nhân vật đưa ma túy bán qua các nước xung quanh (Nga, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc…) Ngay khi dịch đến đoạn này, người dịch lập tức ngừng dịch và sau một loạt câu mạt sát tác giả, người dịch tuyên bố bỏ dịch tác phẩm này. Các nhóm dịch tham gia dịch cũng lập tức hủy bỏ các kế hoạch dịch và các diễn đàn cung cấp truyện vốn hay hục hặc, tranh chấp với nhau cũng đồng lòng xóa bỏ tác phẩm trên ra khỏi kho tư liệu của mình.
Có một thực tế là việc quản lý ebook không chính thức trên mạng gần như bị bỏ ngỏ. Việc dịch thuật, phổ biến hoàn toàn hoạt động theo nguyên tắc mở, tự dịch, tự biên và tự phát hành nhưng các tác phẩm vi phạm chủ quyền vẫn được ngăn chặn. Trong khi đó, các tác phẩm được xuất bản chính thức, đi qua hệ thống nhà xuất bản vốn được giao nhiệm vụ là lưới lọc, lại có sai phạm nghiêm trọng về chủ quyền đất nước. Câu chuyện của Đạo mộ bút ký chỉ là một góc nổi của tảng băng. Trước đó đã có nhiều tác phẩm vi phạm kiểu này bị phát hiện, thậm chí cả truyện tranh cho thiếu nhi cũng xuất hiện tình trạng này.
Cho đến nay, đơn vị xuất bản vẫn khẳng định mình đã làm hết trách nhiệm, đã biên tập, kiểm tra rất kỹ… và không hiểu sao lỗi vẫn xuất hiện. Một biên tập viên kỳ cựu cho biết, trừ một số trường hợp mang tính học thuật thì hầu hết các vi phạm kiểu này đều rất dễ phát hiện. Như trong trường hợp Đạo mộ bút ký, tác giả miêu tả chi tiết việc tàu rời đảo Hải Nam tiến thẳng xuống phía Nam suốt nhiều ngày. Như vậy, khả năng bối cảnh của truyện diễn ra trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam là rất lớn nhưng khâu biên tập dễ dàng để lọt sai phạm.
Trong điều kiện hội nhập, khó tránh khỏi xuất hiện những tác phẩm có nội dung không phù hợp, ẩn chứa những nội dung có hại đến từ nước ngoài. Quan trọng nhất vẫn là ngăn chặn từ gốc.
TƯỜNG VÂN