
- Kinh tế Việt Nam: có thể là sự nhanh nhạy của con Báo

Lần đầu tiên đến Việt Nam, chỉ ở Việt Nam trong 30 giờ, dành một khoảng thời gian ngắn cho báo chí, nói chuyện marketing với 700 doanh nghiệp (DN) trong 6 giờ, vỏn vẹn chỉ trả lời 6 câu hỏi của DN, đến và rời diễn đàn bằng lối đi riêng, chỉ có 20 DN được trao đổi trực tiếp với ông trong bữa ăn tối… sự có mặt của “cha đẻ” marketing hiện đại - ông Philip Kotler (Mỹ) đã trở thành tâm điểm, thu hút cộng đồng DN tại Việt Nam và các nước trong khu vực tại hội thảo “Marketing mới cho thời đại mới” diễn ra tại TPHCM ngày 17-8.
Sức hút… của người đàn ông 76 tuổi\
Được xem là “cha đẻ” của marketing hiện đại, là người khai sinh ra chuyên ngành marketing đang được phổ biến trên toàn cầu và là một trong 4 bộ óc vĩ đại nhất của thế giới quản trị (theo bình chọn của Financial Times), dù đã 76 tuổi nhưng Philip Kotler vẫn tạo ra sự “háo hức” trong các DN Việt Nam, các chuyên gia kinh tế nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong khu vực ASEAN và cả những người chưa hề biết tí gì về ông.
Hội trường 700 chỗ trong khách sạn Sheraton (TPHCM) chật kín trước khi Philip Kotler đến diễn đàn. Dường như tất cả các giám đốc marketing của các DN lớn trên cả nước đều có mặt tại đây, để được ông chia sẻ tất cả những gì liên quan đến marketing.
Xây dựng thương hiệu toàn cầu: phải mạnh từ trong nước
Chọn Nhật Bản mở đầu buổi nói chuyện về việc xây dựng thành công thương hiệu quốc gia, ông Philip Kotler đã có nhận xét, Nhật Bản đi lên từ một nước có nhiều khó khăn nhưng họ đã xây dựng được sự tin dùng trên khắp thế giới với những thương hiệu điện tử, ô tô nổi tiếng đi vào tiềm thức của người tiêu dùng. Hình ảnh thương hiệu quốc gia của Việt Nam là gì? Ông Philip Kotler nhận xét, người Mỹ chưa trả lời được câu hỏi này, dù những tập đoàn, công ty tên tuổi nổi tiếng trên thế giới như Intel, Canon, Nike, Yamaha… đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Cái Việt Nam cần làm chính là “phải giới thiệu đất nước mình cho thế giới biết”, làm tốt công tác marketing để xây dựng được những thương hiệu quốc gia.
Một DN chưa thể gọi là thành công nếu chỉ mạnh về xuất khẩu, bán sản phẩm ra nước ngoài. Trước hết, DN phải mạnh trong nước, sau đó mới có thể xuất khẩu ra nước ngoài, tạo sự lan tỏa dần sang các nước ASEAN, rồi đến những thị trường xa hơn trên thế giới. Muốn thành công, DN không thể đi tắt. Hình ảnh của DN Việt Nam tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào sản phẩm xuất khẩu.
Để có được thương hiệu, DN phải xây dựng được kế hoạch dài hạn, có những bước đi “cuốn chiếu” để đến đích. DN phải định vị được vị thế của DN mình một cách rõ ràng, có tập trung, có mục đích, tạo ra sự khác biệt riêng, dù copy nhưng phải có sự sáng tạo của riêng mình. Trung Quốc đã có được định vị, được biết đến là nhà máy, công xưởng của thế giới. Ấn Độ là văn phòng của thế giới. Với Việt Nam, tuy chưa có định vị cụ thể, nhưng ông Philip Kotler đã có gợi ý “Việt Nam có thể là cái bếp của thế giới” vì món ăn Việt Nam đang được ưa chuộng tại Mỹ!
Tôi rất ấn tượng trước con số 8,6% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Người ta đã so sánh, sự phát triển kinh tế của Ấn Độ là con Cọp, con Rồng cho Trung Quốc, riêng tôi, “Việt Nam có thể là một con Báo”, vì sự nhanh nhạy của con báo rất phù hợp với sự phát triển và tăng trưởng nhanh của Việt Nam. |
Cái quan trọng đối với DN là thu hút được khách hàng mới, nhưng quan trọng hơn là phải giữ được khách hàng này. Đây là vấn đề quan trọng đặt ra cho nhiều DN trong nước, xác thực nhất là với ngành du lịch. Các con số 71% hay 85% khách quốc tế đến Việt Nam không trở lại. Vì đâu?
DN Việt Nam đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt của các công ty đa quốc gia nước ngoài khi đã vào WTO. Lợi thế của DN Việt Nam ở đâu? DN Việt Nam phải hiểu người tiêu dùng Việt Nam nhất! Thực tế hiện nay, các DN Việt Nam gặp khó khăn vì nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam thích mua những sản phẩm của nước ngoài. Sự thật, người ta vẫn thích sự hào nhoáng, tuy nhiên, DN Việt Nam có lợi thế vì am hiểu văn hóa, khẩu vị… hơn là các công ty nước ngoài.
Mỹ Hạnh