Để hạn chế và ngăn ngừa tệ nạn - tai nạn xảy ra, tạo nét văn minh trong khu phố, những năm qua, nhiều quận huyện lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng dân lập (CSDL). Đây được xem như một giải pháp hiệu quả để “ánh sáng hóa” các tuyến hẻm, đem lại sự bình yên và mỹ quan trong khu phố, tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay hệ thống điện CSDL lại lộ ra nhiều bất cập và nguy hiểm rất đáng lo ngại!
Đèn đường “ra đi”, hiểm nguy trở lại
Những năm 90 của thế kỷ trước, hẻm 730 Lạc Long Quân (phường 9, quận Tân Bình) được người dân trong khu vực đặt tên “hẻm ke” vì đêm đến, trong hẻm này có nhiều con nghiện tụ tập mua bán, hút chích ma túy. Hẻm dài hơn 300m (nối đường Lạc Long Quân ra Nguyễn Thị Nhỏ), có nhiều đoạn quanh co và hẻm nhánh cắt ngang nên người lưu thông vào ban đêm thường xuyên bị va quẹt, tai nạn. Năm 2005, lưới điện ở quận Tân Bình tăng công suất, điện sinh hoạt trong nhà đủ sử dụng, các hộ dân trong hẻm họp tổ, kiến nghị và được phường đồng ý cho lắp đặt hệ thống điện CSDL trên hẻm. Có điện CSDL, tai nạn giao thông trong hẻm giảm rất nhiều. Các con nghiện ngại tụ tập ở nơi có ánh sáng nên các tụ điểm hút chích cũng dần xóa sổ. Tuy nhiên, do hệ thống điện CSDL không có đơn vị chủ quản nên những năm gần đây phát sinh các trường hợp như đèn bể, dây đứt rơi xuống đường nhưng không ai đứng ra duy tu, khắc phục. Một số hộ dân vì lợi ích riêng còn tự ý câu mắc điện CSDL tràn lan, tạo ra nhiều mối nguy hiểm.
“Chỉ 3 tháng gần đây, có đến 5 trường hợp người qua lại hẻm bị điện giật suýt chết do nước mưa nhiễm điện từ các mối nối chảy xuống đường. Có người bị vướng vào dây điện bị đứt thòng xuống đường phải cấp cứu…” - ông Võ Tấn Hưng, nhà ở hẻm 730 Lạc Long Quân, cho biết.
Không chỉ hẻm 730 Lạc Long Quân, hiện nay hệ thống điện CSDL tại hàng trăm con hẻm lớn nhỏ ở TPHCM cũng đang trong tình trạng tương tự. Ở quận 8, điện CSDL ở nhiều tuyến hẻm trên đường Phạm Thế Hiển (phường 4) không hoạt động, khiến tệ nạn hút chích tái diễn trở lại. Đặc biệt, ở quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, ngoài việc gây nguy hiểm, hệ thống điện CSDL còn gây lãng phí kinh phí nhà nước khi tình trạng mở điện ban đêm nhưng ban ngày “quên” tắt liên tục diễn ra.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phú, cho biết tất cả các đường dây điện của hệ thống điện CSDL đang câu mắc vào các trạm điện đều không an toàn vì không có thiết bị tự ngắt khi sự cố xảy ra. “Điều này, ngành điện nhiều lần khuyến cáo đến UBND các quận huyện nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ngành điện có thể cắt điện ở hệ thống điện CSDL nhưng nếu làm vậy thì phát sinh tệ nạn, tai nạn trong hẻm nên thời gian qua vẫn du di…” - ông Thanh nói. Trong khi đó, về phía chính quyền, ông Tô Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), cho rằng: “Ngành điện cũng phải có trách nhiệm cùng địa phương giải quyết các bất cập của lưới điện CSDL, vì điện CSDL phục vụ chung cho xã hội, cộng đồng chứ không phải một cá nhân, tổ chức nào. Hơn nữa, ngành điện bán điện lấy tiền thì cũng phải có trách nhiệm với khách hàng. Trong khi chưa thể phát triển điện chiếu sáng chính quy, ngành điện và địa phương cần thành lập tổ kiểm tra chung để kịp thời xử lý các tồn tại, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra”.
Điện chiếu sáng chính quy, sao không?
Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo nhiều quận huyện ở nội thành TPHCM thừa nhận hoạt động của hệ thống điện CSDL hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, nhưng không đơn giản để giải quyết vì thiếu kinh phí (!?). Lý do này xem ra chưa thuyết phục, bởi lẽ trên thực tế, vẫn có địa phương phát triển được hệ thống điện chiếu sáng chính quy trong hẻm.
Với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng, sau hơn 3 tháng thi công lắp đặt, đến nay UBND phường 8, quận 6 đã xóa bỏ toàn bộ hệ thống điện CSDL trên địa bàn phường. Tại 49 con hẻm lớn nhỏ ở phường, hiện đã lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng chính quy (gồm 600 bóng đèn Compact, trung bình 4m/bóng) theo mô hình bao kín đường dây, vừa đảm bảo an toàn, vừa tiết kiệm và tạo mỹ quan đô thị.
Theo Chủ tịch UBND phường 8 quận 6 (TPHCM) Đoàn Quang Luân, việc đầu tư phát triển hệ thống điện chiếu sáng chính quy trong hẻm là cần thiết. Bởi vừa đảm bảo an toàn điện cho người dân, vừa góp phần đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời tạo được mỹ quan trong khu phố. “Với mức kinh phí đầu tư lắp đặt như tại phường 8, nếu quyết tâm, các địa phương khác vẫn có thể làm được. Cần “làm chuồng” trước khi “mất bò”” - ông Luân nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phú, cho biết ngành điện sẽ hỗ trợ hai quận Bình Tân và quận 6 (khu vực do công ty phụ trách) về con người và thiết bị ngắt điện khi gặp sự cố nếu hai quận này phát triển hệ thống điện chiếu sáng chính quy trong hẻm. Thực tế trên cho thấy việc giải quyết bất cập điện CSDL bằng cách phát triển hệ thống điện chiếu sáng chính quy trong hẻm không khó, vấn đề đang ở cách làm của mỗi địa phương. TPHCM sẽ đảm bảo an ninh trật tự hơn, mỹ quan hơn, đặc biệt sẽ giảm được tệ nạn - tai nạn xảy ra nếu hệ thống điện chiếu sáng chính quy trong hẻm sớm được các địa phương triển khai lắp đặt.
TUẤN VŨ - ANH TUẤN