Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng phòng chống tội phạm môi trường Công an TPHCM (PC49) và Tổng Công ty Điện lực TPHCM… vừa kiểm tra đột xuất việc chấp hành luật bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp. Qua đó phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng môi trường. Điều đáng nói, những doanh nghiệp này đều đã từng bị UBND TPHCM xử phạt hành chính nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa chịu khắc phục.
Vi phạm hàng loạt
Tại Công ty TNHH MTV Vân Thành hoạt động trong lĩnh vực giặt, tẩy (địa chỉ F1/63, đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh do bà Lâm Thị Vân Anh làm chủ). Doanh nghiệp này không xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên lượng nước thải (khoảng 30m³/ngày) chưa qua xử lý thải thẳng ra môi trường, khí thải phát sinh từ lò hơi (đốt bằng củi) vượt quy chuẩn cho phép từ 4-5 lần; công ty cũng chưa có giấy phép khai thác nước ngầm và chưa xuất trình được các giấy tờ pháp lý về môi trường. Tháng 3-2011, doanh nghiệp này đã bị UBND TPHCM xử phạt hành chính vì có cùng hành vi vi phạm trên với số tiền 70 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa đóng tiền phạt.
Tương tự, doanh nghiệp tư nhân Mạnh Cường hoạt động trong lĩnh vực giặt, tẩy (địa chỉ 2C13, ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh do bà Phạm Thị Hương làm chủ) cũng bị phát hiện xả nước thải thẳng ra kênh rạch, khiến kênh rạch ở đây nhuốm màu đen sì, bốc mùi hôi; tro bụi bay mù mịt phân xưởng; khí thải khi kiểm tra cũng vượt quy chuẩn gấp 5 lần; không đăng ký chủ nguồn thải; chất thải nguy hại không được thu gom, xử lý theo quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hoạt động sai ngành nghề so với giấy phép kinh doanh đã đăng ký.
Ngày 11-5-2011, doanh nghiệp Mạnh Cường đã bị UBND TPHCM xử phạt hành chính 5 triệu đồng với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn. Phạt tiền 30 triệu đồng với hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều đáng nói, ngay khi phát hiện những hành vi tái phạm, thanh tra sở đã niêm phong lò hơi và một số máy giặt tẩy nhưng trong lần kiểm tra này, đoàn thanh tra đã phát hiện doanh nghiệp tự ý tháo bỏ lệnh niêm phong và ngang nhiên hoạt động.
Ô nhiễm và độc hại nhất phải kể đến Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất giấy Trường Phúc (địa chỉ D8/22, tỉnh lộ 10, ấp 4, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh). Ngày 25-3-2011, công ty này bị UBND TPHCM xử phạt hành chính 35 triệu đồng về hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải.
UBND TPHCM yêu cầu công ty trong thời gian 60 ngày phải xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý khí thải lò hơi, đảm bảo khí thải sau khi xử lý phải đạt quy chuẩn. Song, đến thời điểm này công ty vẫn chưa có một giải pháp nào xử lý. Hàng tấn chất thải bao gồm, túi nylon, bùn thải, rác thải… đổ ngổn ngang bên cạnh các máy móc sản xuất, không có hệ thống thu gom chất thải, chất thải để lâu bốc mùi hôi thối. Nước và bùn thải chảy lênh láng khắp phân xưởng…
Cần mạnh tay xử lý
Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi tại sao không đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, chất thải để tránh gây ô nhiễm môi trường thì câu trả lời của họ thiếu tiền, làm ăn thua lỗ nên không có điều kiện. Bà Phạm Thị Hương chủ cơ sở Mạnh Cường phân trần, doanh nghiệp chỉ hoạt động với quy mô nhỏ, chỉ hơn mười công nhân, trong đó có bao nhiêu thứ để lo, chỗ ăn ở cho công nhân, tiền thuê mặt bằng...
Vì thế, không có tiền đầu tư các công trình xử lý chất thải, nước thải. Đại diện Công ty Thương mại - Sản xuất giấy Trường Phúc, Trần Thị Hoa, cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất nên đến bây giờ công ty vẫn chưa nộp phạt và không có khả năng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng như khí thải. Thực tế hiện không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà cả doanh nghiệp lớn đều có chung một điệp khúc thiếu tiền. Đây thực chất là những chiêu bài để các doanh nghiệp cố tình chây ì, không đầu tư các giải pháp bảo vệ môi trường. Họ chỉ vì lợi nhuận trước mắt, bất chấp môi trường sống của cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Để hạn chế tình trạng này, thanh tra sở sẽ có biện pháp chế tài mạnh đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm. Theo đó, những doanh nghiệp hoạt động sai ngành nghề so với giấy đăng ký kinh doanh sẽ bị tịch thu giấy phép. Đối với doanh nghiệp không chịu đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, nước thải sẽ bị niêm phong các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm và nặng hơn nữa là cưỡng chế bằng cách cắt điện.
Ông Đinh Quang Ngọc, Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho rằng, việc cắt điện là giải pháp hợp lý nhất đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Hình thức niêm phong, phạt tiền vài ba chục triệu đồng chỉ giải quyết được phần ngọn. Nếu niêm phong họ sẵn sàng bóc ra khi chúng ta không có mặt và hoạt động bình thường nên rất khó kiểm soát. Tổng Công ty Điện lực TPHCM sẽ phối hợp với thanh tra sở kiểm tra những doanh nghiệp nào vi phạm về môi trường, sẽ cắt điện theo công văn đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
MINH HẢI