Để ngăn chặn cháy lan cháy lớn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, nhiều năm qua, chính quyền và ngành chức năng ở TPHCM triển khai thực hiện nhiều giải pháp, thế nhưng hiện nay cháy lớn vẫn liên tục xảy ra. Vì sao?
Chỉ 3 giờ, “bà hỏa” ngốn 85 tỷ đồng
Sau hàng loạt vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản trong năm 2014, như vụ cháy nhà ở đường Nguyễn Trãi (quận 5) làm 7 người chết, cháy trên đường Lê Văn Sỹ thiêu rụi 8 căn nhà, 1 người chết, thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng…, UBND TPHCM đã yêu cầu ngành phòng cháy chữa cháy (PCCC) thành phố, UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm túc, thường xuyên các giải pháp căn cơ.
Trong đó, Cảnh sát PCCC TPHCM giữ vai trò nòng cốt, tập trung kiểm tra không để vi phạm diễn ra; rà soát, hoàn thiện các phương án phòng cháy phù hợp với từng đối tượng để nâng cao hiệu quả trong phòng cháy; phối hợp với UBND các quận, huyện xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ, lập thêm các đội chữa cháy khu vực để rút ngắn khoảng cách, thời gian tiếp cận đám cháy… Đến nay, các giải pháp đã thực hiện nhiều, song hiệu quả lại chưa phát huy bao nhiêu! Hàng loạt vụ cháy lớn, gây thiệt hại tài sản nghiêm trọng vẫn liên tục xảy ra.
Đám cháy lớn tại Công ty Nệm Vạn Thành (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) gây thiệt hại khoảng 85 tỷ đồng
Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra tại Công ty Nệm Vạn Thành (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) vào chiều 27-5. Chỉ trong 3 giờ, “bà hỏa” đã lấy đi của công ty này gần 12.000m² nhà kho, xưởng sản xuất và hàng trăm tấn hàng hóa, sản phẩm thành phẩm, nguyên phụ liệu. Tổng thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 85 tỷ đồng (25 tỷ đồng nhà xưởng, 60 tỷ đồng hàng hóa).
Đã gần nửa tháng trôi qua - kể từ hôm “bà hỏa” ghé qua càn quét, đến nay hoạt động của công ty này vẫn chưa đi vào ổn định, hiện trường vẫn ngổn ngang vật dụng bị cháy, một số lượng không nhỏ công nhân vẫn đang chờ công ty sắp xếp, bố trí chỗ làm việc mới.
Trước đó, trưa 30-1, một vụ cháy lớn khác bất ngờ xảy ra tại gara ô tô Thần Châu nằm trên đường Cống Quỳnh (quận 1) và lan sang cửa hàng Thế giới di động cạnh bên, làm 10 ô tô bị cháy trơ khung, rất nhiều linh kiện, thiết bị điện tử, điện thoại đắt tiền bị thiêu rụi. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính hơn 70 tỷ đồng.
Đó là hai trong số nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây trên địa bàn TPHCM. May mắn trong các vụ cháy này là thời gian cháy xảy ra vào ban ngày, nếu ập đến vào ban đêm hẳn con số thiệt hại về tài sản sẽ còn tăng cao, thậm chí có thể gây thương vong về người do việc tiếp cận, chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế trên, dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Vì sao cháy lớn liên tiếp xảy ra? Bên cạnh một bộ phận nhỏ người dân, chủ cơ sở còn thiếu ý thức trong công tác phòng cháy, có chăng chuyện công tác quản lý về an toàn PCCC ở thành phố hiện đang có vấn đề?
Còn thiếu và yếu nhiều thứ!
Chứng kiến hiện trường vụ cháy Công ty Nệm Vạn Thành ngay sau khi đám cháy được dập tắt với hàng trăm khối nguyên liệu bị cháy thành tro, nhiều tường bê tông, trần thép được đầu tư kiên cố bị đổ sập, các cán bộ - chiến sĩ chữa cháy của Cảnh sát PCCC TPHCM không khỏi xót xa. Một chiến sĩ tham gia chữa cháy thuộc Phòng Cảnh sát PCCC huyện Củ Chi (đơn vị tiếp cận đám cháy đầu tiên), tiếc nuối: “Nếu tin báo cháy gọi đến 114 sớm hơn 10 phút, có thể tài sản của công ty đã không bị cháy nhiều đến vậy”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, trung tâm tiếp nhận tin báo của đơn vị tiếp nhận tin báo vụ cháy ở Công ty nệm Vạn Thành lúc 13 giờ 40. Trong khi đó, nhiều người dân sống quanh công ty cho biết, từ 13 giờ đã thấy khói đen bốc lên cuồn cuộn ở phía cuối xưởng sản xuất, 5 phút sau lửa bốc cháy đỏ rực, nhưng gần nửa giờ sau mới thấy cảnh sát đến.
Ngoài việc chủ cơ sở, chủ nhà - nơi xảy ra sự cố chậm báo tin (cho rằng lực lượng tại chỗ tự xử lý được, hoặc sợ khi Cảnh sát PCCC đến sẽ bị phạt…), để dẫn đến cháy lan cháy lớn còn do nhiều nguyên nhân khác như: hệ thống báo cháy tự động không hoạt động, lực lượng chữa cháy tại chỗ thiếu về số lượng - yếu về nghiệp vụ (không nhận định được tình hình, chữa cháy không hiệu quả), thiết bị chữa cháy không được bảo trì thường xuyên (hư hỏng) - khi xảy ra cháy không hoạt động, chủ và nhân viên ở nhiều cơ sở còn thiếu ý thức trong phòng cháy - để vật dụng, hàng hóa tràn lan dẫn đến cháy lan cháy lớn…
Bên cạnh đó, nước được xem là “vũ khí lợi hại” của Cảnh sát PCCC khi chiến đấu với “giặc lửa”. Tuy nhiên, tại TPHCM hiện nay nhiều nơi vẫn còn thiếu trụ nước chữa cháy, hoặc có nhưng bị hư hỏng, không được bảo trì thường xuyên, khi có sự cố xảy ra không phát huy đươc tác dụng, dẫn đến cháy lớn.
Theo cảnh sát PCCC TPHCM, thành phố còn thiếu khoảng 1.000 trụ nước cứu hỏa, tập trung ở các hẻm sâu ở các quận 1, 4, 5 và Bình Thạnh. Hiện Cảnh sát PCCC TP đang phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) triển khai lắp bổ sung, đồng thời kiến nghị SAWACO giao quyền quản lý và bảo trì để thuận tiện hơn cho việc sử dụng.
|
PHẠM MINH