Chất thải đang “rải” khắp nơi

Đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp (DN), thế nhưng tình trạng DN vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vẫn còn phổ biến… Đó là những nhận định của các chuyên gia tại buổi Hội thảo khoa học “Công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp” được tổ chức tại TPHCM ngày 30-7.

Ô nhiễm và những hệ lụy

Theo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TPHCM, từ năm 2010 đến nay, PC49 đã phát hiện 275 DN, cơ sở sản xuất ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) vi phạm các quy định pháp luật về BVMT, vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn hóa chất. Cụ thể, đã xử lý 228 tổ chức và cá nhân vi phạm (trong đó có 3 chủ đầu tư hạ tầng) với tổng số tiền phạt trên 12 tỷ đồng.

Các vi phạm chủ yếu là không thực hiện các nội dung như đã cam kết trong đánh giá tác động BVMT đã được phê duyệt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc có xử lý nước thải cục bộ nhưng không đạt tiêu chuẩn. Vẫn còn tình trạng DN lén xả nước thải ra môi trường, mặc dù có hợp đồng dịch vụ xử lý nước thải với KCN, KCX.

Đáng chú ý, một số DN xây dựng hệ thống cống ngầm để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, kênh rạch hoặc không vận hành hệ thống xử lý nước thải, xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường như Cụm công nghiệp Nhị Xuân; Công ty Phạm Thu, Tường Trung, Tân Nhật Dũng.

PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, tình trạng nước bị ô nhiễm ở các KCN đã kéo theo nhiều hệ lụy. Nước thải chứa chất hữu cơ vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm giảm lượng oxy trong nước, các loài thủy sinh thiếu oxy dẫn đến một số loài bị chết hàng loạt. Sự xuất hiện của các độc chất như dầu mỡ, kim loại nặng sẽ tác động đến động thực vật thủy sinh và đi vào chuỗi thức ăn trong hệ thống sinh tồn của các loài sinh vật, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo ông Hoàng Văn Vy, Phó chánh Thanh tra của Tổng cục Bảo vệ môi trường, sự phát triển các KCN mới chỉ chạy theo lợi nhuận và số lượng mà chưa đi sâu vào chất lượng, nhất là chất lượng môi trường. Ngoài ra, chức năng, quyền hạn và kiểm tra, giám sát môi trường KCN của Ban quản lý KCN chưa được quy định cụ thể, chưa đầy đủ dẫn đến sự bất cập trong hoạt động quản lý. Từ đó dẫn đến suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của các ban quản lý trong lĩnh vực này.

Tăng cường kiểm tra

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, để việc xử lý nước thải ở KCN, KCX ổn định và căn cơ thì các công ty đầu tư hạ tầng phải tính toán, thu gom xử lý nước thải cho toàn khu theo những ngành nghề đã được đăng ký từ ban đầu.Thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với Hepza, Công an TPHCM và các phòng TN-MT quận, huyện thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của DN trong các KCN, KCX; tiếp tục đo đạc chất lượng môi trường ở các KCN, KCX nhằm giám sát chặt chẽ việc xử lý đấu nối nước thải.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cũng cho biết, chúng ta nên đưa ra quy định các KCN khi xây dựng phải tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung rồi mới kêu gọi thu hút các nhà đầu tư. Việc lựa chọn công nghệ cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Một giải pháp quan trọng khác chính là việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các hệ thống xử lý nước thải tập trung, giải pháp này hơi tốn kém, vì chúng ta có rất nhiều KCN, KCX… tuy nhiên, đây là điều không thể không làm trong tương lai.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục