Chất lượng không khí ở TPHCM: Đáng lo ngại

Ô nhiễm vì khói, bụi, tiếng ồn tràn lan và không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Đó là đúc kết về tình hình môi trường sống trên địa bàn TPHCM thời gian qua.
Chất lượng không khí ở TPHCM: Đáng lo ngại

Ô nhiễm vì khói, bụi, tiếng ồn tràn lan và không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Đó là đúc kết về tình hình môi trường sống trên địa bàn TPHCM thời gian qua.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM đầu tháng 11-2009, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều điều cần bàn. Tại 6 trạm quan trắc không khí đặt tại thành phố, bụi lơ lửng sinh ra từ khói, bụi đã và vẫn đang là thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng hàng đầu trên địa bàn. Bởi lẽ có đến 89% giá trị quan trắc được ghi nhận là không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí luôn nằm ở mức nguy hại cao.

Nguyên nhân được xác định là do khói xe ngày càng nhiều vì tình trạng kẹt xe xảy ra ngày càng thường xuyên, liên tục, nhất là tại khu vực xung quanh ngã tư An Sương, nơi mà chỉ số đo tại mọi thời điểm trong ngày đều không đạt yêu cầu, có thời điểm vượt chuẩn gấp 5 lần!

Bên cạnh nỗi lo về ô nhiễm bụi lơ lửng, ô nhiễm môi trường không khí do chì cũng tiếp tục diễn biến bất thường. Ô nhiễm chì tiếp tục tăng từ giữa năm 2008 đến nay, cụ thể nồng độ chì đo được tại 6 trạm quan trắc suốt từ đầu năm 2009 đến nay dao động ở ngưỡng 0,22 - 0,38g/m³, khu vực có nồng độ chì cao nhất thành phố là xung quanh ngã sáu Gò Vấp.

Các chuyên gia cho rằng đây là điều khó giải thích khi mà xăng pha chì đã bị cấm sử dụng từ cách đây mấy năm. Từ các số liệu thống kê đã có nghi ngờ là trong xăng đang sử dụng vẫn còn chì chỗ này chỗ khác, cách này cách khác.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng như lực lượng quản lý thị trường cần khẩn trương có biện pháp hữu hiệu hơn để phát hiện, ngăn chặn tình trạng xăng pha chì vẫn đang được tiêu thụ trên thị trường, bất chấp quy định của nhà nước cấm sử dụng xăng pha chì.

Phải chịu đựng khói bụi ô nhiễm khi kẹt xe là nỗi ám ảnh của người dân thành phố.

Phải chịu đựng khói bụi ô nhiễm khi kẹt xe là nỗi ám ảnh của người dân thành phố.

Trong khi đó, nồng độ NO2 đo đạc được tại các trạm quan trắc cũng cho thấy chỉ số này cũng vượt tiêu chuẩn cho phép, thường dao động ở mức 0,19 - 0,34mg/m³ và hơn nữa đang có biểu hiện gia tăng tần suất lần đo bị vượt chuẩn khi có đến 68%.

Theo giải thích của các chuyên gia môi trường, nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí vẫn đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp, mặc dù khói và khí thải từ các nhà máy công nghiệp hầu hết đều nằm tại khu vực ngoại thành và với thiết kế phổ biến ống khói cao, khí xả gây ô nhiễm ở tầng không khí trên cao, phát tán diện rộng và pha loãng có thể “đánh lừa” được cư dân thành phố do ít cảm nhận được tác động ảnh hưởng trực tiếp, tức thì đối với sức khỏe của mình.

Tuy nhiên, tác nhân gây ô nhiễm không khí tác động trực tiếp nhiều nhất đến sức khỏe người dân lại chính từ hoạt động giao thông của các loại xe cơ giới. Các chuyên gia chỉ ra rằng tuy lượng khí thải này không nhiều bằng khí thải công nghiệp, nhưng do chúng phát thải ở tầm thấp, tập trung tại khu vực nội thành đông đúc, ít phát tán vì bị các tòa nhà bao bọc khắp chung quanh… nên tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

Điều này giải thích vì sao tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM thường chủ yếu xảy ra tại các trục đường giao thông và cũng đồng thời lý giải vì sao chỉ số chất lượng không khí ven đường luôn ở mức kém.

Số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ thuộc Công an TPHCM cũng “ăn khớp” với kết luận từ Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố. Đó là hiện nay, mỗi ngày có trên dưới 5 triệu xe cơ giới lăn bánh hoạt động trên địa bàn thành phố, chủ yếu là tại các trục đường chính của khu vực 500km² trung tâm. Điều này khiến nồng độ ô nhiễm không khí càng nghiêm trọng hơn trên các tuyến giao thông.

Khảo sát tại các trạm quan trắc ven đường theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, hiện tượng nồng độ các chất ô nhiễm cao hơn so với tại các khu vực khác bởi vì đây là hướng vận chuyển chính của thành phố. Cụ thể trong đó chỉ tiêu CO đạt tiêu chuẩn cho phép, NO2 dao động khá lớn, đặc biệt là nồng độ bụi trong không khí tuy đã có xu hướng giảm nhưng vẫn vượt ngưỡng cho phép. Một ghi nhận nữa là tại các giao lộ lớn ở cửa ngõ ra vào thành phố, nồng độ bụi và tiếng ồn luôn đứng ở mức cao còn NO2 thì có xu hướng tăng.

Tại khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp như khu vực quanh nhà máy thép Thủ Đức và Xi măng Hà Tiên, hoặc các khu vực đang được thi công cơ sở hạ tầng như tại khu Trường Chinh-Tân Bình, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Phú Nhuận, cầu Thủ Thiêm - quận 1… nồng độ bụi luôn vượt tiêu chuẩn cho phép!

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TPHCM, riêng chất lượng không khí tại khu vực dân cư vẫn nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn Việt Nam đối với 3 chỉ tiêu là O3, NOx và SO2

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục