Chế biến gỗ xuất khẩu - Dè chừng rủi ro

Ngành chế biến gỗ Việt Nam giờ đây trở thành một bộ phận không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu; là một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn trên thế giới khi đứng đầu các nước Đông Nam Á và chỉ sau Trung Quốc ở châu Á; một trong ít ngành có tốc độ phát triển trên 2 con số liên tục trong nhiều năm. Nhưng trong bối cảnh hội nhập nếu không khắc phục kịp thời, những nguy cơ nhỏ có thể gây ra nhiều rủi ro lớn.
Chế biến gỗ xuất khẩu - Dè chừng rủi ro

Ngành chế biến gỗ Việt Nam giờ đây trở thành một bộ phận không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu; là một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn trên thế giới khi đứng đầu các nước Đông Nam Á và chỉ sau Trung Quốc ở châu Á; một trong ít ngành có tốc độ phát triển trên 2 con số liên tục trong nhiều năm. Nhưng trong bối cảnh hội nhập nếu không khắc phục kịp thời, những nguy cơ nhỏ có thể gây ra nhiều rủi ro lớn.

Giá trị gia tăng chưa bằng khu vực

Chế biến gỗ là một trong ít ngành có sự phát triển đều đặn ngay cả thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới, tốc độ phát triển liên tục nhiều năm luôn ở mức 10% - 12%/năm. 5 tháng đầu năm 2016, việc xuất khẩu gỗ chế biến và các sản phẩm từ gỗ đạt 2,3 tỷ USD, tiếp tục tăng so với cùng kỳ, dù không nhiều. Trong khi năm 2015, tỷ lệ xuất siêu ngành này trên 4 tỷ USD trong tổng số 6,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Trước đây, có giai đoạn xã hội xem việc phát triển ngành chế biến gỗ đồng nghĩa với việc tàn phá rừng, xâm hại thô bạo tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu thô (gỗ tròn), nhưng giờ đây chính ngành này là động lực để trồng rừng, phủ xanh đất trống và nuôi sống hàng triệu con người, khi mà việc nhập khẩu gỗ vào những thị trường lớn nhất của Việt Nam có những quy định ngày càng nghiêm ngặt về xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu gỗ từ những sản phẩm được chế biến, như Đạo luật Lacey của Mỹ hay FLEGT của các nước EU.

Sản xuất đồ gỗ tại một cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu (Ảnh: CAO THĂNG)

Nhưng cùng với TPP và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam), ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ lại đối diện với nhiều rủi ro hơn. Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của nhóm xây dựng báo cáo “Rủi ro khi xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA”, cho rằng hạn chế của doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ là DN vừa và nhỏ, nhất là siêu nhỏ, chiếm tỷ lệ quá lớn. Những DN chế biến gỗ khu vực năng động và phát triển nhất như vùng Đông Nam bộ (bao gồm TPHCM) và duyên hải Nam Trung bộ nắm bắt nhanh xu thế và những quy định mới của thị trường thế giới, kể các quy định về tính pháp lý nguồn gốc gỗ, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ thiếu hiểu biết về các yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc DN đối mặt với rủi ro, nhất là rủi ro về pháp lý trước những quy định nghiêm ngặt như Lacey hay FLEGT. Một DN xuất khẩu vi phạm sẽ tác động tiêu cực cho cả ngành xuất khẩu gỗ. Diễn biến mới nhất là Hà Lan, thành viên các nước EU, đã đưa Việt Nam vào danh sách kiểm soát như với sản phẩm đồ gỗ chế biến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Bởi có DN sử dụng nguồn gốc gỗ từ Lào và Campuchia (trong các sản phẩm gỗ chế biến) mà tính pháp lý còn gây nhiều tranh cãi ở các nước nhập khẩu.

Ngay cả lao động giá rẻ ở Việt Nam ngày càng mất dần ưu thế, thậm chí có thể bị vi phạm nếu như có DN, nhất là các làng nghề sử dụng lao động trẻ em. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt qua những nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore… không nhiều ý nghĩa khi năng suất lao động ngành chế biến gỗ còn thấp, dẫn đến khả năng cạnh tranh suy giảm, kèm theo công nghệ ở mức trung bình và trình độ quản lý chưa cao, lý giải vì sao giá trị gia tăng trên sản phẩm gỗ chế biến Việt Nam lại thấp nhất so với những nước xuất khẩu ở Đông Nam Á.

Sản xuất đồ gỗ tại Công ty gỗ Trường Thành (Ảnh: CAO THĂNG)

Rủi ro trước mắt

Bên cạnh một số hạn chế mang tính chất hệ thống như DN nhỏ, nhân công rẻ, giá trị gia tăng thấp, ngành chế biến gỗ còn gặp thách thức lớn hơn, đó là thiếu chính sách đồng bộ từ khâu trồng rừng đến xuất khẩu. Các khâu này vẫn tách rời, chưa có sự kết nối tạo thành chuỗi liên kết, do thiếu chính sách và cơ chế. Đó là hậu quả của một thời gian dài do bị “mặc định” là phá rừng nên ngành này phát triển chủ yếu là do sự vận động tự thân của từng DN, tự phát là chính, chưa có chiến lược phát triển bền vững.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng, thách thức của ngành này là nâng cao năng suất lao động, muốn vậy công nhân phải được đào tạo trước khi vào nhà máy, thay vì DN nhận vào rồi đào tạo. Nhà nước phải bắt tay vào làm. Nhưng điều ông Thanh lo ngại là khi TPP và hàng loạt FTA các nước và khối có hiệu lực tạo ưu thế xuất khẩu, DN những nước không hưởng quy chế này sẽ di chuyển nhà máy sang Việt Nam. Thực tế này đang diễn ra, làm doanh thu xuất khẩu tăng đột biến, nếu kim ngạch mặt hàng nào đó hơn 10%/năm thì phía Mỹ nghĩ ngay đến hạn chế xuất khẩu, thông qua việc áp dụng hàng rào kỹ thuật hay chống bán phá giá.

Đồng tình với lo ngại này, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cộng đồng DN gỗ e ngại DN Trung Quốc phá thị trường. Khi các DN Trung Quốc phải chịu thuế chống bán phá giá rất cao tại thị trường Mỹ, để lách, DN Trung Quốc đã và đang đầu tư sang nhiều nước, nhất là ở Việt Nam. Những DN này đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam, hoàn thiện vài khâu nhỏ, rồi xuất bán sang các thị trường TPP với danh nghĩa hàng Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế từ các thị trường này. Khi làn sóng đầu tư ồ ạt vào ngành chế biến gỗ xảy ra, DN Việt Nam sẽ đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá một khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ tăng nhanh.

Để ngành này phát triển bài bản, không để tự phát như thời gian qua, đòi hỏi cần có chiến lược và chính sách phù hợp như tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay trung hạn để thay đổi công nghệ mới, khuyến khích và tạo chuỗi liên kết giữa khâu trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ. Các khâu này thời gian qua chưa có sự hợp tác chặt để nâng cao giá trị từng khâu và khả năng cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài nhờ giảm chi phí vận chuyển và giá thành chế biến, nên xảy ra tình trạng vùng nguyên liệu xuất khẩu ván dăm, khu vực chế biến lại nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên gia nghiên cứu, cho biết ở Mỹ, thuế trung bình các sản phẩm gỗ chế biến từ Việt Nam là 0,3%, vì vậy, TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) không mang đến lợi ích về thuế lớn, nhưng sẽ tác động đến những thị trường khác trong 12 nước của TPP - đang áp thuế cao hơn so với sản phẩm cùng loại Việt Nam đang xuất vào Mỹ, giúp mở rộng và đa dạng thêm thị trường. Các chuyên gia thương mại nhận định, xuất khẩu đồ gỗ chế biến là ngành có tiềm năng phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục