* Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán 26.000 lượng vàng
(SGGPO).- Sau 3 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã "tung" ra thị trường 53.400 lượng vàng SJC. Tuy nhiên, giá vàng tại thị trường trong nước vẫn tiếp tục tăng. Sáng nay, giá vàng SJC niêm yết tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng mở cửa ở mức 43,4-43,48 triệu đồng/lượng (tăng hơn khoảng 80.000/lượng so với cuối tuần trước), vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, giá vàng thường có diễn biến rất phức tạp, khó lường và tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tâm lý và diễn biến giá vàng quốc tế. Đặc biệt, nếu giá vàng biến động lên xuống trong thời gian ngắn, chỉ trong vài giờ, vài ngày thì chủ yếu do tác động từ hai yếu tố này. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là thông qua đấu thầu bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường, hướng tới mục tiêu giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế như Quốc hội và Chính phủ yêu cầu. Với mục tiêu như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu trong tháng 4 và ngay tuần này sẽ tổ chức 3 phiên nữa.
| |
“Có lẽ thị trường cũng cần thời gian và có độ trễ nhất định để “hấp thụ” lượng vàng của Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông qua các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã trúng thầu. Chắc chắn là khi Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng cho thị trường, thì cung – cầu sẽ cân bằng hơn và mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế sẽ giảm dần” – ông Nguyễn Quang Huy khẳng định.
Lý giải về quan điểm “bình ổn thị trường vàng chứ không bình ổn giá vàng”, ông Huy cho biết, nhiệm vụ được xác định là phải thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường thông qua việc tăng cung khi đánh giá thị trường vàng miếng trong nước đang có sự mất cân đối giữa cung và cầu. Còn vấn đề bình ổn giá theo cách hiểu truyền thống là phải giữ giá ở mức nào đó. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định vàng miếng không phải mặt hàng thiết yếu để phải bình ổn giá.
Bên cạnh đó, diễn biến của giá vàng trong nước cũng gắn với giá quốc tế nên rất khó lường đoán. Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường vàng bằng cách tham gia cung ứng vàng thông qua các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã được cấp phép, nhằm tạo sự lan tỏa, tạo nguồn cung cho thị trường. Khi tăng cung vàng miếng ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã phân tích đánh giá về nhu cầu vàng miếng, trong đó có nhu cầu của một số tổ chức tín dụng phải mua vàng để tất toán số dư vàng huy động đúng hạn. Và các tổ chức tín dụng này sẽ ưu tiên mua vàng để tất toán số dư đó.
Về ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang thiên về kinh doanh nhiều hơn nhiệm vụ quản lý, ông Huy khẳng định, dù mua hay bán thì mục tiêu trước hết của Ngân hàng Nhà nước là mục tiêu chính sách nhằm định hướng, dẫn dắt thị trường, Ngân hàng Nhà nước không đặt mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, khi can thiệp trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng phải tuân thủ các quy định liên quan tới an toàn dự trữ ngoại hối Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nguyên tắc đó trên thị trường ngoại tệ và cả trên thị trường vàng miếng.
Hàm Yên