
Trong năm 2005, 2,2 triệu m3 rác thải đã trượt xuống từ các “đỉnh núi rác” của bãi rác Leuwigajah thuộc thành phố Cimahi (ngoại ô Jakarta, indonesia), chôn vùi 70 ngôi nhà nằm ngay gần đó khiến 141 người thiệt mạng.
- Ngập tràn “điểm đen” độc hại

Tìm kiếm các nạn nhân bị chôn vùi sau thảm họa tại bãi rác Leuwigajah của thành phố Cimahi (ngoại ô Jakarta).
Tại Jakarta, Indonesia ước tính có tới 70% (khoảng 1.200m3) rác thải hàng ngày của thành phố được quẳng xuống ngay các kênh rạch trong thành phố, phần lớn đều chảy vào cửa sông Angke, phía Bắc Jakarta v.v… Lớp rác thải trên sông này dày tới nỗi, ở nhiều đoạn sông, người dân có thể đi qua được.
Tình trạng của con sông Angke có thể coi là một điển hình về ô nhiễm tại châu Á. Sự thiếu ý thức của con người trong việc xả rác ra ngoài thiên nhiên là nguyên nhân gây nên tình cảnh này.
Nhịp độ tăng trưởng nhanh về kinh tế tại châu Á vô hình trung lại càng làm tăng thêm “cơn thủy triều rác thải” này.
Với thực trạng lập kế hoạch kém, ý thức giáo dục môi trường không cao cùng với nguồn tài chính thiếu thốn, các quốc gia đang phát triển tại châu Á đang tạo ra những “điểm đen” độc hại về môi trường – từ những đống rác máy tính tại Bangalore cho tới những ngọn đồi rác được mệnh danh là “Núi khói” (Smokey Moutain) tại Philippines.
Những thống kê về rác thải của Trung Quốc cũng hết sức đáng lo ngại. Quốc gia đông dân nhất thế giới này thải ra khoảng 150 triệu tấn rác mỗi năm, với tỷ lệ rác từ các thành phố là 9% từ năm 1979 giờ đây đã lên tới gần 20%. Hiện đã có 65% số thành phố của Trung Quốc đang bị những bãi rác bao bọc.
- Và những “điểm sáng” le lói
Các quốc gia châu Á, cùng với xu hướng phát triển nhanh và khả năng tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, đang sản sinh ra một lượng rác lớn chưa từng có. Trong khi đó, hầu hết các nước trong khu vực đều chưa chú trọng các giải pháp và công nghệ xử lý rác thải. Thực trạng này cùng với sự thiếu ý thức của người dân đang gây ra những thảm họa sinh thái. |
Việc xử lý rác hiện đang là vấn đề nan giải đối với phần lớn các chính phủ tại châu Á. Các quy định quan trọng về chuyện này thường bị cản trở bởi rất nhiều yếu tố như khả năng thực hiện kém, thiếu nguồn tài chính hay sự can thiệp vì những quyền lợi kinh tế khác.
“Đầu hàng là điều duy nhất khiến chúng tôi phải chấp nhận” - Von Hernandez, người đứng đầu Hiệp hội đấu tranh vì một bầu không khí sạch của Philippines, đã phải thốt lên như vậy.
Chiến dịch vận động của Hernadez đã có kết quả ban đầu là việc thông qua đạo luật Không khí sạch của Philippines vào năm 1999, theo đó quốc gia này là nước đầu tiên trên thế giới ngăn cấm sử dụng các lò đốt rác thải. Nhưng trên thực tế, đạo luật này chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Khả năng vận động hành lang của các nghị sĩ, quan chức địa phương cùng các ông chủ của những lò đốt rác đã khiến cho đạo luật không thể thực thi.
Dù sao, việc khai thác vấn đề rác thải tại châu Á bước đầu cũng đã trở thành mối quan tâm của các nhà đầu tư. Các hãng xử lý rác thải như SembEnviro của Singapore và Ramky Group của Ấn Độ đang có những khoản thu nhập quan trọng từ các hợp đồng thu lượm và chế biến rác thành năng lượng tại châu Á.
Thu nhập của Ramky Group đã tăng lên nhanh chóng từ 130.000 USD trong năm 1994 (năm đầu tiên khai trương hoạt động) lên gần 130 triệu USD trong năm 2005. Nhưng hai công ty trên chỉ là những điểm sáng rất nhỏ trên nền bức tranh tối tăm trong lĩnh vực xử lý rác thải của châu Á.
Hà Nội, cùng với sự bùng nổ nhanh về kinh tế, đang phải đương đầu với những thách thức thực sự về môi trường. Hiện trung bình một cư dân Hà Nội thải ra khoảng 0,85kg rác mỗi ngày (tăng 0,44kg so với thời điểm năm 1996). Con số này dự tính sẽ lên tới 1,3 kg khi thị trường tiêu thụ của thủ đô còn phát triển hơn nữa cho đến cuối thập niên này. Bãi rác chính Nam Sơn của Hà Nội mới được đưa vào sử dụng 7 năm nay nhưng đã phải mở rộng tới 43ha để có thể chứa được số lượng rác khổng lồ của thủ đô. Trong tổng số 900.000 tấn rác thải hàng năm của Hà Nội, chỉ có 50.000 tấn được tái chế. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi người dân thải ra trung bình tới 1kg rác mỗi ngày, 10% trong số này được quẳng xuống các kênh rạch trên địa bàn. |
Như Quỳnh (Tổng hợp)