Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn của một bộ phận cán bộ công chức với doanh nghiệp là khá phổ biến. Điều này dẫn đến tăng chi phí, mất thời gian, giảm hiệu quả hoạt động, gây tâm lý bức xúc trong doanh nghiệp. Đó là kết luận tại nghiên cứu do Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) tiến hành và công bố tại đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) ngày 12-11.
“Tại anh, tại ả”
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại. Đó là: 37% doanh nghiệp cho biết tham nhũng vặt “rất phổ biến”; 43% là “phổ biến” và đa số doanh nghiệp xem là nạn nhân của tham nhũng vặt với 58%. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, mức độ phổ biến của tham nhũng “vặt” thể hiện ở việc: 63% doanh nghiệp cho rằng cán bộ công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc; 58% cho rằng không giải thích rõ quy trình, cố tình bắt lỗi doanh nghiệp; 48% cho rằng cố tình đặt ra các yêu cầu sai quy định... Kết quả cũng cho thấy 81% doanh nghiệp cho rằng tham nhũng “vặt” gây lãng phí thời gian, tăng chi phí, gây tâm lý bức xúc cho doanh nghiệp.
Cùng chia sẻ về chủ đề này, theo đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp cho thấy chính việc cán bộ công chức gây khó khăn đã dẫn đến việc doanh nghiệp phản ứng bằng cách đưa hối lộ. Thể hiện qua việc: 60% đôi khi hoặc thường xuyên đối phó với khó khăn bằng cách hối lộ; 32% cho hối lộ là cách nhanh nhất và dễ nhất giải quyết công việc; 63% cho rằng hối lộ tạo ra cơ chế bất thành văn để giải quyết công việc nhanh chóng; trên 75% đưa hối lộ ngay cả khi không bị yêu cầu. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp không hối lộ làm ăn tốt hơn doanh nghiệp hối lộ.
“Việc mở ví để giải quyết không phải là dễ dàng và tại sao doanh nghiệp không tìm giải pháp khác bằng cách nắm vững các quy định pháp luật liên quan?”- đại diện WB đặt vấn đề.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ trước đến nay, xã hội đều có nhận thức doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, nhũng nhiễu của cơ quan công quyền. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Các kết quả điều tra cũng cho thấy một thực tế khác là doanh nghiệp thường chủ động đưa hối lộ nhằm đạt lợi thế không chính đáng hoặc trốn tránh pháp lý khi vi phạm. Rõ ràng, có cung, có cầu trong vấn đề này. Do vậy, để PCTN có hiệu quả một mặt phải xử lý nghiêm công chức, viên chức tiêu cực gây khó khăn cho doanh nghiệp để tìm cách nhận hối lộ, nhưng mặt khác cũng cần có chế tài đủ mạnh răn đe hành vi đưa hối lộ. Đặc biệt là những doanh nghiệp coi hối lộ là giải pháp kinh doanh, tạo lợi thế hình thành nhóm lợi ích.
Ông Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh cho rằng, thách thức quan trọng đối với sức khỏe, nền kinh tế Việt Nam trong tương lai chính là tham nhũng. Tham nhũng có sức phá hoại rất lớn. Doanh nghiệp có thể là nạn nhân nhưng họ có sức mạnh lớn nếu phối hợp chung tay trong việc thúc đẩy sự liêm chính trong công tác đẩy lùi tham nhũng.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, những năm qua, Việt Nam đã có nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Việc thực thi cần có tiến triển, đột phá lớn. Tuy nhiên, cách tiếp cận tốt nhất là phòng tham nhũng thay vì để xảy ra đi sau đó đi chống.
Tạo cơ chế để “tội đồ” thành đối tác
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân, tội đồ của tham nhũng, nhưng cũng là đối tác trong PCTN khi có thể đưa ra kiến nghị các giải pháp PCTN hướng đến chính quyền không tham nhũng. Để doanh nghiệp nói không với hối lộ, theo ông Lộc, việc cần thiết là xây dựng doanh nghiệp liêm chính để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.
Ông Lộc cũng cho biết sau đối thoại, VCCI và các hiệp hội sẽ đề xuất đề án hành động của doanh nghiệp trong công cuộc PCTN như: doanh nghiệp tự công bố liêm chính, tham gia các cam kết liêm chính, các quy tắc ứng xử, thành lập các liên minh liêm chính... “Hy vọng qua đối thoại, đề án của cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhận được chia sẻ từ cộng đồng quốc tế và Chính phủ, có chính sách ủng hộ doanh nghiệp liêm chính trong đấu thầu dự án công như được ưu tiên lựa chọn, chọn thầu các dự án của Chính phủ” - ông Lộc nói.
Theo đại diện Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì cần phải có các giải pháp như: thực thi tốt hơn các quy định liên quan phòng, chống tham nhũng hiện có; tính độc lập của các thể chế để doanh nghiệp phải hối lộ có thể khiếu nại để xử lý hành vi đòi hối lộ; mở rộng PCTN đối cả khu vực tư nhân, người nhận là có tội nhưng người đưa cũng có trách nhiệm... Khẳng định Việt Nam đã ban hành nhiều thể chế PCTN, nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận vẫn chưa đầy đủ. Việc thực hiện liêm chính trong kinh doanh cần thiết nhưng một vài doanh nghiệp thực hiện khó thành công vì họ bị các doanh nghiệp khác cạnh tranh không chính đáng, bị cô lập...
Đồng tình với việc các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, VCCI đề xuất các sáng kiến để cùng hành động thực hiện liêm chính, Phó Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động phát hiện, cung cấp các thông tin đối với hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước. Bởi việc các doanh nghiệp chủ động tố cáo sẽ góp phần quan trọng với các cơ quan chuyên trách trong việc PCTN. Ngoài ra, các bộ, ngành địa phương cũng cần phải công khai, minh bạch trong việc đưa ra quyết định, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tránh doanh nghiệp bị nhũng nhiễu.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật PCTN sang khu vực tư nhân, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp hay trách nhiệm hình sự của pháp nhân để đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự sắp tới.
HÀ MY