Chiếc cầu - đời người

Cả đời đợi cầu
Chiếc cầu - đời người

Cuối cùng, cây cầu Cửa Đại, cây cầu mơ ước của người dân phía Đông tỉnh Quảng Nam, nối liền hai bờ sông Thu Bồn cũng sắp đưa vào phục vụ, chấm dứt bao nhiêu thế kỷ “ngăn sông cách đò”. Có cầu, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân vùng Duy Xuyên, Thăng Bình mà còn tạo nên cú hích để phát triển kinh tế vùng bốn bề cát cháy.

Cầu Cửa Đại là niềm mong ước của bao nhiêu thế hệ vùng Đông tỉnh Quảng Nam.

Cả đời đợi cầu

Một ngày cuối tháng 5-2015, chúng tôi lại về Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển. Chiếc đò ngang nổ máy phành phạch đưa người dân Duy Xuyên, Thăng Bình và Hội An qua lại hai bờ Thu Bồn vẫn hối hả. Bên này Hội An phố thị sầm uất, bên kia là vùng quê nghèo bốn bề cát cháy. Bước xuống bến đò Cẩm Thanh, vượt Thu Bồn để về Duy Nghĩa, Duy Hải theo nhịp hối hả của tiếng máy nổ chạy tàu. Không biết bao lần qua lại bến đò này, tôi trở thành khách quen của những con đò ngang nơi đây.

Anh Nguyễn Bá Tùng (40 tuổi, trú thôn 3 Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên), người có 15 năm lái đò nơi bến sông này, gặp tôi hay nhắc lại chuyện cũ: “Đến ngày hợp long cầu Cửa Đại, dân chúng tôi mới tin giấc mơ về cây cầu là có thật”. Lần này, anh Tùng nói thêm về những dự tính cho tương lai của người dân xứ cát quê anh. Một tay cầm lái, một tay chỉ về cây cầu bê tông lừng lững bắc qua Thu Bồn, anh bảo: “Chuẩn bị thông cầu rồi, tôi sẽ giã từ nghề lái đò ngang, nghề đã nuôi gia đình tôi mười mấy năm qua. Lo lắm nhưng cũng mừng lắm. Sinh ra và lớn lên ở xứ cát này mới hiểu được giá trị của cây cầu Cửa Đại. Nó sẽ mở ra một cuộc sống mới của làng quê nghèo khó này”.

Ngồi ở mạn thuyền, đôi mắt nhìn xa xăm, lắng nghe câu chuyện của tôi cùng anh lái đò, bác Đặng Văn Hai (78 tuổi, thôn 1 Duy Hải, huyện Duy Xuyên), nói: “Chú Tùng nói đúng. Tôi gắn bó cả đời người với xứ cát này, thấu hiểu được cái khổ, cái cực của vùng đất bị ngăn sông cách đò. Bao đời nay, dân tôi sống bám vào sông, vào biển nơi đây nhưng cũng vì nó mà cuộc sống cơ cực. Nhất là vào mùa mưa bão, nhìn con đò ngang vượt sông cuồn cuộn sóng mà lo lũ học trò bám trường, thương mấy phụ nữ bám chợ. Bao nhiêu đời rồi, đất nghèo cũng bởi chia cắt của dòng sông. Nay nhìn chiếc cầu lừng lững mà mừng khôn xiết...”.

Không mừng sao được, khi chiếc cầu Cửa Đại nối đôi bờ Thu Bồn, mở ra cả một tương lai tươi sáng cho vùng quê bao đời cách trở. Không vui sao được, khi học trò chẳng còn vượt những chuyến đò chòng chành sóng với bao hiểm nguy rập rình để đến trường kiếm con chữ.

Vùng Đông mở cửa

Bao thế kỷ sống trong cảnh “ngăn sông - cách đò”, vùng Đông tỉnh Quảng Nam cứ trì trệ mãi. Bao nhiêu chính sách, bao nhiêu sự hỗ trợ... cũng không làm hồi sinh được vùng đất bốn bề cát cháy khốn khó này. Nhiều năm xúc tiến đầu tư, vậy nhưng chẳng có nhà đầu tư nào chịu ở lại vùng đất này. Họ đến rồi lại đi để lại nỗi thất vọng trong người dân. Bởi lẽ, họ chẳng thể tìm kiếm một cơ hội phát triển nào ở một vùng đất đầy cách trở này. Vậy mà, kể từ ngày bắt đầu xây cầu Cửa Đại, nhiều nhà đầu tư đã chủ động đến “dạm ngõ” với nhiều hứa hẹn. Thì ra, chiếc cầu Cửa Đại là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa cho cả vùng đất bị “khoá” chặt mấy đời nay.

Ông Diệp Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, cho biết: “Cây cầu Cửa Đại là niềm mơ ước khôn nguôi của hàng ngàn hộ dân vùng Đông Duy Xuyên và Thăng Bình. Có cầu, giao thông thông suốt, vùng Đông Duy Xuyên và Thăng Bình sẽ thông thương với TP Đà Nẵng, TP Hội An sầm uất. Lúc đó, vùng Đông Duy Xuyên và Thăng Bình sẽ là điểm nối giữa hai thành phố lớn là Đà Nẵng và Hội An với Khu Kinh tế mở Chu Lai, Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) thông qua đường ven biển. Lúc đó sẽ mở ra cơ hội kinh tế lớn cho vùng đất cát quê nghèo này”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Sau bao nhiêu nỗ lực, đến nay cây cầu đã hoàn thành đến 99%, chỉ còn một số hạng mục nhỏ lẻ. Dự kiến ngày 30-6, cầu Cửa Đại sẽ đưa vào sử dụng, phục vụ việc đi lại của nhân dân. Chiếc cầu sẽ là điểm gạch nối TP Đà Nẵng, TP Hội An với vùng Đông và nối liền với tỉnh lỵ Quảng Nam và các khu kinh tế lớn. Khi cầu Cửa Đại được thông, không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn tạo động lực để phát triển kinh tế cho cả vùng này. Đến nay, đã có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào dự án khu đô thị du lịch - dịch vụ Nam Hội An với diện tích hơn 900ha, tổng vốn đầu tư (trong 50 năm) là 4 tỷ USD. Ngoài ra, việc cầu Cửa Đại hoàn thành, liên thông tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng với Quảng Nam với quốc lộ 1A sẽ tạo thuận lợi cho việc sắp xếp cư dân ven biển, phục vụ an ninh quốc phòng, cứu hộ cứu nạn cho cả vùng ven biển rộng lớn của Quảng Nam và khu vực.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục