Chênh vênh bên chân sóng

Chênh vênh bên chân sóng

Đã hơn một năm qua, hiện tượng sạt lở bờ biển Quảng Nam, đoạn Cửa Đại - Hội An diễn biến ngày càng phức tạp. Những ngày đầu tháng 11 này, thời tiết thất thường, sóng biển dần ăn sâu vào đất liền, lan dài ra phía Bắc, phá vỡ nhiều công trình ven biển Hội An. Dân chờ chính quyền, chính quyền chờ nhà khoa học, nhà khoa học đang chờ nghiên cứu...

Hiu hắt biển Hội An

Sáng 8-11, chúng tôi trở lại Cửa Đại sau những ngày mưa gió kéo dài. Biển Cửa Đại hiu hắt dị thường. Một trong những bãi biển du lịch nổi tiếng bậc nhất miền Trung đang xơ xác trước gió. Những gốc dừa hổng gốc nghiêng ngã. Những bờ kè bê tông bị sóng hất tung, được thay tạm bằng hàng cừ tre và bao cát. Mấy cây số bãi biển Cửa Đại không còn bãi. Chỉ toàn vực sâu với những vết sụt lở đất còn mới nguyên. Bên cạnh hố sâu nham nhở, những chiếc dù, bàn, ghế của dãy nhà hàng phải lùi dần vào bên trong để đề phòng những mảng đất chuẩn bị sạt lở. Nếu như vào thời điểm này các năm trước, những dãy nhà hàng này chật kín du khách đến ăn uống, tắm nắng và tắm biển, nhưng năm nay chỉ lèo tèo vài ba vị khách.

Một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Cửa Đại bị sóng biển đánh sập

Chắp tay sau lưng đứng nhìn những bờ kè vừa bị sóng đánh tơi tả, để lại những chiếc hố sâu, chỏng chơ với đủ thứ lộn xộn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ nhà hàng Kim Liên, than thở: “Chưa bao giờ sạt lở dữ dội như ri. Chỉ có mấy tháng mà mất cả trăm mét bờ biển. Mỗi đợt mưa gió, sóng đánh ầm ầm cuốn trôi bờ kè. Bãi tắm ở đây lúc trước đẹp lắm, vậy mà chừ không còn chi cả. Mất bãi biển, khách đến rồi lắc đầu bỏ đi”.

Cách nhà hàng ông Tuấn một cái hố là nhà hàng Mẫn của anh Đinh Thanh Cường cũng rơi vào cảnh đìu hiu tương tự. Anh Cường lo lắng: “Trước đây đi bộ từ nhà hàng ra mé biển xa đến nóng cả chân, vậy mà chừ nước biển lấn sát vô đây, xâm thực sâu vào đất liền. Để cứu tài sản và công ăn việc làm cho nhân viên, tôi bỏ tiền của, công sức ra làm kè cứng, kè mềm nhưng đều bị sóng đánh vỡ hết. Mấy ngày qua, chúng tôi phải mua cọc tre về đóng thành hàng rào rồi chất đầy bao cát để ngăn sóng nhưng không biết nó chịu nổi được mấy ngày? Đang giữa mùa du lịch của khách Tây nhưng vắng bóng du khách...”.

Chờ giải pháp bền vững

Anh Võ Ngọc Trung, nhân viên cứu hộ bãi biển Cửa Đại ngồi xo ro trên bãi biển vắng, cho biết: “Trước đây mùa này chúng tôi phải lao ra biển để đảm bảo an toàn cho du khách nhưng năm nay tịnh không bóng người. Kiểu này chắc sắp thất nghiệp”.

Từ ngày biển Cửa Đại bị xâm thực “xóa sổ”, ngành du lịch Hội An thất thu nghiêm trọng bởi các công trình du lịch, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ven biển vắng khách. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Lượng du khách giảm rất nhiều vì bãi biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu du lịch không chỉ của Hội An mà của toàn tỉnh Quảng Nam. Sau nhiều cuộc hội thảo với các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào an toàn, bền vững nhất cho bờ biển Hội An. Trước mắt, địa phương tổ chức kè bằng cọc tre và bao cát để giữ bãi biển tạm thời. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với Chính phủ Pháp và Chính phủ Hà Lan để nghiên cứu các giải pháp. Trong đó, Chính phủ Pháp sẽ giúp Quảng Nam về các giải pháp kỹ thuật và vốn tài trợ thực hiện bờ kè. Trong năm 2016, tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp để cứu biển Cửa Đại, trong đó Trung ương hỗ trợ 30 tỷ đồng để triển khai các giải pháp tạm thời, còn về lâu dài phải chờ các chuyên gia của Pháp thiết kế và chuyên gia Hà Lan phản biện mới hy vọng có giải pháp hữu hiệu cứu bãi biển Cửa Đại”

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục