Chanel bội thu

Thời kỳ hậu Karl Lagerfeld dường như đã không tác động gì nhiều đến các hoạt động kinh doanh của Chanel. Ngược lại, hãng thời trang Pháp đạt mức bội thu chưa từng thấy với doanh thu năm 2018 cán mốc hơn 11 tỷ USD.
Nhà thiết kế Karl Lagerfeld trong một buổi trình diễn thời trang của Chanel
Nhà thiết kế Karl Lagerfeld trong một buổi trình diễn thời trang của Chanel

Theo số liệu vừa được công bố hôm 17-6, năm ngoái Chanel đã duy trì mức tăng trưởng 2 con số, lập kỷ lục với 11,12 tỷ USD. Thương hiệu do bà Coco Chanel sáng lập (nổi tiếng trên toàn thế giới với túi xách chần bông và nước hoa Chanel số 5), qua việc công bố doanh thu hàng năm, muốn khẳng định vị thế ưu việt của một hãng thời trang có uy tín lâu đời. Chanel hiện là một trong những thương hiệu xa xỉ phẩm hàng đầu thế giới chỉ đứng sau Louis Vuitton (11,6 tỷ USD năm 2018) thuộc sở hữu của Tập đoàn LVMH.

Sau khi nhà thiết kế Karl Lagerfeld lừng danh qua đời, đã có nhiều tin đồn suy đoán rằng, 2 anh em nhà Wertheimer sở hữu Chanel, muốn cho công ty này tham gia sàn chứng khoán. Tuy nhiên, Giám đốc Tài chính Philippe Blondiaux đã lên tiếng trấn an khi khẳng định rằng không hề có chuyện đưa Chanel vào thị trường chứng khoán và Chanel vẫn giữ nguyên tính độc lập. Cũng theo ông Philippe Blondiaux, việc bổ nhiệm Virginie Viard làm giám đốc nghệ thuật, ngồi vào chỗ của Karl Lagerfeld là sự lựa chọn đúng đắn hợp lý cho một kế hoạch phát triển lâu dài. Virginie Viard làm giám đốc phòng thiết kế studio Chanel từ năm 1997. Lần đầu tiên cô hợp tác với nhà thiết kế Karl Lagerfeld là vào năm 1987, để rồi hơn 30 năm sau, cô trở thành cánh tay phải của ông.

Dù Karl Lagerfeld đã qua đời, nhưng Chanel vẫn còn bị phủ bóng nhà thiết kế trong thời gian dài, do lúc sinh thời Karl Lagerfeld đã trở thành một “hiện tượng kinh tế”, lập ra một mô hình hái bạc tỷ nhờ biết kinh doanh các dòng sản phẩm trong thế giới mở rộng của cùng một thương hiệu.

Trong 2 năm gần đây, Chanel đã chi hơn 1 tỷ USD để mở thêm các chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như đầu tư vào các chiến dịch quảng cáo trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, Chanel vẫn chưa kinh doanh trực tuyến các sản phẩm của mình, đặc biệt là dòng sản phẩm thời trang cao cấp, các mỹ phẩm hay phụ kiện thời trang, đồng hồ và các món nữ trang. Mạng chính thức của Chanel giống như một tủ kính trưng bày lộng lẫy, nơi mà các sản phẩm được kèm với các địa chỉ cửa hiệu cũng như các địa điểm phân phối. Một cách để hạn chế lượng “hàng giả”, nhất là các sản phẩm ngoài luồng, các kiểu hàng nhái được bày bán, có gắn nhãn hiệu Chanel, luôn tràn ngập trên mạng Internet.

Kể từ một thập niên nay, mức tiêu thụ ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, nhất là tại thị trường Trung Quốc, là đầu tàu kéo thương hiệu Chanel đi lên. Châu Á chiếm tới 42,4% doanh thu hàng năm của Chanel. Trong năm qua, doanh số ở châu lục này đã tăng gần 20%. Điều đó giúp Chanel bội thu tới 2,17 tỷ USD (tăng thêm 16,4% so với năm trước).

Có lẽ vì thế, vào ngày 20-6, một sự kiện hoành tráng được tổ chức tại Viện Bảo tàng Grand Palais ở Paris để vinh danh Karl Lagerfeld. Grand Palais vẫn là nơi yêu chuộng nhất của Karl Lagerfeld lúc sinh thời, do ông có thể dàn dựng những hoạt cảnh “hùng vĩ” cho các buổi biểu diễn hoành tráng. Mang tựa đề Karl For Ever, buổi lễ vinh danh tài năng nhà thiết kế quá cố do đạo diễn Robert Carsen thực hiện, tập hợp 2.000 khách mời, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Lang Lang, Vanessa Paradis, Pharrell Williams, Helen Mirren…

Tin cùng chuyên mục