Chất xúc tác từ đề Văn hay

Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2017-2018 tại TPHCM vào cuối tuần qua đã tạo ra một chất xúc tác mới, cảm nhận mới. 
Nhiều thí sinh sau khi thi xong môn Văn tỏ ra thú vị vì cho rằng đề Văn hay. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhiều thí sinh sau khi thi xong môn Văn tỏ ra thú vị vì cho rằng đề Văn hay. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Những khuôn mặt thí sinh rời phòng thi hân hoan, sảng khoái, thậm chí nhảy cẫng lên, ôm nhau vì sung sướng, cho thấy đề thi hay, lạ đã tạo cảm hứng cho học sinh. Nó lan tỏa cảm xúc nhẹ tênh, vì đi thi nhưng thoải mái về tâm lý, cởi mở về tâm hồn. 

Với chủ đề gần gũi, phù hợp với tâm sinh lý tuổi teen, thí sinh như được kích thích để thể hiện bản thân, khơi gợi tư duy phản biện. Từ liên hệ thực tế và hình ảnh vượt qua thần tượng trong đề thi, các em không chỉ thỏa thích thể hiện suy nghĩ mà còn  thuyết minh bảo vệ quan điểm riêng của mình. Đó là vấn đề cần mổ xẻ, nhìn nhận về hiện tượng tôn thờ thần tượng một cách quá lố, thiếu tỉnh táo và sự định hướng lấy thần tượng làm nguồn cảm hứng, tấm gương soi để vươn lên tỏa sáng (câu 1).
Từ những gì liên hệ, đúc kết, các em phải suy luận, chứng minh để đưa ra thông điệp định hướng lối sống phù hợp, chuẩn mực. Hoặc ở câu 2 - nghị luận xã hội, thí sinh cũng được thả hồn để viết bài văn ngắn với câu hỏi rất hay kèm hình ảnh đáng suy ngẫm là “Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?”. Với câu hỏi này, thí sinh giống như “cá được thả vào hồ nước sâu”, tha hồ vùng vẫy theo dòng chảy cảm xúc. Vượt khỏi khuôn mẫu, được tự do thể hiện bản thân, quan điểm sống riêng, các em đều hào hứng. Ở câu 3 về nghị luận văn học, thí sinh được chọn một trong hai đề để làm bài, chứ không áp đặt phải phân tích khổ thơ hay tác phẩm văn học mà các em không yêu thích. Chính vì thế, thí sinh có “đất để dụng võ”, thể hiện năng khiếu, cảm nhận về văn học một cách sâu sắc nhất. Về đề Văn tuyển sinh lớp 10 năm nay, rất nhiều giáo viên dạy Văn bậc THCS và THPT đều có chung nhận định là đề thi rất hay, cách ra đề sáng tạo, không rập khuôn theo lối mòn. Điều này kích thích thí sinh tư duy, sáng tạo trong làm bài và từ bỏ cách học văn theo lối mòn, học vẹt và thiếu cảm thụ văn học. 

Thầy Trương Minh Đức, giáo viên Văn Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM, nhận định rằng đề thi hay, câu hỏi lạ khiến học trò cảm thấy thích thú vì đi thi mà không thấy nặng nề. Hơn nữa, các em lại có cơ hội được thể hiện mình trong bài viết. Cảm giác này sẽ giúp các em nuôi dưỡng niềm đam mê học Văn, khám phá môn học trong bậc học tiếp theo. Tương tự, nhiều giáo viên dạy Văn cũng chia sẻ, từ cách ra đề thi hay, lạ như năm nay, giáo viên bắt buộc phải đổi mới cách dạy Văn. Theo đó, phải truyền cảm hứng, định hướng học sinh đến những vấn đề thực tế trong cuộc sống chứ không thể rập khuôn theo sách giáo khoa. Không chỉ liên hệ thực tế, các em phải tập tư duy, trình bày và bảo vệ quan điểm của mình trước các vấn đề của cuộc sống. 

Hy vọng, từ cách ra đề thi môn Văn mới lạ này sẽ là chất xúc tác truyền đi thông điệp “dạy và học Văn hiệu quả nhất”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị giám khảo chấm bài thi phải đổi mới tư duy, đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

Tin cùng chuyên mục