
Theo thông báo của Sở Y tế, vào tháng 12-2004 sẽ thực hiện “chiến dịch” diệt chuột toàn thành phố bằng chế phẩm vi sinh Biorat với kinh phí 2 tỷ đồng. Nhưng ngày 9 – 12 – 2004, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông báo tạm ngưng diệt chuột bằng chế phẩm vi sinh trên toàn thành phố, vì có ý kiến cho rằng chế phẩm này sẽ phát sinh những “biến chủng”, gây tác hại nguy hiểm cho con người. Ngay sau đó, nhiều bạn đọc gần xa của báo SGGP đã điện thoại, gởi thư thắc mắc về tác dụng của chế phẩm này trong quá trình diệt chuột, vì sao lại bị biến chủng và tác hại ra sao? Sau đây là ý kiến của các nhà chuyên môn.
Ông Trần Đặng Thanh Kim, Giám đốc Công ty TNHH Bảo dưỡng sinh học:

Đặt thuốc diệt chuột Biorat.
Phương pháp vi sinh học là dùng vi khuẩn gây bệnh biệt lập đối với các loài chuột, khi chúng ăn vào sẽ nhiễm bệnh mà chết, đồng thời truyền nhiễm sang những con khác mặc dù những con này không ăn trực tiếp. Chế phẩm Biorat là thuốc diệt chuột bằng phương pháp vi sinh. Thành phần gồm lúa hấp chín để làm bả cùng với một loại vi khuẩn gây bệnh cho riêng chuột là Salmonella Enteritidis var 17F4 và một mùi gây hấp dẫn cho chuột.
Sau khi ăn phải bả, chuột có triệu chứng sốt thương hàn, vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập toàn cơ thể. Từ khi thuốc bắt đầu tác động đến khi chuột bắt đầu có triệu chứng bệnh, thời kỳ ủ bệnh và chết đối với chuột cái từ 5 đến 10 ngày, chuột đực từ 3 đến 6 ngày. Khi phát triển đến giai đoạn cuối, bệnh có tính lây lan cao giữa những con chuột bệnh và con khỏe dẫn đến dịch bệnh cả đàn chuột.
BS Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM:
Chế phẩm vi sinh Biorat từ lâu đã được dùng diệt chuột rộng rãi trong nhân dân. Hiện nay, trong nhiều bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, trường học cũng phổ biến diệt chuột bằng chế phẩm này mà vẫn không có triệu chứng nào cho thấy chế phẩm vi sinh này tác hại đến con người. Có lẽ do ảnh hưởng của vài bài báo nước ngoài, tỏ ý lo ngại về sự biến chủng của nó khi dùng vi khuẩn Salmonella Enteritidis var 17F4.
Dù loại vi khuẩn này chỉ gây bệnh cho riêng loài chuột, vô hại với người và các loài động vật khác, nhưng nhiều người e rằng khi sử dụng trên diện rộng nó sẽ ảnh hưởng tới con người không lường hết hậu quả. Đây là vấn đề “có thể” chứ không khẳng định. Do vậy, việc diệt chuột bằng chế phẩm vi sinh Biorat không phải ngưng hẳn, mà chờ các chuyên gia nghiên cứu thêm, sau đó xin ý kiến Bộ Y tế quyết định.
TS BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Lao động sức khỏe môi trường TPHCM:
Không chỉ có Việt Nam, mà trên thế giới rất nhiều nước đã sử dụng chế phẩm vi sinh diệt chuột vẫn không có biến chủng nào xảy ra. Các chuyên gia e ngại là vì dùng vi khuẩn Salmonella Enteritidis var 17F4 là vi khuẩn gây bệnh thương hàn, nhanh chóng xâm nhập dạ dày, ruột non và từ đây ngấm qua thành ruột tấn công vào hệ tuần hoàn máu, bạch cầu, gan, lách và thận của chuột.
Chính vì sự lây lan quá mạnh diễn ra trong loài chuột, nhiều người lo sợ rằng dùng chế phẩm vi sinh trên diện rộng sẽ có những giao thoa lẫn nhau có thể gây ra chủng mới. Nhưng đây chỉ là giả thuyết, chưa khẳng định. Ngày 12-8 vừa qua, Phó Hiệu trưởng Dương Hoàng Mai thay mặt Ban Giám hiệu Trường Trần Bội Cơ và ông Ngô Yến Dân thay mặt Ban Giám hiệu Trường Lê Quý Đôn, sau khi cho diệt chuột tại trường bằng chế phẩm Biorat đều có chung nhận xét, kết quả đạt được rất tốt, chuột và ruồi muỗi côn trùng bị tiêu diệt sạch, an toàn cho con người và môi trường.
Đây là những ý kiến mà báo SGGP đã tham khảo, người dân thành phố đang mong chờ kết luận của các chuyên gia, nhanh chóng xin ý kiến Bộ Y tế quyết định việc này.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC