Chỉ rõ trách nhiệm trong quy hoạch thủy điện tràn lan

Chỉ rõ trách nhiệm trong quy hoạch thủy điện tràn lan

(SGGPO).- Ngày 30-10, Quốc hội đã nghe Báo cáo Quy hoạch tổng thể về thủy điện. Báo SGGP Online đã trao đổi với ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra quy hoạch thủy điện).

Cẩn trọng với hồ, đập thủy lợi-thủy điện

Tháng 9-2013, Thủy điện Đồng Nai 2 tích nước đã làm ngập, thiệt hại 300 hecta cà phê tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nam Viên

Tháng 9-2013, Thủy điện Đồng Nai 2 tích nước đã làm ngập, thiệt hại 300 hecta cà phê tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nam Viên

Mở đầu cuộc trao đổi, ông Lê Quang Huy nói: Phát triển thủy điện là một chủ đề nóng được rất nhiều đại biểu quan tâm qua các kỳ họp. Theo thông lệ, chủ đề này chỉ được báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu nhưng do có sự quan tâm rất lớn nên Chính phủ  phải báo cáo, cơ quan của Thường vụ phải có thẩm tra và Quốc hội dành thời gian thảo luận tại hội trường. Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã xem xét và đánh giá khá cụ thể, từ việc loại ra khỏi quy hoạch hàng trăm dự án, xác định trách nhiệm của các chủ thể trong việc tham gia thực hiện quy hoạch này và phương hướng trong thời gian tới.

- Thưa ông, còn việc xử lý những hồ đập hiện nay mà cứ mỗi trận bão lũ lại nhìn thấy những hậu quả nhãn tiền?

- Hiện chúng ta có khoảng 7.000 hồ chứa, nhưng chỉ có gần 300 hồ là hồ chứa thủy điện, còn lại là hồ chứa thủy lợi. Ở các cấp độ khác nhau cũng có sự phân cấp quản lý khác nhau. Trong thời gian vừa qua, một số thủy điện ở miền Trung đã gây những sự cố bất thường, nhưng chúng tôi thấy ngoài vấn đề này cũng không ít hồ chứa thủy lợi cũng để xảy ra những sự cố mất an toàn.

- Từ năm ngoái đến nay, tình hình dự án Sông Tranh 2 đã diễn biến thế nào?

- Với Sông Tranh 2, chúng tôi cho là trong cái rủi có cái may, vì chính qua sự cố này, lời cảnh báo đã được đưa ra đối với tất cả các ngành, các chủ thể liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển thủy điện. Theo tôi biết Chính phủ đã rất chủ động, quyết liệt chỉ đạo cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực, UBND tỉnh Quảng Nam; đã mời các chuyên gia nước ngoài đến để góp phần xác định thêm nguyên nhân, đánh giá mức độ an toàn của công trình. Viện Hàn lâm khoa học VN, trực tiếp là Viện địa chất học cũng đã có những nghiên cứu hết sức sát sao. Hiện nay Thủ tướng chưa có kết luận cuối cùng, vẫn đang dừng việc tích nước ở mức độ thấp chứ chưa cho tích ở mức độ như thiết kế, tức là vẫn đặt trong tình trạng tiếp tục theo dõi để đánh giá.

- Dường như hiện nay mọi khâu từ thiết kế, thi công đều giao cho chủ đầu tư? Như thế có bảo đảm an toàn cho người dân?

- Nói vậy không hoàn toàn đúng. Phát triển dự án thủy điện luôn có hai giai đoạn: giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2 là vận hành khai thác. Cả ở hai khâu đó đều cần sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Đúng là chủ đầu tư đã được giao khá nhiều quyền chủ động, như vậy cũng là  thực hiện đúng theo quy định; vấn đề là phải  thẩm định kỹ năng lực của chủ đầu tư cũng như các chủ thể khác tham gia vào toàn bộ quá trình lập dự án, đầu tư xây dựng. Rồi quá trình giám sát của các cơ quan có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương cần được thực hiện xuyên suốt cả hai giai đoạn nói trên. Và phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp không tuân thủ đúng quy định.

Chỉ rõ trách nhiệm trong quy hoạch thủy điện tràn lan

Ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội là một trong những đại biểu Quốc hội kiên trì các kiến nghị về thủy điện, trong đó có đề xuất không xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ông Vở cho biết:

Đại biểu Trương Văn Vở

Đại biểu Trương Văn Vở

Chúng tôi rất mừng vì sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành và phát triển mạnh lưới điện quốc gia nói chung, vấn đề thủy điện nói riêng. Tới thời điểm này, chỉ đạo của Chính phủ tới các bộ, ngành về việc rà soát lại thủy điện, trong đó có 6 dự án thủy điện bậc thang và 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là một quyết tâm lớn. Đây là vấn đề tôi đeo đuổi 3 năm nay rồi.

Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ đã loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A  ra khỏi quy hoạch. Dự án này chiếm diện tích rừng rất lớn, lại chưa thực hiện quy trình thủ tục để xin chủ trương đầu tư mà đã cho dự án đầu tư. Theo tôi, chung quanh việc quy hoạch thủy điện này có 3 vi phạm lớn: vi phạm về quy trình quy hoạch; vi phạm luật; vi phạm luật bảo vệ môi trường.

Xung quanh điều chỉnh quy hoạch thủy điện Chính phủ trình Quốc hội lần này, tôi cho rằng phải làm rõ trách nhiệm trong thực hiện quy trình quy hoạch. Ở đây có trách nhiệm của cả địa phương và các bộ ngành liên quan. Phải chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ phận trong quá trình làm tham mưu cho Chính phủ bổ sung 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vào quy hoạch, kể cả 6 dự án thủy điện bậc thang, vì dự án thủy điện bậc thang rất quan trọng, ảnh hưởng khu vực sông Đồng Nai vùng hạ lưu. Trong nghị quyết Quốc hội lần này, tôi đề nghị quan tâm đến việc xác định diện tích đất rừng bị mất do thủy điện và trách nhiệm đó thuộc về ai. Từ đó tránh hệ lụy sau này phải tái lập thủy điện làm không đúng quy trình quy hoạch, vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng.

- Trong quy định về thủy điện, các nhà đầu tư khi lấy một mét rừng phải trồng bù lại mét rừng. Nhưng thực tế không đúng như vậy?

- Rừng tự nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy hoạch quản lý phát triển và bảo vệ rừng, nói chung rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và vườn quốc gia là phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Đụng tới diện tích đất rừng đó thì cần phải xem xét, cẩn trọng trong quá trình lập quy hoạch. Vừa qua dân hoanh nghênh Chính phủ đã loại ra trên 400 dự án thủy điện, trong đó có 6 dự án thủy điện bậc thang và 2 dự án Đồng Nai 6 và 6A. Nhưng điều mà người dân quan tâm là diện tích rừng để nhường cho các dự án thủy điện loại khỏi quy hoạch là bao nhiêu? Việc loại khỏi quy hoạch đó có mất rừng không và biện pháp thay thế số diện tích rừng mất đi như thế nào? Tôi đề nghị Chính phủ cần làm rõ và Quốc hội nên đưa rõ trong Nghị quyết vấn đề này để xem xét trách nhiệm.

- Một vấn đề nổi lên trong thời gian qua là việc thủy điện xả lũ gây hậu quả nặng nề. Theo ông quy trình và quy định hiện nay liên quan đến lĩnh vực này đã đủ mạnh để bảo vệ người dân thoát lũ?

- Điều đáng mừng là Chính phủ sớm có quyết định 1879 (tháng 10-2010) giao cho Bộ Tài nguyên-Môi trường xây dựng quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ thủy lợi, giữa hồ thủy lợi và hồ thủy điện. Nhưng tới giờ này, tôi cho rằng việc triển khai của các ngành liên quan vẫn còn chậm. Mới chỉ ban hành được quy trình vận hành chứa 5/11 lưu vực sông, mà theo báo cáo Chính phủ từ nay đến cuối năm thêm 4 lưu vực sông nữa. Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm vấn đề này.

- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, không chỉ dừng ở việc rà soát, loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện mà tới đây sẽ còn “cắt” tiếp các dự án phông hợp lý. Theo ông còn khoảng bao nhiêu thủy điện nữa cần loại bỏ?

- Loại bỏ thêm bao nhiêu thì việc rà soát là cần phải thực hiện đúng quy trình quy hoạch, quan trọng là gắn với công tác quy hoạch, quản lý bảo vệ phát triển rừng và đất rừng. Ngoài dự án thủy điện, còn nhiều dự án kinh tế khác liên quan đến quản lý và bảo vệ đất rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và vườn quốc gia. Theo tôi Quốc hội ban hành Nghị quyết lần này cần làm rõ trách nhiệm và xác định trách nhiệm để khi thực hiện quy hoạch thủy điện phải tính đến các yếu tố này.

- Báo cáo thẩm tra của Ủy ban  Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đưa ra một lượng lớn các hồ đập thủy điện không an toàn, thực tế tình trạng vỡ hồ, đập thủy điện đã xảy ra nhiều. Theo ông, có phải việc quản lý hồ đập của ta đang bị buông lỏng?

- Tôi cho rằng, khâu đầu tiên cần phải rà soát lại việc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về quy trình vận hành hồ vận hành và hồ chứa. Tiếp theo, cần phải gắn với trách nhiệm của từng chủ thể ngành và địa phương trong quá trình vận hành hồ chứa, đồng thời có chế định về xử lý vi phạm cho nghiêm minh. Phải có chế tài, chế định xử lý vi phạm rõ ràng, cụ thể. Cần xử lý vi phạm mạnh mẽ, nghiêm minh hơn và xác định rõ chủ thể trách nhiệm trong việc ban hành quy trình vận hành hồ chứa.

Qua việc giám sát, thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, tôi nghĩ nếu đưa vào Nghị quyết của Quốc hội thì sẽ tiếp tục phải tính toán lại các dự án thủy điện. Các bộ ngành liên quan và địa phương cũng phải kiên quyết rà soát đánh giá lại để thực hiện cho đúng 5 tiêu chí về thủy điện mà Chính phủ đã chỉ đạo. Làm sao phát triển thủy điện nhưng phải đảm bảo an toàn hồ đập, phải bảo đảm yếu tố môi trường và yếu tố xã hội.

Xin cảm ơn các ông!

Chính phủ đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do hiệu quả thấp và có nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội (chiếm 34,2% tổng số dự án đã quy hoạch). 2 dự án thủy điện bậc thang thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua là Đồng Nai 6 và 6A cũng bị loại khỏi quy hoạch. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Các dự án, vị trí thủy điện tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì 2 lý do chính: hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm; có tác động xấu đến môi trường và kinh tế - xã hội.

ANH PHƯƠNG - PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục