Chia sẻ tình cho thơ

Khi các nhà thơ sáng tạo ra tuyệt tác, hẳn nhiên được người đời ca tụng, nhiều câu thơ hay còn giúp người đọc “vịn vào câu thơ mà đứng dậy”, vượt qua những phút yếu lòng. 
Nhà thơ Lâm Xuân Thi (trái) trao 10 triệu đồng của Quỹ Tình thơ cho nhà thơ Hà Nguyên Dũng
Nhà thơ Lâm Xuân Thi (trái) trao 10 triệu đồng của Quỹ Tình thơ cho nhà thơ Hà Nguyên Dũng
Tâm hồn và tác phẩm của các nhà thơ đẹp là vậy, song nhiều tác giả thường lâm vào hoàn cảnh “hồn ta đẹp sao đời ta thảm quá” như Xuân Diệu đã thốt lên: “Cơm áo không đùa với khách thơ”.
Nhà thơ Lâm Xuân Thi được biết đến nhiều với tư cách doanh nhân khi ông là chủ thương hiệu xe đạp Martin 107. Ông cũng là một trong những hội viên sáng lập ra Hội Doanh nghiệp trẻ TPHCM (nay là Hội Doanh nhân trẻ TPHCM). Ít người biết Lâm Xuân Thi làm thơ hơn 30 năm, trước khi làm xe đạp, ông từng đoạt giải thơ hay của tuần báo Văn nghệ TPHCM cùng với Bùi Chí Vinh, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thái Sơn… Nhưng khi bạn thơ cùng thời với Lâm Xuân Thi say sưa bàn chuyện văn chương ở các quán bia hơi thì Lâm Xuân Thi lẳng lặng làm ra chiếc xe đạp “made in Việt Nam” mang tên một vị thánh của người nghèo - Martin.
Lâm Xuân Thi là nhà thơ làm doanh nghiệp, hay là nhà doanh nghiệp làm thơ? Thật khó phân định hai “chức năng” này trong một con người luôn chọn uống nước lọc trong các cuộc nhậu và tính tình rất điềm đạm, hành xử chừng mực. Tuy nhiên, dù là nhà thơ hay doanh nhân, Lâm Xuân Thi luôn dành cái tình cho thơ, đúng hơn cho những đồng nghiệp nhà thơ. Ngày Thơ Việt Nam 2009, Quỹ Tình thơ do ông sáng lập với sự cố vấn của nhà thơ Chim Trắng và sự cộng tác của nhà thơ Hồ Thi Ca, Phan Hoàng, đã hoạt động bền bỉ cho đến hiện nay. Quỹ Tình thơ được thành lập nhằm góp phần hỗ trợ các nhà thơ tại TPHCM và các địa phương khác gặp khó khăn trong cuộc sống, lúc hoạn nạn, già yếu, neo đơn, đau ốm… hoặc gặp khó khăn khi cần in ấn, phát hành tác phẩm… 
Quỹ cũng sẽ tiến tới hỗ trợ các nhà thơ trẻ có khó khăn về tài chính khi in và phát hành tập thơ đầu tay. Quỹ được thành lập và hoạt động trên cơ sở công khai, tự nguyện. Ban điều hành “tự thân vận động” chứ không sử dụng tiền quỹ… Toàn bộ kinh phí của quỹ đều do các thành viên trong ban điều hành tự đóng góp. Quỹ không tổ chức quyên góp tài chính dưới bất kỳ hình thức nào. Để giữ sự trong sáng cho ý nghĩa trợ giúp các nhà thơ, quỹ không gắn liền với bất cứ đơn vị kinh doanh hay nhà tài trợ nào. Tuy không tổ chức quyên góp tài chính nhưng quỹ vẫn mời gọi các nhà thơ, nhà hảo tâm trở thành thành viên của quỹ để chung tay góp sức “chia sẻ tình cho thơ” trên nguyên tắc chia đều tổng số tiền hỗ trợ cho tổng số thành viên trong mỗi lần trợ giúp cụ thể. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, quỹ cũng chỉ có 3 thành viên Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca và Phan Hoàng. 
Đến nay, Quỹ Tình thơ đã hỗ trợ các nhà thơ nhiều tỷ đồng, mỗi lần hỗ trợ với số tiền từ 5-10 triệu đồng/nhà thơ. Nhưng “cách cho” của nhà thơ Lâm Xuân Thi thật đáng trân trọng, ông chọn những tờ tiền mới cáu, bỏ phong bì chuyển tới trường hợp cần trợ giúp. Những trường hợp cần trợ giúp đều được quỹ nhờ các nhà thơ, nhà báo viết văn hóa nghệ thuật giới thiệu. Vì các nhà thơ có lòng tự trọng rất cao nên dù khó khăn họ cũng thường chọn cách im lặng. Trong năm 2017, Quỹ Tình thơ mua hỗ trợ rất nhiều những tập thơ, đến mức nhà thơ Lâm Xuân Thi cũng không nhớ nổi. Những tập thơ này, Lâm Xuân Thi dành làm những “món quà tự chọn” cho khách đến mua xe đạp Martin 107. Thật ngạc nhiên, rất nhiều tập thơ đã được khách mua xe đạp chọn thay vì những món quà vật chất khác.
Lâu nay các nhà thơ luôn cho thơ mình là nhất thiên hạ, vậy cớ gì nhà thơ Lâm Xuân Thi lại yêu quý các nhà thơ và tác phẩm của họ đến vậy? Trước khi thành công trên thương trường với xe đạp Martin 107, nhà thơ Lâm Xuân Thi cũng có một thời gian khó khăn và có chuyện buồn riêng. Người sẵn lòng mở cửa đón tiếp và cho Lâm Xuân Thi tá túc trong nhà bao lâu cũng được, khi đó là nhà thơ Chim Trắng. Có lẽ, cảm thấu cái tình của nhà thơ lớp đàn anh với một đàn em, nên sau này thành công trên thương trường, Lâm Xuân Thi đã quay lại giúp các nhà thơ đang gặp khó như mình khi xưa. Với nhà thơ Chim Trắng (1938 - 2011), Lâm Xuân Thi có một tình cảm đặc biệt, tròn 1 năm ngày mất Chim Trắng, ông đã thực hiện tuyển tập thơ Chim Trắng rất đẹp và đầy đủ để giới thiệu với người yêu thơ.
Nhà thơ Hồ Thi Ca nhận xét: “Dưới góc độ nhà thơ, Lâm Xuân Thi là một tác giả “lạ” vì anh làm thơ đã trên 30 năm và từng được trao “Tặng thưởng thơ hay” của tuần báo Văn nghệ TPHCM năm 1990. Vậy mà đến nay anh vẫn chưa in tập thơ cá nhân nào. Anh hay vin vào rất nhiều những “lý do” như: Thơ chưa hay, thơ hiền quá, thơ ngắn quá… để “né” cho bằng được chuyện in tập thơ riêng. Đọc những tác phẩm của anh, tôi thấy thơ Lâm Xuân Thi cũng lành như chính con người chừng mực của anh. Anh thường làm thơ tình, những bài nhỏ và trong sáng từ ngôn ngữ đến cấu tứ. Nhưng thỉnh thoảng Lâm Xuân Thi cũng “xung trận” xông xáo vào những đề tài thế thái nhân tình, khi ấy thơ anh nhiều ẩn ngữ, ẩn ý hơn, nhưng vẫn là một Lâm Xuân Thi giản dị, chân thành…”.

Tin cùng chuyên mục