Đến hẹn lại lên, câu chuyện tìm chỗ học tốt cho con và chạy đua vào những trường tốt, có “thương hiệu” lại rộ lên. Năm nay, lứa “heo vàng” sinh năm 2007, chuẩn bị vào lớp 1 đông hơn nên cuộc đua dành một chỗ học tốt cho con cái xem ra căng thẳng, quyết liệt hơn.
“Kế hoạch 5 năm”
Ngay từ khi bé Hoàng Thư mở mắt chào đời, anh chị T., quận Tân Phú đã nhắm đích đến cho con mình là một trường tiểu học có tiếng ở phường Đa Kao quận 1 TPHCM. Ở đó không chỉ có môi trường, điều kiện tốt mà học sinh còn được học trong những phòng học VIP, với phòng máy lạnh, thiết bị giảng dạy hiện đại, học thêm chương trình tiểu học quốc tế Cambridge. Theo cách dễ nhất - được nhiều phụ huynh áp dụng thành công, ít tốn kém - vợ chồng T., quyết định chuyển hộ khẩu cho con vào nhà người quen ở phường Đa Kao quận 1 TPHCM. Nhờ đi đúng hướng, năm nay anh chị T. “rung đùi” vì hoàn thành kế hoạch 5 năm đối với công chúa “heo vàng” của mình.
Con số mỗi năm quận 1, 3 ở TPHCM nhập hộ khẩu cho trẻ em chưa đến tuổi đi học ngày một tăng đã minh chứng thực tế lên kế hoạch xa - chạy chỗ học cho con - của nhiều phụ huynh. Với những phụ huynh khác, họ cũng có nhiều cách “vận động, tác động” để con mình có một chỗ học như mong muốn. Không có điều kiện để nhắm đến các trường tiểu học được gắn “sao”, trường có thương hiệu ở quận 1, quận 3, 5…, nhiều phụ huynh ở các quận còn lại cũng đặt kỳ vọng con mình sẽ đặt chân vào những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, trường điểm của quận nhà. Chỗ học tốt, đảm bảo những nhu cầu tối thiểu theo chuẩn thì có hạn nhưng nhu cầu luôn tăng theo mùa tuyển sinh. Vì thế, trong cuộc đua tìm chỗ học cho con cái vào đầu cấp tiểu học luôn tạo ra áp lực đối với nhà trường, phòng giáo dục quận nhà. Cứ đến mùa tuyển sinh đầu cấp, nhiều hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục phải tắt điện thoại, đau đầu với bài toán nhận trẻ nào, bỏ trẻ nào.
Trừ những nhu cầu chính đáng, phụ huynh làm việc ở ngay trung tâm TPHCM đưa đón con tiện hơn nên phải xin học trái tuyến, còn lại nhiều nguyện vọng xuất phát từ đám đông tâm lý “sính” trường điểm, lớp chọn. Vậy năm nay, các trường tiểu học ở quận 1, 3… có bị áp lực số học sinh năm “heo vàng” tăng vọt hay không? Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, cho biết các phường đang cập nhật lại số học sinh chuẩn bị vào lớp 1 trên địa bàn để tính toán chỗ học phù hợp. Tinh thần chung là đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh có hộ khẩu thuộc quận nhà. Tuy nhiên, nếu phường nào quá đông học sinh, cụ thể như 2 phường Đa Kao và Bến Nghé có thể căng thẳng về chỗ học thì phải chuyển một số em sang phường lân cận để học.
Phải thừa nhận những năm gần đây, TPHCM đã đầu tư xây thêm nhiều trường mới đạt chuẩn, cải tạo nâng cấp nhiều trường học nhằm tăng chỗ học, phòng chức năng, sân chơi… ở các quận, huyện. Nhờ vậy, khoảng cách trường giàu, trường nghèo đã rút ngắn dần và học sinh ở các quận ven bớt đổ dồn vào quận trung tâm. Đó là chưa kể một bộ phận phụ huynh có điều kiện về tài chính đã chọn trường dân lập, quốc tế cho con học để tiếp cận môi trường học tiên tiến, lớp ít học sinh. Nhờ vậy, áp lực chạy trường, đổ dồn vào các quận trung tâm đã giảm nhiệt so với trước đây. Tuy nhiên, nhu cầu cho con học ở những ngôi trường đàng hoàng vẫn rất lớn và cung chưa đáp ứng cầu. Vì thế, cuộc đua “chạy trường” dự báo vẫn tiếp tục căng thẳng vào mùa tuyển sinh lớp 1 năm nay.
.
Ai làm khổ bé?
Không chỉ chuẩn bị kế hoạch xa - tìm chỗ học tốt cho con - nhiều phụ huynh còn “ép” các bé học tiếng Việt và làm quen với tiếng Anh từ 3 - 4 tuổi. Mặc cho các chuyên gia giáo dục khuyến cáo rằng học sớm phản khoa học, phản giáo dục và hành các bé đang tuổi ham chơi, nhiều phụ huynh vẫn phớt lờ. Họ lo sợ con mình không theo kịp bạn bè, sợ không theo kịp chương trình tiếng Việt lẫn tiếng Anh…
Chị Anh Thư nhà ở phường Bến Nghé quận 1, giãi bày: “Tôi muốn con vào học ở một trường tiểu học tốt. Nếu không cho con học trước, làm sao bé theo kịp những bạn khác đã đọc thông viết thạo, thậm chí nói được những câu đàm thoại tiếng Anh?”. Khảo sát bỏ túi cho thấy rất ít phụ huynh ở TPHCM tự tin với những gì đã học ở mầm non và không cho trẻ đi học trước tiếng Việt, luyện chữ đẹp. Phải thừa nhận có cung thì ắt có cầu và công nghệ quảng cáo rèn chữ đẹp, giúp trẻ đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 được quảng bá rùm beng. Còn 5 tháng nữa, trẻ mới bước vào lớp 1 nhưng ở nhiều gia đình, áp lực học chữ, học tiếng Anh đã đè nặng cả mẹ lẫn con. Ai làm khổ bé?
Theo ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, sở luôn hướng dẫn rất kỹ việc tổ chức đón và dạy học sinh lớp 1 đầu năm và yêu cầu giáo viên quan tâm đến những học sinh chưa biết đọc, biết viết để các em không cảm thấy sợ học. Giáo viên tuyệt đối không được dọa nạt, to tiếng làm các bé sợ hãi. Trong 2 tuần lễ đầu, giáo viên tuyệt đối không được cho điểm học sinh, chỉ ghi nhận xét mang tính động viên, khen ngợi các em, đặc biệt khích lệ sự tiến bộ của học sinh chưa biết đọc, viết…”.
Khẳng định rằng học sinh lớp 1 chơi là chính và chỉ nên làm quen với chữ cái và số, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD-ĐT, cũng nhấn mạnh rằng việc “ép” trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 giống như bắt chín ép, rất phản khoa học. Đó là chưa kể khi giáo viên thiếu chu đáo, trẻ có thể ngồi sai tư thế, viết sai, sau này khó sửa, thậm chí dẫn đến khuyết tật về cơ, hệ thần kinh. Để nỗi lo vào lớp 1 không đè nặng phụ huynh, học sinh, mỗi trường phải đổi mới cách dạy, giúp trẻ làm quen với chữ và số là chính chứ không nên đánh giá học sinh phải đọc thông viết thạo như nhiều giáo viên áp đặt, đòi hỏi. Bên cạnh đó phải chế tài thật mạnh đối với việc tổ chức dạy chữ trước khi trẻ đi học dưới bất kỳ hình thức nào.
KHÁNH BÌNH