
Sự kiện người dân TP. HCM nhốn nháo xếp hàng đổ xăng trước tin đồn giá nhiên liệu tăng là ví dụ cụ thể nhất cho thấy yếu tố nhiên liệu trở nên nhạy cảm như thế nào. Tình hình giá dầu liên tục tăng vài tuần qua trong thực tế đã tác động cực kỳ nghiêm trọng tại nhiều nước châu Á. Cuộc khủng hoảng dầu lần này làm thiệt hại kinh tế châu Á như thế nào?
- Bi kịch và bi kịch tiếp nối
Tại Nhà máy ngói Asia Tile ở Surabaya (Indonesia), cách Jakarta khoảng 650km, không khí sản xuất bắt đầu đình trệ vài tháng gần đây. Đầu mùa hè, công ty này đã sa thải 1/4 trong 2.700 công nhân và đợt giảm biên chế kế tiếp dường như không tránh khỏi.

Thời sự giá dầu thậm chí len vào cầu trường bóng đá
Theo Bambang Wicayo, nhân viên quản lý kỹ thuật công ty, giá dầu tăng khiến giá nguyên liệu tăng theo (trong khi giá khí đốt đắt đỏ hơn cho việc nung ngói) cuối cùng đã làm cho giá thành tăng hơn mức chấp nhận của thị trường. Cú sốc giá dầu khiến nhiều công ty châu Á lâm vào tình thế tương tự Asia Tile.
Chỉ trong 12 tháng, giá dầu đã tăng hơn 45%. Hạ tuần tháng 8-2005, Chính phủ Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh chính sách an toàn năng lượng khi Công ty dầu quốc gia Trung Quốc (CNP) thắng thầu trước một công ty dầu nhà nước Ấn Độ trong việc mua Công ty dầu PetroKazakhstan với giá 4,2 tỷ USD.
Trung tuần tháng 8-2005, Trung Quốc đã nếm mùi khủng hoảng nhiên liệu khi hàng đoàn xe gắn máy xếp hàng rồng rắn tại các cây xăng ở tỉnh Quảng Đông. Tình hình xăng dầu cho thấy kinh tế châu Á chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay cả Indonesia (thành viên Các nước xuất khẩu dầu – OPEC) cũng phải nhập khẩu dầu! Đơn vị tiền tệ Indonesia tiếp tục mất giá và chính phủ phải thò tay vào túi dự trữ ngoại tệ.
Xăng tại Jakarta vào hạ tuần tháng 8-2005 chỉ 0,27 USD/lít (4.288 đồng) nhưng người ta lo rằng nếu chính phủ tiếp tục bù lỗ giá nhiên liệu thì cuộc khủng hoảng tài chính 1998 tái diễn là điều hoàn toàn có thể. Indonesia nhập dầu thô và bán lại thị trường trong nước ở mức tương đương 30 USD/thùng. Theo đà bù lỗ hiện thời, Chính phủ Indonesia có khả năng mất 14 tỷ USD (2,4% GDP), so với 1,3% năm 2004.
Tại Philippines, giá dầu tăng khiến Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo thêm nhiều khó khăn. Cá nhân Tổng thống Arroyo cũng áp dụng chính sách tiết kiệm khi ngưng sử dụng máy bay và giảm số xe trong đoàn hộ tống. Sự căng thẳng nhiên liệu không miễn trừ đối với các nước phát triển và sử dụng năng lượng hiệu quả như Nhật hoặc Hàn Quốc. Tăng trưởng Hàn Quốc có khả năng thấp hơn 20% so với mức mà Bộ Kinh tế - Tài chính nước này đề ra hồi đầu năm.
Tại Nhật, giá dầu 60 USD/thùng trong 12 tháng có thể làm giảm ½ tỷ lệ tăng trưởng – theo chuyên gia Reiji Takeishi thuộc Viện Nghiên cứu Fujitsu (Tokyo). Tổng quát, theo nhà phân tích nổi tiếng Andy Xie thuộc Hãng Kiểm toán Morgan Stanley, cơn sốt giá dầu tăng khiến toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương phải chi 1,2% trong tổng GDP cho nhập khẩu dầu.
Một trong những nguyên nhân của hiện tượng tăng giá dầu là cầu nhiều hơn cung. Theo tác giả Bill Powell (Time, 5-9-2005), trừ khi nhu cầu nhiên liệu bớt đi, giá dầu chắc chắn không thể giảm trong tương lai gần. Các nền kinh tế nhỏ là nạn nhân đầu tiên của cơn sốt giá dầu.
Thử xem một trường hợp. Jung Jun Ki – chủ một cơ sở sản xuất hàng nhựa (khoảng 50 nhân công) tại Seoul – cho biết có đến 40% nhà sản xuất nhựa vừa và nhỏ ở Hàn Quốc đã ngưng hoạt động trong 18 tháng qua. Giá dầu tăng kéo theo giá nhiên liệu tăng và điều này khiến doanh nghiệp nhỏ không thể chống đỡ nổi. Giá nhiên liệu polypropylene đã tăng từ 800 USD/tấn vào năm 2004 lên 1.200 USD/tấn thời điểm hiện tại.
Bi kịch của sự phát triển châu Á là nhu cầu tăng đột biến về nhiên liệu. Thử xem Trung Quốc. Nước này phát triển ở tỷ lệ 9% năm 2004 và nhu cầu dầu tăng hơn 15% trong cùng thời gian. Do nhiều nhà máy Trung Quốc đều lạc hậu và xuống cấp, vấn đề sử dụng nhiên liệu tại nước này rất kém hiệu quả. Để có 1 USD cho GDP, Trung Quốc phải đốt nhiên liệu gấp 2½ so với Mỹ và gấp 9 so với Nhật!
Giá nhiên liệu tăng đã ảnh hưởng doanh thu, thậm chí đối với các công ty dầu. Nhà máy hóa dầu Thượng Hải – chi nhánh Công ty dầu nhà nước Sinopec – cảnh báo rằng doanh thu có thể giảm mạnh vào nửa đầu năm 2005. Mà nếu Trung Quốc “sổ mũi”, kinh tế châu Á hẳn bị “cảm lây”. Thị trường khổng lồ Trung Quốc đang là nguồn thu đáng kể của các ngành công nghiệp khu vực, từ dầu cọ Malaysia, thép Hàn Quốc đến truyền hình tinh thể lỏng Nhật.
- Đối phó ra sao?
Như Việt Nam, vài năm gần đây, nhiều nước châu Á đã áp dụng chính sách bình ổn thị trường bằng việc lấy ngân sách bù lỗ giá dầu nhưng tình hình tăng giá liên tục của nguồn dầu thô khiến không ai có thể gồng gánh trợ giá mãi. Malaysia – vốn là nhà xuất khẩu dầu – đã cắt bù lỗ 7% đối với dầu hỏa và 23% đối với xăng vào hạ tuần tháng 8-2005. Indonesia thực hiện tương tự (khiến giá dầu hỏa tăng 29%).
Tại Thái Lan, Thủ tướng Thaksin Shinawatra (từng tuyên bố trợ giá nhiên liệu) bây giờ cũng điều chỉnh lại chính sách an toàn năng lượng. Ngày 12-7-2005, Thủ tướng Thaksin loan bố rằng Chính phủ Bangkok không còn kham nổi việc bù lỗ. Còn với Trung Quốc, một trong những chính sách tức thời để gián tiếp hạ hỏa cuộc khủng hoảng nhiên liệu là nâng thuế xe hơi, 27% sẽ được cộng thêm vào giá xe hơi kể từ lúc này.
Theo George Wehrfritz (Newsweek 5-9-2005), Trung Quốc thực hiện chính sách tiết kiệm song song giảm trợ cấp giá dầu. Việc Chính phủ Bắc Kinh nâng giá xăng từ 3,4 nhân dân tệ lên 3,9 nhân dân tệ (7.649 đồng – tỷ giá quy đổi ngày 31-8-2008 tại trang web Yahoo Currency Converter) đã khiến giới taxi lao xao khả năng đình công.
Đúng như nhận xét của Dominique Dwor-Frecaut (kinh tế gia thuộc Barclays Capital, Singapore): “Chẳng bao giờ có sự huyền diệu trong kinh tế học. Tất cả đều có cái giá của nó”.
Thời điểm hiện tại, kinh tế Trung Quốc bắt đầu chững lại. Tháng 5-2005, Trung Quốc thật ra đã giảm 3,8% giá xăng trong nước để né khả năng lạm phát toàn diện. Nếu Trung Quốc buông lỏng chính sách bù lỗ nhiên liệu, “tôi cá rằng lạm phát sẽ tăng ngay hơn 10% và sẽ có một cuộc “hạ cánh” cực kỳ khó khăn” - theo Alan Chan, nhà phân tích thuộc KGI Asia Ltd.
Ấn Độ tất nhiên cũng ngán ngẩm tình hình xăng dầu. Chính phủ Ấn Độ, với sự ủng hộ từ các đảng chống phát triển theo mô hình kinh tế thị trường, đã tăng giá nhiên liệu 20% kể từ tháng 6-2004. Tuy nhiên, giá dầu thô cũng tăng 60% trong cùng thời gian. Hậu quả, các công ty dầu nhà nước lỗ hơn 281 triệu USD trong quý một năm tài khóa 2005-2006.
Hiện thời, Ấn Độ phải nhập 70% dầu thô và trừ khi giá dầu thế giới giảm, chi phí bù lỗ giá nhiên liệu sẽ khiến các công ty dầu nước này mất 9,15 tỷ USD trong năm nay. Theo kinh tế gia D. H. Pai Panandiker, cứ mỗi 10 USD tăng cho một thùng dầu thô, GDP Ấn Độ sẽ giảm 0,5%. Giải pháp cho tình hình nhiên liệu tăng (có thể lên đến 100 USD/thùng từ nay đến cuối năm) là sử dụng hiệu quả nhiên liệu và tìm nguồn năng lượng thay thế. Nhật là một trong những nước làm rất tốt điều này.
Tokyo đã giảm nguồn nhập khẩu dầu từ 78% năm 1973 xuống còn 50% thời điểm hiện tại và năng lượng thay thế là khí tự nhiên và năng lượng nguyên tử. Dù thế nào, ảnh hưởng tức thì của cơn sốt giá dầu là điều đã có thể “sờ” được trước mắt.
Ông Keng Yong – Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – trả lời phỏng vấn Bloomberg rằng giá dầu 60 USD/thùng có thể làm giảm 1,5% tỷ lệ phát triển ASEAN trong năm 2005. Còn nếu giá dầu tăng 70, 80 hoặc 90 USD/thùng, kinh tế châu Á chắc chắn bước vào giai đoạn khủng hoảng thật sự.
Tiết kiệm và tiết kiệm là khẩu hiệu luôn đúng trong gần như bất kỳ tình huống đe dọa khẩn cấp nghiêm trọng nào. Lần này, mối đe dọa lại là ảnh hưởng kinh tế với vô số hậu quả kéo theo cho đời sống xã hội, bởi sự tăng giá kinh khủng của một nhu cầu không thể thiếu đối với mọi chi tiết vận hành bên trong cỗ máy phát triển.
MẠNH KIM