Giáo sư Hồ Long Phi, Phó ban Điều phối chống ngập TPHCM:

Chỉ vài năm nữa, các dự án chống ngập đang triển khai sẽ... quá tải

TPHCM sẽ nóng hơn, mưa nhiều  và dữ dội hơn
Chỉ vài năm nữa, các dự án chống ngập đang triển khai sẽ... quá tải

Giáo sư Hồ Long Phi, Phó ban Điều phối chống ngập TPHCM, đã nhận xét như vậy khi mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về tình hình ngập nước ở TPHCM trước sự nóng lên của trái đất, mà cơn mưa chiều 1-8-2008 gây ngập gần như toàn bộ thành phố là một minh chứng. Đây quả là một thông tin gây sốc cho người dân thành phố vốn kỳ vọng vào các dự án chống ngập đang được triển khai trên địa bàn khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết tình trạng ngập nước.

Mưa lớn, cống thoát nước nhỏ là quá tải

- Phóng viên: Tại sao ông lại có nhận xét như vậy, thưa giáo sư?

Chỉ vài năm nữa, các dự án chống ngập đang triển khai sẽ... quá tải ảnh 1
Giáo sư Hồ Long Phi. Ảnh: ĐỨC TRÍ

- Giáo sư HỒ LONG PHI: Tôi căn cứ vào thiết kế của các dự án cải thiện môi trường, chống ngập đang được triển khai trên địa bàn thành phố và các cơn mưa cứ ngày một dày hơn, nặng hạt hơn, cùng với nước triều cũng đang dâng cao hơn do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hầu hết các dự án chống ngập đang được triển khai như cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè; cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé; nâng cấp đô thị có chống ngập cho lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm… đều được thiết kế trên cơ sở số liệu cũng như nhận định về tình hình mưa, triều cường của những năm 2000.

Đó là thời điểm mà những biến đổi khí hậu do trái đất nóng lên chưa thể hiện rõ nét, mưa lúc ấy ít hơn và triều cũng không cao như bây giờ. Một hệ thống thoát nước được thiết kế phục vụ cho việc tiêu thoát nước của những cơn mưa nhỏ hơn, ít hơn hiện nay cùng mực nước triều vừa phải mà lại đảm nhận công tác tiêu thoát nước cho những cơn mưa ngày càng lớn hơn, triều ngày càng cao hơn, thì quá tải là điều đương nhiên.

- Thưa ông, như vậy là các dự án chống ngập đang triển khai, khi hoàn thành, cũng sẽ không giúp thành phố hết ngập?

 TPHCM sẽ nóng hơn, mưa nhiều  và dữ dội hơn
Theo Giáo sư Hồ Long Phi, ngoài những tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu, TPHCM cũng đang bị tác động do chính quá trình công nghiệp hóa của mình. Hiện nay, tại TPHCM hoạt động của các phương tiện giao thông, của các nhà máy, xí nghiệp đang tỏa ra một nhiệt lượng rất lớn làm cho thành phố trở nên nóng hơn các vùng ven từ 1-2oC. Bên cạnh đó, sự bê tông hóa cũng đang làm cho thành phố hấp thụ thêm một nhiệt lượng đáng kể từ mặt trời.

Không khí nóng thì nhẹ hơn và như thế chúng sẽ bốc lên. Không khí lạnh và ẩm từ nơi khác sẽ tràn vào chiếm chỗ chúng. Loại không khí này sẽ mang theo mưa vào thành phố. Vì thế, cùng với quá trình công nghiệp hóa, thành phố sẽ phải chịu những cơn mưa dày hơn, nhiều hơn. Đây là quá trình xảy ra ở hầu hết các đô thị trên thế giới trong quá trình công nghiệp hóa và chúng chỉ chấm dứt khi đô thị ấy hoàn thành quá trình này. TPHCM đã bắt đầu quá trình công nghiệp hóa từ đầu những năm 1990 và cũng từ đó nhiệt độ ở thành phố tăng dần lên.

- Trước tiên cần phải xác định là không có bất kỳ hệ thống thoát nước nào, kể cả ở Mỹ hay châu Âu lại có thể loại trừ tuyệt đối hiện tượng ngập. Đây là vấn đề phụ thuộc vào chu kỳ tràn cống được lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi thành phố.

Tôi lấy ví dụ, hiện nay hầu hết tuyến ống thoát nước cấp 2 của thành phố - tuyến ống thu nước từ đường chính thoát thẳng ra kênh rạch chỉ được thiết kế cho những cơn mưa có vũ lượng dưới 100mm.

Với những cơn mưa có vũ lượng cao hơn thì cống sẽ tràn. Hồi ấy, các tư vấn thiết kế chọn con số này vì cứ 3 năm mới có một cơn mưa có vũ lượng cao như thế. Cứ 3 năm thành phố mới chạm mặt với nguy cơ ngập là xác suất có thể chấp nhận, thế nhưng hiện nay những cơn mưa có vũ lượng hơn 100mm đã xuất hiện thường xuyên hơn. Kết quả quan trắc mưa của Đài khí tượng Thủy văn Nam bộ trong thời kỳ 1982-2006 cho thấy, hiện cứ 2,2 năm đã thấy có một trận mưa như vậy.

Đó là chưa nói đến tình huống có mưa to cùng lúc triều cường dâng cao, lúc đó cống đã bị nước triều dâng đầy sẽ khó mà tải thêm nước nước mưa. Nguy cơ ngập vì thế sẽ còn cao hơn nữa. Và nếu sự biến đổi khí hậu của trái đất cứ diễn biến theo chiều hướng như hiện nay thì tần suất những cơn mưa có vũ lượng lớn, tràn cống, ngày càng dày hơn. TPHCM sẽ liên tục đối mặt với ngập cho dù các dự án chống ngập có hoàn thành hay không.

Giải pháp mềm trong chống ngập

- Các dự án thoát nước nêu trên là một phần trong nhiệm vụ thực hiện quy hoạch thoát nước TPHCM đến năm 2020. Chưa làm hết nhiệm vụ của mình mà chúng đã trở nên quá tải. Theo ông, trách nhiệm đó thuộc về ai?

- Cũng rất khó trách những người đi trước vì sự biến đổi của khí hậu toàn cầu là điều khó lường. Hơn nữa, những năm 2000, nền kinh tế của chúng ta còn khó khăn hơn bây giờ nhiều, mọi tính toán đầu tư đều phải được xem xét đến khả năng chi trả của thành phố, dù đó là vốn vay. Làm cống to hơn có nghĩa là chúng ta phải tốn tiền nhiều hơn.

- Thế nhưng cái giá của sự cân nhắc hơn thiệt khi đó là hệ thống cống thoát nước chưa đưa vào sử dụng đã có khả năng quá tải, như ông dự đoán…

Chỉ vài năm nữa, các dự án chống ngập đang triển khai sẽ... quá tải ảnh 2

Ngập nước sau khi mưa trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: ĐỨC TRÍ

- Để ứng phó với sự biến đổi của khí hậu toàn cầu mà dùng các giải pháp kỹ thuật, chạy theo các thông số kỹ thuật thì chúng ta khó thu được kết quả như mong muốn, vì đâu là thông số kỹ thuật cuối cùng, không ai biết được. Do vậy, theo tôi, bên cạch các giải pháp kỹ thuật đang triển khai ở các dự án, chúng ta cần phải triển khai thêm nhiều giải pháp “mềm” khác.

Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, người ta đã có quy định trong mỗi nhà dân phải xây dựng một bể trữ nước mưa rộng từ 1m3-5m3. Bể nước này có tác dụng tạm thời trữ nước mưa khi cơn mưa đang lớn và chỉ được xả ra ngoài cống thoát nước chung khi mưa đã ngưng.

Chúng ta có thể học cách này bởi chỉ cần mỗi hộ dân trữ khoảng 1m3 nước mưa (tất nhiên trừ những hộ dân ở chung cư hay nhà quá nhỏ…) thì đã có hàng triệu mét khối nước được giữ lại. Cống không quá tải thì thành phố không ngập. Hơn nữa, với nước mưa này người dân cũng có thể dùng làm nước sinh hoạt, tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ cho gia đình.

Ở nhiều nước có chương trình xây bể nước đã chính thức coi việc sử dụng nước mưa ngoài việc chống ngập còn là một cách tiết kiệm nước sạch hiệu quả. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) cũng có một đề xuất cho việc chống ngập ở thành phố, đó là làm hồ điều tiết. Đây là giải pháp hay nhưng khó thực hiện vì việc giải tỏa ở các khu dân cư hiện hữu không dễ.

Tuy nhiên, với các khu đô thị mới hình thành thì đây là điều cần áp dụng. Thành phố nên có chính sách buộc chủ đầu tư các đô thị mới phải làm hồ điều tiết cho đô thị của mình. Nước thải của các hộ dân cư trong khu đô thị phải được xử lý mới được thải ra hồ. Như vậy, hồ vừa làm chức năng điều tiết nước chống ngập vừa tạo cảnh quan, sinh thái cho người dân.

Nói tóm lại, mô hình điều tiết nước theo kiểu phân tán có thể là giải pháp phù hợp với TP HCM. Giải pháp này cùng với giải pháp làm cống thoát nước, đê ngăn triều sẽ góp phần hình thành một cơ chế chống ngập bền vững cho TPHCM.

- Thưa ông, giải pháp người dân xây hồ chứa nước mưa tại nhà liệu có khả thi trong tình huống chi phí xây hồ chắc cũng không nhỏ và nhất là người dân thành phố đã ổn định về xây dựng nhà cửa, không còn chỗ để làm hồ chứa nước?

- Để thực hiện điều này, phải có sự nỗ lực từ phía người dân và cả chính quyền. Chính quyền thành phố nên có cơ chế hỗ trợ người dân trong việc xây hồ, bởi nếu không thì khi thành phố bị ngập, chính quyền cũng phải đầu tư cho công tác chống ngập.

Ngược lại, nếu người dân không nỗ lực tham gia cùng thành phố trong công tác chống ngập thì chính chất lượng cuộc sống của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng. Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề về môi trường, ngập nước, an sinh xã hội nói chung ở nhiều nước khác trên thế giới, ngoài nỗ lực của chính quyền còn phải có sự chung sức của người dân.

        Các dự án chống ngập đang được triển khai trên địa bàn thành phố

°Dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ thực hiện. Hiện nay, toàn bộ dự án đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng. Đáng lẽ dự án đã phải hoàn thành từ năm 2007 nhưng do nhiều nguyên nhân nên bị chậm lại.

Dự án này hoàn thành sẽ chống ngập và cải thiện môi trường cho một lưu vực rộng đến 33,2km2 bao gồm địa bàn 7 quận: 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp; sẽ có khoảng 1,2 triệu người dân thành phố được hưởng lợi từ dự án.

°Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé nhận vốn hỗ trợ của Nhật, tuy triển khai sau nhưng nhiều khả năng sẽ hoàn thành trước dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Theo Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây và cải thiện môi trường nước, toàn bộ dự án đã đạt khoảng 80% khối lượng.

Đặc biệt là nhà máy xử lý nước thải đầu tiên của Việt Nam đã thực hiện được hơn 80% công việc. Dự án hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập cho toàn bộ 11 quận, huyện của thành phố bao gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, đồng thời tạo cảnh quan cho 2 bờ kênh Tàu Hủ-Bến Nghé.

°Dự án thoát nước lưu vực Hàng Bàng “truân chuyên” hơn một chút vì phải làm đi làm lại nhiều lần, nhà đầu tư không mặn mà, nhưng nay cũng đã tìm được nguồn vốn thực hiện từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jibic). Theo Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây và Cải thiện môi trường nước, dự án đang trong quá trình thiết kế. Dự kiến đầu năm 2009 mới triển khai thi công. Lưu vực Hàng Bàng là một trong những khu vực ngập nặng nề nhất ở TPHCM. Do vậy, dự án này hoàn thành sẽ cải thiện đáng kể tình trạng ngập nặng ở thành phố.

°Dự án thoát nước lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm do Sở Xây dựng thực hiện cũng đang trong quá trình thực hiện. Dự án thoát nước lưu vực Tham Lương-Bến Cát do Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn thực hiện cũng đang trong tình trạng tương tự.

Theo kế hoạch ban đầu, các dự án nói trên khi hoàn thành sẽ giải quyết được căn cơ tình trạng ngập cho khu vực nội thành TPHCM.

Nhiều năm trước, ngoại thành TPHCM không hề biết đến chuyện ngập. Thế nhưng, những năm gần đây tình hình đã khác. Với hệ thống đê bao, bờ bao già yếu, nhiều khu vực ở ngoại thành đã không chịu được những đợt mưa lớn cộng triều cường hung hãn. Quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều sông, kênh rạch bị san lấp, hệ thống cống thoát nước không có, cũng là một nguyên nhân gây ngập cho cả ngoại thành. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn thành phố đã nghiên cứu xây dựng một hệ thống đê bao cho toàn thành phố.
                                                                                                                      A.N.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục