Chặng đường còn xa

Nhiều chuyên gia nhận định không có gì bảo đảm EC xác định được quy chế ứng viên cho Kiev vào ngày 17-6, bởi để có được quy chế ứng viên, Chính phủ Ukraine phải đưa ra bảo đảm quyết tâm thay đổi, cải cách, để đáp ứng các chuẩn mực chung của EU.

Theo kế hoạch, ngày 17-6, Ủy ban châu Âu (EC) phải cho ý kiến, đưa ra những điều kiện cụ thể về quy chế ứng viên cho Ukraine, Moldova và Gruzia sau khi 3 nước trên đệ đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tiếp đó, lãnh đạo các nước thành viên EU dự kiến họp thượng đỉnh vào ngày 23 và 24-6 tại Brussels để quyết định tương lai của 3 nước trên sẽ gắn liền với EU ra sao.  

Theo giới quan sát, với trường hợp của Ukraine, đơn xin gia nhập EU của nước này ngay từ đầu đã gặp phải nhiều thái độ dè dặt trong các quốc gia thành viên. EC biết rõ điều này và đang phải đối mặt với sự lựa chọn nan giải: làm sao tránh gây chia rẽ 27 nước thành viên về một chủ đề gai góc liên quan đến quy chế ứng viên gia nhập EU của Ukraine, đồng thời không gây cảm giác là Brussels “thiếu nhiệt tình giúp đỡ” Kiev. Trong hoàn cảnh như vậy, EC đang cố gắng thuyết phục một số nước thành viên vẫn còn e ngại như Hà Lan, Pháp và Đức. Bên cạnh đó, EC cũng phải tránh gây bất bình cho những nước đang tích cực ủng hộ việc Ukraine gia nhập EU.

Nhiều chuyên gia nhận định không có gì bảo đảm EC xác định được quy chế ứng viên cho Kiev vào ngày 17-6, bởi để có được quy chế ứng viên, Chính phủ Ukraine phải đưa ra bảo đảm quyết tâm thay đổi, cải cách, để đáp ứng các chuẩn mực chung của EU. Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn với châu Âu khi Ukraine không phải nước duy nhất gõ cửa xin vào EU. Danh sách các ứng viên đang kiên nhẫn chờ đợi không phải là ít với Albania, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả nếu Ukraine có được “quy chế ứng viên”, việc này mới chỉ cho phép bắt đầu một tiến trình thương lượng về các cải cách cần thiết. Quy trình này còn kéo dài nhiều năm, thậm chí cả thập niên trước khi quốc gia ứng viên bước vào EU. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ khi trở thành quốc gia ứng cử viên từ năm 1999, song tiến trình đàm phán trên thực tế đã bị đình trệ suốt nhiều năm qua. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 16-6 đã đến thủ đô Kiev trong chuyến thăm đầu tiên của các lãnh đạo này đến Ukraine từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine cuối tháng 2. Dù có sự động viên, chặng đường gia nhập còn rất dài, không chỉ với Ukraine mà cả với EU.

Tin cùng chuyên mục