Chelsea ngán ai hơn?

Từ lúc hòa Man.City 1-1 vào ngày 31-1 trên sân Stamford Bridge, thầy trò Mourinho đã trải qua 8 vòng đấu Premier League với thành tích 6 trận thắng và 2 trận hòa. So với cùng thời gian này mùa trước, Chelsea rõ ràng đã hiệu quả hơn hẳn.

Nhưng thắng là một chuyện và thắng như thế nào lại là một chuyện khác. Cả 8 đối thủ nêu trên hiện đều nằm từ hạng 6 trở xuống. Thế mà cả 6 trận thắng của Chelsea đều cách biệt không hơn một bàn. Hai trận hòa trên sân nhà với Burnley và Southampton thì vừa bức xúc với các quyết định của trọng tài, vừa thấp thỏm vì đối thủ tỏ ra thật nguy hiểm lại vừa bực bội vì các chân sút Chelsea kém hiệu quả. Nhìn chung, lấy được 20/24 điểm thì tức là hoàn thành tốt mục tiêu, nhưng họ phải tốn công tốn sức nhiều hơn mọi người tưởng.

Chelsea (trái) sẽ phải chơi một trận chiến đỉnh cao khi đón tiếp Man.United.

Tại sao lại như vậy, các quan sát viên của ESPN đã ghi nhận rất rõ: Không phải đối thủ nào cũng đá giống nhau, nhưng tất cả vẫn có chung một điểm. Đó là ngăn cản Chelsea triển khai lối choi quen thuộc. Everton và Stoke chọn cách phòng ngự kiên cố, lùi đội hình về thật sâu, giăng ra tầng tầng lớp lớp trước vòng cấm địa. Còn Aston Villa, Burnley, West Ham, Southampton, Hull và QPR nếu không mạnh dạn lấy lửa chọi với lửa thì cũng hăng say đeo bám trên khắp mặt sân để làm hỏng nhịp điệu của Chelsea.

Trong hoàn cảnh đó, Chelsea có thể đã lấy được điểm nhưng không còn giữ được sự hài hòa. Các chuyên gia sáng tạo của họ không có khoảng trống thuận lợi để hoạt động. Các mũi tấn công biên buộc phải về phòng thủ. Những miếng đánh quen thuộc không còn đất để khai triển. Đó là lý do Chelsea ngày càng phụ thuộc ở những khoảnh khắc xuất thần của Hazard, hoặc nếu không thì họ phải chờ đối thủ phạm sai lầm. Về điểm này, không đâu rõ bằng trận thắng 1-0 trên sân QPR: Đến phút thứ 88 mới có cú sút đúng hướng duy nhất của Fabregas, đó chính là bàn thắng. Và để có bàn thắng ấy, phải nhờ đến một sai sót không thể tin được của thủ môn QPR cũng như một đường chuyền quyết định của Hazard.

* * *

Với hành trang như vậy, câu hỏi đặt ra bây giờ là Chelsea liệu sẽ đá như thế nào trong 2 lượt trận kế tiếp với Man.United và Arsenal? Liệu 2 trận đấu với những đối thủ mạnh có thoáng hơn, dễ cho Chelsea tìm được nhịp điệu quen thuộc hơn không?

Theo ESPN, gặp Man.United thì chắc là không dễ. Cái cách Van Gaal sắp đặt trận thắng Liverpool 2-1 ngay tại Anfield cho thấy ông ta đã nghiên cứu quá sâu, phân tích quá kỹ mọi điểm mạnh điểm yếu của chiến thuật 3-4-3 vốn đã giúp Liverpool bất bại nhiều tháng liền. Gặp Chelsea, nhất định Van Gaal cũng chẳng ngại ngùng gì mà không tìm cách bóp nghẹt Chelsea y hệt. Nếu Chelsea chỉ chờ dịp phản công, Van Gaal cũng sẽ chờ dịp phản công, từ đó tạo thành một cuộc đấu căng thẳng và thận trọng như thể xem ai phải chớp mắt trước vậy.

Trận Arsenal sau đó thì lại khác. Sân đấu là Emirates Stadium chứ không còn là sân Chelsea nữa. Ở đó, những gì khán giả muốn luôn luôn là đội hình Arsenal phải tấn công, phải phối hợp đẹp mắt, phải dàn quân ra thật rộng, phải chiến đấu thật khí thế để thắng Chelsea bằng hình ảnh mạnh mẽ đẹp đẽ ấy. Và tất nhiên, phía Chelsea cũng chỉ cần có vậy. Mourinho từ trước đến nay chỉ có thắng hoặc hòa chứ chưa thua Wenger bao giờ. Đó là do Mourinho luôn có cách chống chọi được những màn oanh tạc và khai thác được những khoảng trống ở phía sau đội hình Arsenal.

Nói cách khác, Arsenal hiện nay thứ bậc cao hơn Man.United nhưng gặp Arsenal thì lại đỡ ngán hơn Man.United. Theo cái mạch đó, phải chăng gặp Man.United sẽ chỉ hòa nhưng gặp Arsenal thì Chelsea có thể thắng? Hãy chờ xem.

Tiến Minh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục