
Sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc có lẽ không còn gì phải tranh cãi. Tuy nhiên, không như Nhật hoặc một số quốc gia châu Á, thành công Hàn Quốc đến từ một thế hệ nhà quản lý dám chấp nhận những cuộc cải cách đau đớn.

Dòng xe Sonata - át chủ bài chính của Hyundai Motor tại thị trường Mỹ
Hãng Hyundai Asan từng rơi vào tình trạng khó khăn. Năm 2003, chủ tịch Chung Mong Hun tự tử (khi cuộc điều tra xung quanh vụ chuyển tiền lên Bắc Triều Tiên đang tiến hành). Mọi hy vọng đều trông chờ vào Chung Mong Ku (anh của Mong Hun), lúc đó ngồi ghế chủ tịch Hyundai Motor trong tập đoàn Hyundai. Mong Ku bắt đầu nghiên cứu thị trường và tôn trọng ý kiến cổ đông – theo công thức quen thuộc phương Tây. Hiện thời, doanh số Huyndai đã hồi phục. Tháng 3-2005, Hyundai và phân nhánh Kia của họ đã đạt tổng giá trị thị trường 17 tỉ USD, qua mặt cả hãng General Motors của Mỹ. Ví dụ Huyndai là điển hình của làng doanh nghiệp Hàn Quốc.
Năm 2004, 12 công ty Hàn Quốc – trong đó có Hyundai Motor, Samsung Electronics, POSCO và LG Electronics – đã trở thành nhóm doanh nghiệp lừng lẫy có mặt trong Câu lạc bộ doanh thu tỉ phú (theo cách gọi của báo chí Hàn Quốc) trong khi năm 1997, Hàn Quốc chưa từng có một tập thể doanh nghiệp thành đạt như vậy (theo Newsweek 23-5-2005). Họ đã bỏ cấu trúc quản lý kiểu gia đình, bắt đầu thuê nhà quản lý chuyên nghiệp và tập trung vào một nhóm sản phẩm.
“12 công ty này chứng minh rằng những cải cách đau đớn đã đem lại hiệu quả lợi nhuận như thế nào” – phát biểu của Cho Kun Ho, phó chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc. Đau xót từ sự sụp đổ hệ thống chaebol đã làm các doanh nghiệp Hàn Quốc tỉnh cơn mê, họ khởi động lại từ đầu, nghiến răng cắt bỏ nhiều chuẩn mực cũ kỹ tưởng chừng bất di bất dịch và hùng hục chấn chỉnh toàn bộ. Kết quả chiến dịch lột xác thật đáng ngưỡng mộ.
Không quốc gia châu Á nào bị ảnh hưởng của cơn lốc 1997 lại có thể học hỏi từ đó để đi lên và cho ra đời một thương hiệu tên tuổi toàn cầu (Nhật không hề có một thương hiệu mới tầm toàn cầu nào trong nhiều thập niên) thế mà Hàn Quốc không chỉ sinh ra một. Bây giờ, những Samsung, LG… đã thật sự là tập đoàn thế giới. Doanh số của họ tại Thị trường chứng khoán Seoul đã tăng từ –3,9% năm 1999 lên +5,8% năm 2004. Nhóm 12 đại công ty Hàn Quốc chiếm hơn ½ tổng giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc và 57% GDP (tăng từ 29% so với năm 2000). Có một chi tiết rất cần được nhấn mạnh. Sau cú sốc 1997, ngân hàng kiệt sức và chính phủ lao đao, cho nên, các công ty Hàn Quốc đã dựa vào thị trường chứng khoán để gây vốn.
Để làm được điều này, họ buộc phải tuân thủ luật chơi đa phương, trong đó có việc tôn trọng ý kiến cổ đông. Các giám đốc điều hành (được thuê từ bên ngoài, trong đó có người ngoại quốc) bắt đầu có nhiều quyền hạn hơn. Do vậy, hầu hết công ty lớn Hàn Quốc, muốn hay không, cũng đi theo mô hình quản trị kiểu Tây. Cổ đông nước ngoài hiện kiểm soát khoảng 40% tất cả cổ phiếu và họ làm việc gần gũi với các nhóm nghiên cứu kinh tế trong nước nhằm theo dõi từng chút một về khả năng điều hành và hoạt động của các công ty. Thậm chí Jeffrey Jones (cựu chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Seoul) nói rằng, “các công ty Hàn Quốc nói chung còn trong sạch và minh bạch trong quản lý hơn cả công ty Mỹ; và họ đã bỏ quá xa các công ty châu Á ở khía cạnh này”.
Gần như các công ty Hàn Quốc đều tuân theo bài bản: tôn trọng thị trường (tâm lý người tiêu dùng…) và tôn trọng hệ thống quản lý minh bạch.
LÊ THẢO CHI