
TPHCM hiện có hàng trăm ngàn trẻ em ở lứa tuổi mầm non đang theo học tại các trường mầm non (công lập và tư thục). Đó là chưa kể hàng trăm ngàn trẻ, là con em các gia đình lao động nhập cư thuộc đủ mọi ngành nghề, cần có nơi gửi gắm, chăm sóc. Thiếu mặt bằng để xây dựng trường lớp mầm non mới, thiếu giáo viên mầm non trầm trọng trong khi nhu cầu gửi trẻ ngày một tăng cao. Đâu là giải pháp?
- Nở rộ nhóm trẻ gia đình không phép

Học sinh Trường Mẫu giáo tư thục Phước An trong giờ học dán giấy. Ảnh: CAO THĂNG
Sự nở rộ này chính là hệ lụy của nhu cầu bức xúc to lớn kia. Trước hết, các nhóm trẻ này “sinh sôi” rất nhanh ở các quận ven TP, nơi tập trung nhiều khu trọ của công nhân, người nhập cư. Nhiều nhất là quận Tân Phú với trên 50 nhóm, kế là quận 12 có 48 nhóm, Gò Vấp có 46 nhóm. Các nhóm trẻ này có quy mô nhỏ, chỉ nhận giữ vài chục cháu trở lại, tiền thu hàng tháng chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/cháu.
Chị Hà Phương, trưởng nhóm trẻ không tên ở phường 17, Gò Vấp, cho biết sở dĩ chỗ của chị hoạt động không phép vì không đáp ứng tiêu chuẩn để được cấp phép của phòng giáo dục quận. Theo tiêu chuẩn, tối thiểu mỗi cháu phải có 1m2 diện tích sinh hoạt chung, trừ nhà bếp; phải đảm bảo các yếu tố về vệ sinh, an toàn, dinh dưỡng, trình độ giáo viên…
Trong khi đó, các nhóm trẻ gia đình chủ yếu lấy nhà mình làm cơ sở hoạt động, còn giáo viên, bảo mẫu là… người nhà. Khổ nỗi, đây là nhu cầu bức thiết bởi trong xóm của chị toàn là gia đình công nhân, họ phải tăng ca, giờ giấc không biết đâu mà lần nên “chị em hàng xóm năn nỉ quá tôi mới giữ giùm. Mà có dạy dỗ gì đâu, chủ yếu là cho các cháu ăn, ngủ, tắm rửa và trông chừng các cháu khỏi nghịch phá là được, chẳng ai yêu cầu gì hơn”.
Anh Tuấn Thành, công nhân may có con nhỏ gửi tại đây cho biết, anh chỉ quan tâm đến việc có người giữ con để mình “cày”, quan trọng hơn là nơi giữ gần nhà, đi làm về tạt qua đón cháu là xong, bất kể giờ giấc. Báo cáo của ngành giáo dục mầm non TP cũng cho biết, đó là hai nguyên nhân quan trọng khiến phụ huynh gửi con vào những nhóm trẻ gia đình, không yêu cầu cao và bỏ ngoài tai những khuyến cáo.
Cũng báo cáo trên cho biết, hiện nay, hệ thống trường mầm non đã phủ kín tất cả các phường, xã trong TP, kể cả ngoại thành nhưng chỉ vì hai nguyên do trên mà phụ huynh cứ tìm đến các nhóm trẻ gia đình. Ai cũng biết, trẻ em từ 1 đến 5 tuổi phải theo một chế độ dinh dưỡng riêng nhưng ở hầu hết các nhóm trẻ gia đình, chuyện này gần như bỏ ngỏ. Chính vì thế mà hiện có xu hướng phụ huynh gửi con vào trường các bà xơ tại các tu viện. Đây có thể nói là lựa chọn lý tưởng về cả ba tiêu chí trên nên cho đến nay, đã có trên 100 nhóm trẻ tại các tu viện, trường xơ được cấp phép.
- Đi tìm sự khả dĩ
Hiện TPHCM đang đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa giáo dục mầm non theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP. Cụ thể sẽ từng bước chuyển các trường công lập sang bán công, ưu tiên kinh phí xây dựng và cải tạo lớn trường mầm non tại các khu vực dân cư có thu nhập thấp, xây trường mầm non bằng vốn kích cầu, có cơ chế cụ thể khuyến khích cá nhân, các thành phần kinh tế-xã hội đầu tư xây dựng trường mầm non…
Trước mắt, đã có ý kiến nên giảm tiền điện, nước cho các trường mầm non để giảm học phí. TP cũng cần kiên quyết yêu cầu các khu công nghiệp-khu chế xuất, khu dân cư mới phải xây dựng các trường mầm non tương xứng với quy mô phát triển, coi đây là cơ sở hạ tầng ưu tiên mới có thể giải quyết rốt ráo vấn đề bức xúc về việc chăm sóc và nuôi dạy con trẻ, khi các nơi này luôn tập trung hàng chục ngàn lao động. Do đó, “vì lo cho sức khỏe và sự an toàn của các cháu” mà đóng cửa hàng trăm cơ sở nuôi dạy trẻ gia đình là mới chỉ giải quyết phần ngọn.
BẢO QUỲNH
Những nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi - Không bỏ bé một mình quá lâu, nếu bận cũng phải để mắt xem bé đang làm gì, ở đâu. - Kiểm tra các dây điện trong nhà, nếu thấy mòn phải thay ngay, các ổ cắm phải cao hơn tầm tay với của trẻ. - Đường vào bếp phải có chấn song ngăn cách với khu sinh hoạt để bé không đi vào khu vực đang đun nấu. - Nước sôi, bình thủy, nồi canh nóng, bàn ủi phải để xa tầm tay với của trẻ. - Tủ thuốc, lọ thuốc, nước tẩy rửa, cồn, xăng dầu… để ở chỗ trẻ không tìm thấy được. - Nhà vệ sinh luôn giữ khô ráo, có tấm nhựa gai càng tốt. Không chứa bất cứ chậu nước nào trong nhà vệ sinh hoặc chỗ bé hay qua lại. - Không để bàn ghế, kệ, tủ mà bé có thể leo trèo trong phòng chơi của bé. Nếu cần, làm cho bé thang leo nhỏ, có lót thảm, chăn ở dưới. - Để các vật tròn, nhỏ, trơn và nhọn xa chỗ chơi của bé. - Các loại thuốc của bé phải ghi rõ liều dùng, cách uống, ngày tháng hết hạn. - Không kê đồ đạc, kệ tủ dưới cửa sổ. Chấn song phải làm dọc, không làm ngang để bé có thể leo trèo. - Nền gạch trơn láng nên lót thảm để tránh trơn trượt cho bé. - Để số ĐT cấp cứu ngay chỗ dễ thấy nhất, để có thể nhanh chóng cầu cứu sự can thiệp của cơ quan y tế khi có sự cố. P.V |