"Chép lên khoảng trời" - Lãng mạn và ân tình

"Chép lên khoảng trời" - Lãng mạn và ân tình

Không phải ngẫu nhiên, nhà thơ từng là anh giải phóng quân Nguyễn Vũ Quỳnh đặt tên tập thơ mới nhất của mình là Chép lên khoảng trời. Cũng không phải ngẫu nhiên, nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh lại muốn “đưa khát vọng” của “thời đương đại”, “về thăm lại bến quê”, để “ngày xưa” được “đối thoại với bây giờ” bằng cách “chép lên khoảng trời”. Và tất nhiên là bằng thơ của thời đương đại.

Đây là một ý tưởng lạ trong một hành trình tìm lại chính mình trong một không gian thật riêng, gần như là đặc hữu của một người. Đây cũng là một xuất phát lạ, mà ở đó, thời xa xưa (thời đã sống) và thời nay (thời đang sống) cùng đồng hiện, hầu như không bị chia tách. Nói một cách khác Nguyễn Vũ Quỳnh đã lấy tinh hoa của quá khứ, lấy sự trân trọng quá khứ để nhắc nhở tương lai, lấy tương lai để soi rọi quá khứ và cũng là để được: Cả đời xa chẳng dám quên/ Câu chờ câu đợi đầy thêm nỗi niềm (Bên bờ sông quê). Anh viết ra cái hồn cốt của làng quê Việt xưa để gìn giữ bản sắc văn hóa trong cái không gian, thời gian bộn bề phức tạp, đa dạng, đa chiều của cuộc sống bây giờ: Hoa cải vàng ngát bờ đê/ Gió mùa lạnh ngắt chiều xê xịch chiều. Để rồi miêu tả thân phận một con người: Dáng xưa ai đó một thời/ Đang lang thang giữa dòng đời chênh vênh. (Bên đoạn sông cong). Đây là sự tìm lại tuổi thơ (Giấc mơ bắt đền): Mấy ai biết được dại khôn/ Có ai tính nửa nụ hôn bao giờ/ Những người lạc mất tuổi thơ/ Đêm về tìm lại giấc mơ bắt đền. Và (Tản mạn quê nhà): Quê nhà quả khế còn chua/ Rau mồng tơi với cáy cua, cá thèn/Sấu bây giờ chín chưa em/ Tự dưng anh thấy khát thèm ngày xưa.

Theo tôi, cái người một khi đã không “tính đến nửa nụ hôn bao giờ”, cái người một khi đã thấy mình bị “thất lạc tuổi thơ”, cái người một khi luôn “khát thèm ngày xưa”, luôn “đi tìm ngày ấy”, hẳn phải là một người luôn đau đáu nỗi nhớ, mặc dù mỗi năm anh về quê đến bốn, năm lần. Anh gọi quê hương là miền cổ tích, luôn coi không nơi đâu thánh thiện bằng chính quê hương mình? Đó cũng có thể là những khoảnh khắc nhớ của người đi xa cứ tràn lên, nhưng không phải để bị lụy, mà để lớn dậy, để biết ơn.

Trong nỗi nhớ ngày xưa, có nỗi nhớ một thời tuổi trẻ đã đi qua chiến tranh. Nỗi nhớ ấy rất thành thật, rất hiện thực như bổ sung thêm những góc cạnh, những chiều sâu trong hành trình tìm lại chính mình. Hẳn nó còn trở đi, trở lại với Nguyễn Vũ Quỳnh nhiều lắm? Nếu không thế tại sao anh lại viết: Tuổi trẻ chúng mình một thời khờ khạo/ Vẫn trong ngần không vơi cạn ước mơ (Bến đợi); Những người dấn thân vào cõi chết/ Để tìm ra lẽ sống bây giờ (Nơi bàn thờ Tổ quốc)… Riêng hai câu: Đồng đội ơi sao chúng mày nghiêm thế/ Cứ mãi xếp hàng không chịu tản ra (Đồng đội ơi), tôi đọc mà thấy đau mãi. Đau vì đến khi hy sinh rồi, những người lính vẫn xếp thành đội ngũ.

Trong nỗi nhớ một thời tuổi trẻ đã đi qua chiến tranh là nỗi nhớ mình trong đồng đội, nhớ đồng đội trong mình hôm nay, cụ thể là đồng đội ở Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi thế mà Nguyễn Vũ Quỳnh mới viết (Lời ru bên mộ sóng) với: Tô lên sắc đỏ màu cờ/ Tổ quốc một lần thêm máu thịt Trường Sa.

Nếu không từng là lính, hẳn Nguyễn Vũ Quỳnh không viết được những câu thơ xúc động tải một hiện thực sắc cạnh và lạc quan như vậy! Như thế, cũng có nghĩa: Trái tim cựu chiến binh Nguyễn Vũ Quỳnh vẫn chung nhịp đập với những người lính trong đội ngũ nơi Hoàng Sa, Trường Sa. Như thế, cũng có nghĩa: Lòng yêu nước không bao giờ cũ.

Trong Chép lên khoảng trời, phải thừa nhận Nguyễn Vũ Quỳnh có sở trường và thế mạnh về thơ lục bát. Một thể thơ rất đỏng đảnh và đầy thách thức người cầm bút, nhưng với bút pháp của mình, anh đã tạo nên một âm hưởng riêng, để lại cái tình và ấn tượng đẹp trong thơ anh. Nguyễn Vũ Quỳnh đã đi trên cái nền vững chắc của sự thành tâm, thành ý để đi tới cái hay, cái đẹp. Nhà thơ đã tạo ra một sự vận động, một bước chuyển mới, một cách dấn thân đưa lục bát trở nên giàu cảm xúc và thi ảnh.

Về các thể loại thơ khác anh vẫn ý tứ về ngôn ngữ với lối viết tình cảm, thân thuộc, nhưng không xưa cũ, tạo nên mối liên hệ giữa xưa và nay một cách nhuần nhuyễn, chuyển hóa những vấn đề thời sự nóng hổi hôm nay, của đất nước nói chung và ở Hoàng Sa, Trường Sa… Anh viết về đồng đội anh năm xưa đã anh dũng hy sinh và làng quê thời đổi mới thấm đượm tính nhân văn với bản lĩnh sâu sắc của người cầm bút, như lựa chọn một sự đối thoại: Bạn bè xưa tóc trắng muối tiêu/ Lính bảy lăm nhiều đứa thành bộ trưởng/ Chỉ có các anh vẫn lính chiến trường/ Hàng ngũ chỉnh tề/ Tư thế hiên ngang xung quanh đài liệt sĩ (Lời ru tháng tư). Cái cần đối thoại là: Lẽ đời ai hiểu hết nhà nông/ Một nắng hai sương ân tình làng xóm/ Lam lũ nhọc nhằn sương gió/ Cãi nhau với cả thời gian/ Chất vấn được mất cánh đồng/ Nụ cười hạt thóc về sân (Trả lại cánh đồng). Nguyễn Vũ Quỳnh đã đi đến cái đích hướng tới muôn đời của thi ca, cũng là mục tiêu hướng tới muôn đời của người cầm viết là tạo nên hạnh phúc cho người đọc.


Nhà thơ  ĐẶNG HUY GIANG

Tin cùng chuyên mục