
Cô bạn thuở “ăn chay do viêm túi” lại rủ tôi đi ăn chay, nhưng lần này là đi ăn nguyên con heo sữa quay chảy mỡ vàng ươm, kèm theo những cái bánh bao nhỏ xíu. Tất nhiên là heo sữa chay và thực khách trong quán hôm ấy ăn ngon lành lắm, nhưng cổ họng tôi lại cảm thấy đắng quá chừng!

Ăn cơm chay tại một quán ăn ở quận 3 (ảnh minh họa). Ảnh: C.Th.
1- Đã qua cái thời mẹ con tôi cắm cúi ăn chay với rau muống luộc chấm chao hay đậu hủ kho tương hột. Thời điểm đó đã nằm lại cùng với quãng đường bao cấp lạc hậu của đất nước.
Nhớ lại những ngày rằm, mồng một trong cơn khốn khó, lũ trẻ chúng tôi ăn chay rồi nhìn các gia đình chòm xóm giàu có ăn phô mai với bánh mì mà ganh tỵ thầm. Những lúc ấy mẹ tôi an ủi: “Thôi kệ, người ta có “cheese” (phô mai, phó mát - PV), còn mình có… chao ăn cũng ngon vậy”.
Hãn hữu, mẹ đưa anh em tôi đi ăn cơm chay ké trong các chùa nhỏ ở quận 11, quận 6 hay khu vực Chợ Lớn như chùa Giác Sanh, chùa Lộc Uyển… bằng các bữa ăn “nhớ đời” với đặc sản tàu hủ ky kho, nấm rơm xào, rau cải hầm dầu phộng… Đúng là những thời khắc không thể nào quên: món ăn ngon, khẩu vị lạ, các chú tiểu niềm nở và… tôi thì quỳ gối đọc kinh rêm cả chân!
2- Cái thời thèm “cheese” đã qua rồi, bây giờ có mấy ai ăn chay bằng bánh mì với phô mai nữa. Và cái thời ngán… chao cũng chấm dứt từ khi đất nước mở cửa, các quán ăn chay mọc lên ngày càng nhiều, các quầy chạp phô trong chợ cũng bán đủ thứ nguyên liệu để những gia đình ăn chay trường, các bậc chơn tu, những người muốn… rửa ruột mua về tự chế biến. Tôi có cô bạn nhỏ cùng vào làm chung cơ quan thuở chân ướt chân ráo.
Ngày đó không có tiền nhiều, bạn tôi mượn quán cơm chay Hương Viên trong chợ Vườn Chuối (Q3 TPHCM) làm nơi qua bữa. Hai anh em mời nhau đi ăn chay đủ mọi món từ gỏi đu đủ, cơm nấm kho, bún đậu hủ… và giành nhau trả tiền, cao nhất là mươi lăm ngàn đồng. Nhưng cái thời lãng mạn không vương bụi trần ấy đã qua mấy năm nay. Đồ ăn chay bây giờ giá cao ngất ngưỡng, còn hơn cả thức ăn mặn. Đồ chay bán trong các nhà hàng lớn như Kim Đô, Quê Hương, Vân Cảnh hay các tiệm cơm chay nổi tiếng như Phật Hữu Duyên, Giác Đức, Giác Viên, Tín Nghĩa… hầu như tuần nào, ngày nào cũng có.
3- Cũng vì “nhà nhà ăn chay, người người ăn chay” mà có một công ty thực phẩm còn đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao với menu hàng trăm món mà nghe qua bạn có thể rỏ dãi vì các cái tên rất ư mặn của chúng. Bây giờ người ta ăn chay thành mốt, chẳng cần biết mùng một, không phải đợi lễ Vu Lan hay rằm tháng Bảy, rằm tháng Giêng gì cả. Cũng vì thế mà nảy sinh vô số liên hoan các món chay, buffet chay…
Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy cũng không có gì quá đáng bởi một bữa ăn chay, một phút lắng đọng nơi cửa Phật cũng giúp những con người chốn thị thành quên đi cái bon chen, giành giật, thậm chí chà đạp nhau để mà sống. Nhưng ăn chay mà thực đơn có các tên món ăn như: mắm thái thịt luộc, cà ri đùi gà, heo nấu đậu, cua lăn bột, tôm rang me, nai xào sa tế… thì e khó lòng chay tịnh được. Nhất là khi cua, tôm tuy làm bằng bột nhưng thơm mùi hải sản. Patê gan làm từ ruột đậu hủ nhưng béo ngậy và có mùi bơ, gan heo. Thịt bò lúc lắc có sớ đỏ hồng, mịn màng và ăn ngọt như thịt bò thật, thậm chí còn có thể nhúng giấm rồi chấm mắm nêm thì… các Đường Tam Tạng có thấy cũng phải… bó tay.
4- Mẹ tôi nói đại đa số những người ăn chay đều có cái tâm hiền, hay nói như các phật tử, sư cụ là “họ có căn tu”. Ngày trước, lúc ăn chay, mẹ bảo tuyệt nhiên không bao giờ được nghĩ đến thức mặn, tuyệt đối không để rơi vãi một hạt cơm và tránh làm điều ác. Và đầu óc thơ trẻ của tôi, khi ấy, một mực tuân theo lời mẹ dạy.
Vậy mà bây giờ, người ta ăn chay bằng cách tự lừa dối khẩu vị của mình. Tôi lang thang ra khu vực chợ Kim Biên, không khó để mua cho mình vài chai nhỏ đựng thứ hóa chất mang mùi patê, mùi thịt bò, mùi thịt gà, kể cả mùi tanh tanh của cá, của hải sản… Mang về nhà, tôi mua 5 miếng đậu hủ chiên, ướp mỗi miếng một thứ mùi và chế biến. Mâm cơm được dọn ra có đủ cá, thịt, tôm, cua… chay, dĩ nhiên tôi đã tự lừa dối khẩu vị của mình.
Cha mất sớm, mẹ già yếu… tôi giang tay đón nhận những may mắn trong công việc và hứng chịu tất cả va vấp của cuộc đời, cả thói cay nghiệt và đôi khi còn có sự đê hèn từ những kẻ “ăn chay” chuyên nói lời vàng ngọc. Để tìm sự trong sáng trong nghề nghiệp mình yêu mến, để có thể phụng dưỡng người mẹ tảo tần, tôi –đôi lúc- vẫn ăn chay nhưng không chủ ý để được phước mà chỉ để lắng đọng tâm hồn. Bởi mẹ từng bảo rằng: “Ở hiền thì gặp lành, gieo ác thì gặp dữ. Sống cho phải đạo làm người là đã ăn chay rồi đó, con à!”.
DƯƠNG MINH ANH