Chất lượng nón bảo hiểm vẫn chưa thể kiểm soát

Chất lượng nón bảo hiểm vẫn chưa thể kiểm soát

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN) vừa tổ chức hội nghị liên ngành về tăng cường công tác quản lý chất lượng nón bảo hiểm (NBH). Tại hội nghị, các đại biểu đều thừa nhận rằng công tác quản lý NBH hiện nay vẫn đang còn khá bất cập...

Theo báo cáo của Tổng cục TC-ĐL-CL, cả nước hiện có 79 doanh nghiệp sản xuất NBH được cấp phép (năm 2007 là 127 doanh nghiệp). Sản lượng do các doanh nghiệp này sản xuất chiếm đến 80% tổng lượng NBH trên thị trường cả nước hiện nay. Hầu hết số NBH này đều được đăng ký chứng nhận hợp quy và dán tem hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Trong năm 2009, đã có 5 doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch với gần 11.000 chiếc NBH nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Bộ KH-CN ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chất lượng NBH.

Kết quả, các đoàn đã kiểm tra 1.809 cở sở sản xuất, kinh doanh NBH, phát hiện và xử lý vi phạm 950 cơ sở (chiếm 52,5%), tịch thu tiêu hủy 41.289 chiếc, đình chỉ lưu thông 61.000 chiếc, niêm phong tạm giữ 71.592 chiếc, tổng số tiền phạt lên đến gần 1,5 tỷ đồng.

Nón bảo hiểm treo bán bên lề đường. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nón bảo hiểm treo bán bên lề đường. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tuy nhiên, vẫn còn cơ sở sản xuất chui, giấu địa chỉ sản xuất NBH và không được chứng nhận hợp quy nhưng vẫn gắn dấu hợp quy (giả mạo được chứng nhận hợp quy) đưa ra thị trường nhiều loại NBH với hình thức, mẫu mã bắt mắt, giá rẻ nhưng không đạt chất lượng, mang nhiều nhãn khác nhau nhưng chỉ ghi “sản xuất tại Việt Nam” hoặc không có địa chỉ sản xuất.

Những loại nón này thường chỉ có lớp nhựa cứng bên ngoài, không có lớp xốp (có tác dụng chống va đập) và cũng vẫn được bày bán công khai.

Trong quý 1-2010, đã xuất hiện NBH bơm hơi do Công ty CP Sản xuất thương mại Vy Thi (TPHCM) thiết kế, sản xuất có 2 tiêu chí: độ bền đâm xuyên và kết cấu nón chưa đạt chất lượng theo QCVN2:2008/BKHCN. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn được đơn vị sản xuất quảng cáo, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Vì vậy, Tổng cục TC-ĐL-CL đã tổ chức kiểm tra, xử lý và thông báo đến các phương tiện thông tin đại chúng và cảnh báo cho người tiêu dùng.

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), có doanh nghiệp sản xuất nón với hình dáng giống NBH nhưng không ghi nhãn là “NBH dành cho người đi mô tô, xe máy”, không gắn dấu hợp quy, không rõ địa chỉ sản xuất nhưng vẫn đưa ra bày bán công khai để tránh việc kiểm tra, xử lý của cơ quan quản lý.

Các cơ quan chức năng đã kiểm tra nhưng không xử lý được trường hợp này vì họ có thể coi đây chỉ là nón đội đầu cho người đi bộ, đi xe đạp và cũng không thể tiến hành xử phạt vì hiện chưa có quy định về việc không cho phép sản xuất loại nón này.

Việc hàng loạt NBH được gắn thêm phụ kiện như vành che nắng, làm đẹp cũng rơi vào tình trạng này. Tức là không thể kiểm soát được về mặt chất lượng, có đảm bảo an toàn cho người sử dụng hay không.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KH-CN), trong số 79 doanh nghiệp sản xuất NBH có đăng ký chứng nhận hợp quy với cơ quan quản lý, mới chỉ có 16 doanh nghiệp công bố danh sách đại lý và địa chỉ bán hàng tin cậy của mình. Số doanh nghiệp còn lại đều không làm công tác này. Điều đó đã tạo điều kiện cho các cửa hàng gian dối trong việc bán NBH không đạt chất lượng một cách khá dễ dàng.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa NBH vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Bởi nếu làm vậy, sẽ hạn chế được nhiều việc sản xuất, làm giả, làm nhái cho đến buôn bán NBH kém chất lượng thị trường.

Từ đó sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc kiểm soát chất lượng NBH, một mặt hàng có vẻ như bình thường, nhưng luôn gắn liền với sinh mạng hàng triệu người dân khi tham gia giao thông hiện nay.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục