
Những cải tiến trong lĩnh vực công nghệ cao như điện học và công nghệ thông tin vài năm gần đây đã mang lại nguồn thu nhập mới cùng những hy vọng mới cho châu Á. Một trong những công nghệ mới đang bắt đầu tạo sự quan tâm lớn là công nghệ nano. Trước đây, gần như chỉ có Mỹ và các nước phương Tây dành ngân sách lớn đầu tư vào lĩnh vực khoa học và công nghệ thì nay Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore cũng tương tự.
- Cơ hội từ công nghệ cao

Dự tính, trong 6 năm tới, tổng đầu tư toàn cầu vào các dự án công nghệ nano ít nhất cũng đạt đến 1.000 tỉ USD. Năm 2003, Mỹ đã đầu tư 847 triệu USD cho nano. Được xem là cuộc cách mạng công nghệ tiếp sau công nghệ bán dẫn và công nghệ thông tin, nano là lĩnh vực nghiên cứu và làm việc trên những vật chất nhỏ hơn cả nhỏ: một nano giây là một phần tỉ giây, một nano mét là một phần tỉ mét. Ngày càng nhiều người quan tâm đến lĩnh vực nóng hổi này và các chuyên gia dự đoán thị trường dịch vụ và sản phẩm nano có thể lên đến 1.000 tỉ USD vào năm 2010 và tăng gấp đôi vào năm 2015, chiếm hơn 10% tổng sản lượng hàng hóa được sản xuất trên toàn thế giới. Với nhiều ứng dụng tiềm năng mang tính chiến lược, công nghệ nano sẽ giúp cho nhiều quốc gia châu Á đạt được tham vọng như trong công nghệ thông tin, nano đem lại cơ hội cho các nước châu Á vượt lên nhờ giá nhân công rẻ và nhiều lợi thế khác.
Một cách đơn giản, công nghệ nano là chế tạo, ứng dụng hoặc thao tác trên những vật chất có trọng lượng hoặc kích thước vô cùng nhỏ, chỉ một phần tỉ của mét hoặc thậm chí nhỏ hơn, nhằm khai thác các đặc tính và tiện ích của nó. Một trong những thành tựu đã đạt được là ống carbon cực nhỏ làm từ các phân tử carbon, dùng thay thế động mạch, tĩnh mạch bị vỡ hoặc hỏng trong cơ thể người. Điều thú vị là chi phí sản xuất ống carbon như thế không quá đắt. Đối với một số quốc gia, công nghệ nano là cơ hội giúp đất nước tạo được thế mạnh trên trường quốc tế, mang lại sự thịnh vượng và giảm thất nghiệp. Đối với các công ty tiên phong thì đó là lĩnh vực khoa học đầy tiềm năng. Đối với người lao động có tay nghề thì đó là cơ hội giúp tìm được công việc có thu nhập cao. Đối với khoa học gia thì nó là thách thức chưa từng có đang chờ khám phá và cả mạo hiểm. Đối với giới đầu tư và nhà phát minh thì nano là thị trường đầy triển vọng… Tất nhiên chẳng ai muốn đi sau, đến muộn.
- Ấn Độ đi tiên phong
Ấn Độ đã liên tục mời nhiều nhà khoa học Ấn sống ở nước ngoài như giáo sư V.K. Varadan thuộc Đại học Penn State, giáo sư Ajay Malshe từ Đại học Arkansas, giáo sư Shekhar Bhansali từ Đại học Nam Florida và tiến sĩ A. Srivastava từ Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ về nước. Tương tự Trung Quốc, Ấn Độ cũng kêu gọi hợp tác từ các tổ chức phi chính phủ và tư nhân nhằm tìm thêm vốn. Hiện chỉ có 1.700 công ty hoạt động trong lĩnh vực nano trên khắp thế giới với khoảng 4.000 bằng sáng chế chỉ tính riêng tại Mỹ nên vẫn còn nhiều đất cho vô số ứng dụng thực tiễn. Một số sản phẩm thuộc công nghệ nano đã có mặt trên thị trường như vải sợi nano, nhựa tổng hợp nano, màn mặt trời nano, phương pháp truyền thuốc vào cơ thể bằng công nghệ nano. Chất xúc tác với kết cấu nano được vài công ty chế biến hóa chất và dầu mỏ sử dụng để loại bỏ các chất gây ô nhiễm đã xuất hiện từ nhiều năm nay.

Ấn Độ đang trở thành một trong những cường quốc của công nghệ nano châu Á.
Kỹ thuật nano không chỉ hàm nghĩa siêu nhỏ. Vải nano có lớp lông cực nhỏ phủ ngoài giúp đẩy lùi chất bẩn không cho bám vào, được nghiên cứu từ Công ty Burlington và NanoTex tại Bắc Carolina và sau đó bản quyền được chuyển cho công ty Arvind Mills (Ấn Độ). Nhựa tổng hợp nano không bị mòn-xước đã được hãng General Motors dùng chế tạo một số bộ phận trong xe hơi và Toyota dùng cho bộ hãm xung xe hơi. Màn mặt trời nano giúp ngăn chặn tia cực tím (chiếm 60% thị phần sản phẩm màn mặt trời ở Úc năm 2001). Còn phương pháp truyền thuốc vào cơ thể bằng công nghệ nano là dùng phân tử cực nhỏ để truyền dược chất vào bộ phận cơ thể được định trước. Vài công ty dược phẩm Ấn Độ như Dabur hoặc Shanta Biotech đã thâm nhập thành công thị trường này. Trong 1.000 tỉ USD mà thị trường dịch vụ-sản phẩm nano thế giới có thể đạt được trong 6 năm tới, phần phát triển lớn nhất tập trung vào nguyên vật liệu nano với khoảng 340 tỉ USD; 300 tỉ USD cho ngành điện tử; 180 tỉ USD cho dược liệu;100 tỉ USD cho sản xuất hóa chất; 70 tỉ USD cho không gian vũ trụ; và 30 tỉ USD cho y tế…
- Cơn sốt nano
Phương Tây đang lo châu Á giành mất phần trong lĩnh vực nano. Mỹ chi 610 triệu USD cho nano năm 2002, 847 triệu USD năm 2003 và giới khoa học nước này tiếp tục vận động để được chi ít nhất 1 tỉ USD trong năm 2005. Liên minh châu Âu tài trợ 1,4 tỉ USD cho nano từ nay đến 2006. Nhật là một trong số nước châu Á có khả năng cạnh tranh phương Tây. Năm 2001, Nhật đã chi 465 triệu USD cho nano và tăng lên 630 triệu USD vào năm 2002. Hội đồng khoa học và công nghệ Nhật Bản cho biết trong năm tài chính 2004 tính từ đầu tháng 4, Chính phủ Nhật đã chuẩn thuận chi 31% ngân sách nghiên cứu khoa học cho nano, tương đương 875 triệu USD. Cơn sốt đầu tư nano cũng hình thành tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Thời Tổng thống Kim Dae-Jung (nguyên Chủ tịch Ủy ban Công nghệ-khoa học quốc gia), Hàn Quốc từng đầu tư 1,14 tỉ USD. Chính phủ Bắc Kinh dự kiến chi khoảng 2 tỉ USD trong 5 năm. Và theo giáo sư Bai Chunli (Phó Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc-CAS), từ giữa năm 1999 đến 2001, có 530 công trình nghiên cứu nano được CAS cấp ngân sách, trong đó có 73 công trình được cấp ít nhất 60.000 USD. Toàn cảnh, người ta có thể thấy một tương lai đầy triển vọng cho nano châu Á.
PHÚC CẨM