Tôi về thăm đúng lúc mẹ dọn nhà. Theo tháng năm, căn nhà dần chật chội hơn bởi vô số vật dụng cần thiết. Ngay cả khi chúng đã cũ hỏng, bố mẹ tôi vẫn không nỡ bỏ đi. Mẹ thường nói, đồ vật cũng có linh hồn, chúng trở thành một phần ký ức trong mái nhà thân thuộc. Nên lúc dọn dẹp giá sách, tôi vỡ òa sung sướng khi tìm thấy tấm ảnh năm xưa. Bao nhiêu kỷ niệm chợt ùa về nguyên vẹn. Mẹ tôi như vừa bước ra từ tấm ảnh. Da mẹ trắng, tóc đen dài. Mẹ nhoẻn nụ cười không có nếp nhăn, xoa đầu tôi bảo: “Con mà ngoan ngày mai mẹ sẽ cho đi chợ tết”. Tôi nhảy lên sung sướng, để lộ chiếc bụng ăn no căng sắn luộc dưới vạt áo ngắn cũn cỡn.
Nhà nghèo bữa nào cũng sắn, ăn mãi thành quen. Hết sắn độn cơm, đến sắn luộc, chán thì xay bột làm bánh sắn rán. Những ngày giáp tết, phần sắn độn luôn nhiều hơn phần cơm. Có khi hai bảy tết, tiếng vét gạo trong vại sành kêu cồn cột vọng vang ra tận cổng. Bố xách con cá chuối bắt được dưới đồng, cả nhà làm nồi cháo húp cho ấm bụng. Nhà không cửa, gió khua chỗ nào cũng lạnh. Đêm đến cả nhà nằm sát lại gần nhau, đắp chung chiếc chăn bông nặng trịch. Qua bức tường bị nứt, tôi tưởng như nghe thấy rõ tiếng cánh hoa đào bung nở. Khu vườn mùa xuân lạ lắm. Không còn nghe tiếng dế nỉ non. Chỉ còn ngửi thấy mùi cúc vạn thọ theo gió xuân len lỏi vào nhà. Tôi nôn nao mong trời nhanh sáng để được đi chợ tết đến mức không dám ngủ. Chỉ sợ lúc mở mắt ra trời sáng bảnh, mẹ đã ra đến chợ lâu rồi. Con gà trống vừa mới gáy sang canh. Tiếng gáy của nó khỏe khoắn, vang vọng đến mức khiến quả hồng cuối mùa trong vườn cũng giật mình rụng xuống. Tôi chợt nghe thấy mẹ trằn trọc trò chuyện cùng với bố:
- Quần áo con đã ngắn hết rồi. Em tính mua cho con một bộ quần áo mới, mà khổ nỗi…
- Số tiền công phụ hồ ít quá. Cũng chỉ đủ trả nợ cho người ta. Năm hết tết đến, không thể khất người ta mãi được. Có dư ra mấy đồng em cố gắng vun vén làm sao cho vừa đủ tết.
- Hay em bắt con gà trống mang đi bán hả mình? Con gà đẹp, người ta mua về làm lễ cúng giao thừa chắc được giá cao. Thêm thắt vào mua cho con bộ quần áo mới.
Tôi nằm im nghĩ thương chú gà trống oai hùng. Một mình nó cai quản cả khu vườn rộng lớn. Nó có cái mào đỏ tươi, bộ lông óng mượt và đôi chân to khỏe. Mỗi bước chân của nó đều thấy được cái uy của chú gà đầu đàn. Bà nói ở làng quê, con gà trống chính là cái đồng hồ báo thức. Bao giờ chú gà trống nhà tôi cũng cất tiếng gáy đầu tiên. Sau đó gà cả xóm gáy theo râm ran xa gần. Nó đi đến đâu mấy con gà mái vây quanh. Có con diều hâu nào rình mò định bay xuống cắp gà con là ngay lập tức chú gà trống oai hùng lao ra bảo vệ. Thế mà mẹ lại định mang đi bán. Tôi sờ chiếc áo lành lặn nhất đang mặc sẵn trên người. Nó thô cứng, đã ngả màu và cũng sắp ngắn rồi. Tôi vẫn ao ước được mua một chiếc áo hoa thật đẹp như cái Hạnh nhà bên để mặc đến trường. Nhưng nếu phải bán đi chú gà trống đáng thương thì tôi không nỡ.
Con gà trống đã cất tiếng gáy báo bình minh. Nhưng tôi nghe giọng gáy không còn được vang vọng như thường lệ. Chắc là chú gà trống đang buồn vì bị mẹ nhốt lại trong bu. Tôi nhẹ nhàng tuồn khỏi giường, quyết định sẽ thả tự do cho gà trống... Mẹ dậy, vén tóc gọn gàng, giục tôi nhanh, không mặt trời lên cao. Lúc ra sau bếp, mẹ kêu toáng lên khi không thấy con gà trống úp trong bu nữa. Tôi tủm tỉm cười nhìn gà trống đang nhảy lên cây rơm, chót vót. Mẹ biết sẽ chẳng thể bắt lại gà giữa ban ngày nên thở dài bảo:
- Lạ thật. Đã nhốt kỹ thế mà nó vẫn xổng ra được. Thế thì lấy tiền đâu mua quần áo mới cho con. Nay đã là ba mươi tết.
- Mẹ xem này, quần áo con vẫn còn mặc tốt. Con chỉ cần đi chợ tết chơi thôi mẹ ạ.
Sáng ba mươi tết dưới đồng còn vài người tranh thủ cấy nốt cho xong thửa ruộng. Dọc đường đi tôi thấy những đứa trẻ cũng ngồi sau xe mẹ như tôi, mắt lấp lánh niềm vui của tết. Có người mẹ chở bắp, đậu phộng, chuối xanh. Có người bà vội vàng rảo bước, trên vai còn gồng gánh nón lá, chổi rơm, rá rổ. Có đứa nhỏ ôm khư khư con gà trước ngực, miệng hát véo von. Chú gà ấy rồi sẽ thành áo xinh, dép mới. Tôi cảm nhận được nỗi buồn của mẹ nên choàng tay ôm lấy tấm lưng thân thuộc ấy. Xe vừa đến cổng chợ, tôi đã ngửi thấy hương mùi già người ta cuộn thành từng bó bán cho khách mua về tắm tất niên. Tôi tuột mất tay mẹ ở hàng pháo tết. Ngẩn ngơ với pháo cối, pháo dây, pháo tép. Mẹ lại hàng quần áo cứ cầm lên đặt xuống, ướm thử vào người tôi nhiều lần. Nhưng mẹ mặc cả hoài vẫn không đủ tiền mua. Trong chiếc làn của mẹ chỉ có gạo nếp gói bánh chưng, cái chân giò dành cúng giao thừa và mấy bộ quần áo giấy để đốt cho ông bà dưới cõi âm. Nhưng tôi không thấy buồn. Đường của bánh tan chậm trong miệng tôi ngọt lịm.
Trưa đó mẹ lôi trong chiếc hòm đạn ra một chiếc áo hoa vàng. Đó là chiếc áo cưới của mẹ đã được cất kỹ càng làm kỷ niệm. Mẹ ướm lên người tôi rồi dùng kéo lưỡng lự đưa tay cắt. Mẹ ngồi may suốt chiều, đôi bàn tay thoăn thoắt luồn kim. Tôi ngồi đảo chảo mứt gừng trong bếp, mắt không ngừng dõi mẹ ngoài sân. Trong ánh nắng xuân chiều cuối năm, tôi thấy mẹ hiền hậu biết chừng nào. Da mẹ trắng, mặt mẹ tròn, chiếc áo mẹ mặc đã cũ rồi, đôi dép dưới chân đã hàn mấy chỗ. Đến tối muộn thì áo đã may xong, mẹ vẫy tôi lại gần thủ thỉ:
- Năm nay con mặc tạm. Tết năm sau mẹ hứa mua cho con áo mới.
Trong bóng tối nhá nhem tôi vẫn thấy những bông hoa vàng rỡ. Áo mẹ may vừa in, khéo léo từng đường chỉ. Mẹ mang giặt phơi ra gió tết để bay đi mùi vải cũ lâu ngày. Để sớm mai mùng một tôi có áo diện đi chúc tết. Cả đêm giao thừa tôi không sao ngủ được vì chỉ sợ lúc mở mắt ra thì chiếc áo hoa vàng không còn nữa. Tôi nép vào lưng mẹ rưng rưng:
- Mẹ ơi. Áo mẹ may còn đẹp hơn áo mới.