Chào anh Ki

Khi bé Nấm chào đời thì chó vàng tên Ki đã sống trong nhà Nấm được bốn năm. Mẹ Nấm là một cô giáo rất yêu con, nhưng rất nghiêm khắc, thường dạy các con phải biết lễ phép, thấy người lớn hoặc khách đến thăm nhà phải khoanh tay chào. 
Chào anh Ki
Đi học về cũng phải vòng tay chào ba mẹ và những người lớn tuổi hơn mình. Nghe mẹ nói, Nấm hỏi ba chó Ki mấy tuổi. Ba nói tuổi chó khác tuổi người, nhưng Ki lớn hơn Nấm ba tuổi. Nhớ lời mẹ dặn, khi mẹ đến trường mẫu giáo đón Nấm về nhà, thấy ba và các anh chị ra đón, Nấm vòng tay chào ba và các anh chị, thấy chó  Ki cũng vẫy đuôi chạy ra mừng đón, Nấm cũng vòng tay: “Chào anh Ki em đi học về”. Trông nét mặt Nấm rất nghiêm trọng và lễ phép, mọi người cười xòa nhưng mẹ nói thế là Nấm rất ngoan, biết lễ phép với cả thú cưng, vật nuôi trong nhà. Từ đó, Nấm rất yêu quý và gọi Ki bằng... anh.
Ki vàng thật xứng đáng để Nấm kính yêu vì nó rất ngoan và chăm chỉ với việc giữ nhà, chống kẻ trộm, đuổi gà, bắt chuột... còn tỏ ra rất có trách nhiệm với chủ và vui chơi thân thiện với Nấm. Ki lại rất đẹp mã vì có bộ lông tuyền màu vàng hung, mập mạp dễ nhìn. Đã mấy lần bọn nghiện “cầy tơ bảy món” nhìn thấy và bàn tán muốn chộp cho Ki vào nồi vì thịt “Hoàng khuyển” vừa ngon lại rất bổ. Bởi vậy có lần Ki đã gặp nạn khi chạy chơi xóm bên, đã bị bọn trộm rình đâm lòi ruột, nhưng Ki cắn lại chúng và chịu đau đớn cố chạy thoát về nhà. Ba Nấm liền nhét đoạn ruột vào bụng và băng bó cứu sống Ki.
Nấm khóc thương Ki nhưng ba an ủi Nấm, bế Ki vào đặt nằm dưới gầm giường trong phòng ba và nói: “Ki đã bị đau nặng, phải nghỉ ngơi, ba sẽ lo giữ nhà thay  con”. Nhưng thật bất ngờ, khuya hôm đó cả nhà giật mình nghe tiếng Ki sủa trước cổng. Ba Nấm vội chạy ra bế Ki vào và lẩm bẩm nói Ki hết “trách nhiệm canh cổng” rồi, con phải nằm yên mà nghỉ, vì nếu Ki cố gắng sủa thì máu lại trào ra chỗ vết thương. Hiểu ý chủ, Ki chịu nằm yên và chẳng bao lâu sau “chó liền da, gà liền xương” Ki đã bình phục. Từ đó, hai “anh em Ki - Nấm” càng yêu quý gắn bó bên nhau nhưng chỉ được ít lâu rồi phải chia tay bởi ba Nấm được cấp trên điều động vào TPHCM công tác. Ba nói với Nấm phải gửi Ki ở lại với chủ nhà mới. Vào trong đó kiếm được chỗ ở sẽ ra đón Ki vào sau. Đành vậy, Nấm rất buồn nhưng Ki càng buồn hơn, bỏ ăn, nằm khoanh tròn trước thềm nhà rớm nước mắt và chỉ thở dài...
  Hôm rời Huế, chú Oánh lái xe tải  đến, cả nhà lúm xúm chất rương hòm đồ đạc lên xe xong, chào hàng xóm rồi tìm chia tay Ki thì Ki biến đâu mất. Cả nhà bổ đi tìm thì nghe chú Oánh kêu lên báo Ki đã lẻn lên nằm khoanh tròn trên buồng lái. Nấm reo mừng đòi ba cho Ki theo xe luôn, nhưng ba lên bế Ki xuống vỗ về khuyên Ki ở lại. Xe lăn bánh, Nấm khóc to trong tiếng sủa rên rĩ của Ki khiến cả nhà rơi nước mắt.  
  Vào TPHCM, gia đình Nấm được bạn cũ của ba cho ở nhờ mấy tháng để đi tìm mua nhà thì chú Oánh lái xe tải vào công tác ghé thăm. Chú kể có lần chú lái xe chạy ngang nhà cũ của Nấm, chó Ki nhận ra chiếc xe, nó liền mừng rỡ chạy theo sủa vang gọi chủ cũ, trông thật tội. Nghe đến đó Nấm khóc, đòi ba ra Huế đón ngay “Anh Ki” vào. Ba ôm lấy con và hứa: “Mai ba sẽ xin nghỉ việc mấy ngày mua vé tàu ra Huế đón Ki vào cho Nấm”.
*o*
Hơn 30 năm sau, bé Nấm thành chàng trai Phan Hồng, công dân của Thành phố mang tên Bác Hồ, đã tốt nghiệp đại học và xung phong nhập ngũ, nay đã là sĩ quan quân đội đóng quân tại Tân Bình, nhưng không bao giờ Phan Hồng quên kỷ niệm với “Anh Ki” thời thơ ấu của mình.

Tin cùng chuyên mục