
Hàng năm, cứ gần đến ngày trao các giải thưởng Nobel về khoa học, người ta lại thường tự hỏi không biết năm nay người Mỹ sẽ lãnh bao nhiêu giải? Tuy nhiên, nền giáo dục Mỹ vẫn còn tồn tại những vấn đề không dễ giải quyết.
- Sự bất bình đẳng

Một góc trường ĐH Yale - Mỹ.
những vấn đề lớn nhất trong nền giáo dục Mỹ là sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội giáo dục giữa các tầng lớp dân cư, mà theo đó, người da trắng luôn được hưởng một nền giáo dục tốt hơn, có nhiều cơ hội học tập nhiều hơn các cá nhân thuộc các màu da khác như người da đen hoặc người gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo thống kê vào năm 2003, tỷ lệ người Mỹ da trắng tốt nghiệp Trung học, Cao đẳng trở lên cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ người cùng trình độ thuộc những sắc dân còn lại.
Vì sao có sự cách biệt trên? Theo James Coleman là do học sinh da trắng ở Mỹ nói chung thường có môi trường giáo dục tốt hơn. Trường học của học sinh da trắng thường có ngân quỹ cao hơn, lớp học có ít học sinh hơn, có nhiều phòng thí nghiệm hơn, thư viện có nhiều sách hơn và nhiều chương trình ngoại khóa hơn. Một điều cũng cần lưu ý là các trường ĐH tư của Mỹ chiếm khoảng ½ số trường và có nhiều trường nổi tiếng nhưng chỉ chiếm khoảng 20% số sinh viên mà thôi. Đa số sinh viên vào học các trường tư này tất nhiên không phải là những sinh viên thuộc các tầng lớp dưới mà chủ yếu là con cái của tầng lớp trên với người da trắng chiếm đa số.
Tỷ lệ bỏ học cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự bình đẳng trong giáo dục. Khi nhìn vào các số liệu thống kê chúng ta lại thấy sự khác biệt giữa học sinh da trắng và học sinh không phải da trắng trong xã hội Mỹ (xem bảng).
Do bỏ học sớm ở bậc trung học và do học phí ở bậc CĐ-ĐH khá đắt đỏ nên tỷ lệ con em của các gia đình có thu nhập thấp (đa số không phải người da trắng) đăng ký học CĐ-ĐH cũng thấp. Theo Cục Thống kê Mỹ (1987), có đến 53,8% gia đình có thu nhập từ 50.000USD/năm trở lên đều có con theo học đại học, trong khi tỷ lệ gia đình có thu nhập dưới 10.000USD/năm có con đi học đại học chỉ là 15,4%. Khi học phí ĐH ở Mỹ có xu hướng tăng thì khoảng cách này sẽ còn lớn hơn nữa, mặc dù có khoảng 85% phụ huynh có con học ở bậc tiểu học và trung học khẳng định sẽ cho con học tiếp lên đại học (John J. Macionis, 1987).
Chính vì những bất bình đẳng trong giáo dục như vừa nêu trên, chúng ta hoàn toàn có thể nhận định rằng nền giáo dục Mỹ được thiết kế nhằm củng cố và duy trì hệ thống phân tầng xã hội hiện hữu (status quo) mà theo đó, đa số người da trắng luôn luôn ngự ở đỉnh của Kim tự tháp.
- Chất lượng giáo dục sụt giảm
Nói rằng chất lượng giáo dục của nền giáo dục Mỹ ngày càng tụt dốc chắc nhiều người sẽ phì cười vì thực tế là các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới hình như đều ở Mỹ và người Mỹ cũng đạt được nhiều giải Nobel khoa học nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn diện thì chúng ta có thể có cái nhìn khác và chính xác hơn.
Sự sút giảm trong chất lượng giáo dục Mỹ có thể nhận thấy qua số điểm thi trong kỳ thi SAT (The Scholastic Assessment Test), kỳ thi đánh giá năng lực học sinh do Vụ Đại học và Cao đẳng Mỹ tổ chức hàng năm và là kỳ thi rất quan trọng vì các trường ĐH sẽ dựa vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Kết quả thi ở hai phần kỹ năng toán và ngôn ngữ của học sinh Mỹ đã giảm sút đáng kể qua thời gian, nhất là kỹ năng ngôn ngữ đã giảm từ 543 điểm vào năm 1967 xuống còn 504 điểm vào năm 2002.
Từ sự sụt giảm về điểm số trong kỹ năng ngôn ngữ, nước Mỹ đã phải đối mặt với một vấn nạn rất lớn là tình trạng “mù chữ chức năng” trong các tầng lớp dân cư. Mù chữ chức năng có nghĩa là thiếu kỹ năng đọc, viết cơ bản cần thiết để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Theo báo cáo A Nation at Risk do Ủy ban Quốc gia nghiên cứu sự xuất sắc trong giáo dục công bố vào năm 1983 thì có khoảng 13% học sinh học xong trung học của Mỹ không biết đọc, không viết thạo. Còn theo ước tính của một số nhà nghiên cứu như Jonathan Kozol (1985) thì có khoảng 26 triệu người Mỹ trưởng thành đọc và viết không khác gì một học sinh lớp 4; 45 triệu có kỹ năng cỡ lớp 8. Nói chung có khoảng 1/4 người lớn ở Mỹ mù chữ chức năng.
Khi so sánh với các nước phát triển khác, năng lực của học sinh Mỹ cũng không khá mấy. Cụ thể là vào đầu tháng 12-2004, Chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế (PISA) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố kết quả khảo sát chất lượng học sinh trong độ tuổi 15 theo bốn kỹ năng: toán học, ngữ văn, khoa học và giải quyết vấn đề. Kết quả cho thấy học sinh Mỹ có kết quả rất thấp: hạng 28/41 về toán, 18/41 về ngữ văn, 22/41 về khoa học và 29/41 về kỹ năng giải quyết vấn đề (nguồn: PISA 2003, www.oecd.org).
Như vậy, có thể thấy rằng nền giáo dục Mỹ không chỉ là ưu việt như một số người thường huyễn hoặc. Thế nên, nền giáo dục của Việt Nam chúng ta hiện nay rất cần những đầu óc tỉnh táo để vạch ra con đường đi riêng, phù hợp, mọi sự rập khuôn đều không cho những kết quả như mong đợi.
LÊ MINH TIẾN