Chào một thế hệ thơ mới!

Kế tục và phát triển
Chào một thế hệ thơ mới!

“Hôm nay tôi ngả mũ chào một thế hệ thơ mới đã xuất hiện!”. Đó là câu phát biểu ấn tượng nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh tại cuộc tọa đàm khoa học Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, do Viện Văn học tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 6-2012. Cuộc tọa đàm nhân tập Châu thổ - tuyển thơ lần thứ nhất của Nguyễn Quang Thiều xuất bản, hy vọng mở ra nhiều vấn đề sinh động cho đời sống thi ca…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu: “Vì yêu mến tôi mà mọi người đều phát biểu hơn về tôi một chữ, một câu. Bây giờ tôi cần chiếu nghỉ để nhìn lại mình”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu: “Vì yêu mến tôi mà mọi người đều phát biểu hơn về tôi một chữ, một câu. Bây giờ tôi cần chiếu nghỉ để nhìn lại mình”.

Kế tục và phát triển

Những thành tựu của nền thi ca Việt Nam kể từ phong trào thơ mới đến trước ngày đất nước thống nhất 30-4-1975 vốn đã được khẳng định. Và cho đến nay, thế hệ nhà thơ tham gia kháng chiến chống Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện trên thi đàn như một lực lượng sáng tạo văn học quan trọng. Bên cạnh đó, một thế hệ nhà thơ mới cũng xuất hiện sau năm 1975, đặc biệt là sau khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, đã dần khẳng định mình và trở thành một lực lượng sáng tác nòng cốt. Sự hiện diện và chiếm lĩnh thi đàn của thế hệ nhà thơ trưởng thành sau năm 1975 là điều tất yếu, chứng tỏ sự kế tục và phát triển của nền thơ Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, có một nghịch lý tồn tại nhiều năm qua, đó là sự chưa thừa nhận một cách chính thức thế hệ nhà thơ mới này.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên khi nhà thơ Hữu Thỉnh với tư cách người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam và cũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ chống Mỹ, phát biểu tại Tọa đàm khoa học Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, rằng: “Hôm nay tôi ngả mũ chào một thế hệ thơ mới đã xuất hiện!” trở nên bất ngờ và ngay lập tức gây chú ý trong giới văn học lẫn dư luận.

Phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh cùng sự có mặt của nhiều nhà thơ thế hệ ông lẫn giới nghiên cứu văn học. Đây là tiếng nói cần thiết của một người có trách nhiệm đối với nền thi ca nước nhà và đối với lớp nhà thơ đi sau.

Giá trị thơ Nguyễn Quang Thiều

Mấy năm vừa qua diễn ra ngày càng nhiều cuộc tọa đàm văn học, nhưng đây là lần đầu tiên Viện Văn học đứng ra tổ chức một cuộc tọa đàm cho cả hành trình sáng tạo của một tác giả trưởng thành sau năm 1975: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Việc một cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu tổ chức tọa đàm cho một nhà thơ tiên phong đương đại, vốn gây nhiều tranh cãi trên thi đàn, đã thu hút sự tham gia của nhiều tên tuổi văn học từ Bắc chí Nam, trong đó có cả hai vị đứng đầu Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương là Chủ tịch Hồng Vinh và Phó Chủ tịch Đinh Xuân Dũng.

Cho đến nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 10 tập thơ và tuyển chọn trong số đó để in thành tuyển thơ lần thứ nhất Châu thổ (NXB Hội Nhà văn 2011). Anh đã đoạt nhiều giải thưởng thơ trong và ngoài nước, đáng chú ý là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho Sự mất ngủ của lửa, tập thơ quan trọng nhất, khởi đầu cho hành trình đổi mới thơ Nguyễn Quang Thiều và cũng mở ra cuộc tranh luận không bao giờ dứt về thơ anh.

Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói, Nguyễn Quang Thiều là con người sinh ra cho những cuộc tranh cãi về thơ, qua những cuộc thi và đặc biệt là sau khi tập Sự mất ngủ của lửa được trao giải thưởng. Còn nhà phê bình Đông La cho rằng: “Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều có lẽ là một hiện tượng phức tạp nhất từ trước đến nay”. Để lý giải cho sự phức tạp này, nhiều “đáp án” đã đưa ra. Nhà phê bình Chu Văn Sơn đúc kết: “Đường thơ Nguyễn Quang Thiều có một cú thay đổi lớn từ Ngôi nhà mười bảy tuổi sang Sự mất ngủ của lửa. Có thể xem đó là ngày sinh lại của Thiều…”. Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá đóng góp của thơ Nguyễn Quang Thiều là tạo dựng một trường thẩm mỹ mới, khước từ cái “véo von nhễ nhại”, làm nên sự cộng hưởng hiếm gặp giữa tâm linh, tranh luận và im lặng; với những phong phú và bất ngờ trong nhiều chuỗi liên tưởng bất tận, mỹ lệ hóa mạnh mẽ đời sống, đầy ám ảnh về hình tượng, nuôi dưỡng sự thích thú ở người đọc…

Đối với tôi, theo dõi thơ Nguyễn Quang Thiều hơn 20 năm qua, có thể thấy trường thơ anh đã ảnh hưởng đến các nhà thơ trẻ cùng thế hệ anh và sau anh. Ngôn ngữ giản dị, đầy tính ẩn dụ, thơ Nguyễn Quang Thiều trường sức, có nội lực và quyến rũ người đọc bởi không gian thẩm mỹ đa chiều, thi ảnh phong phú, giàu sức liên tưởng, cho dù anh viết về những đề tài gần gũi như con sông, cái ao, đường làng, người thân hoặc môi trường thiên nhiên. Thơ anh chìm đắm trong những khám phá, phát hiện bất ngờ cái đẹp của đời sống cùng cảnh báo về những nguy cơ đang đe dọa sự sinh tồn của con người. Những khám phá và cảnh báo ấy có lẽ cũng chính là sứ mệnh, trách nhiệm của thi ca đối với cuộc đời này.

Phan Hoàng

Tin cùng chuyên mục