Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường: Từ mượn tạm đến... được cấp phép

“Tận diệt” vỉa hè
Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường: Từ mượn tạm đến... được cấp phép

Tình trạng hàng quán buôn bán nhếch nhác, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè biến thành nơi giữ xe tự phát đã tồn tại từ nhiều năm qua ở TPHCM. Mặc dù các cấp chính quyền sở tại đều hứa sẽ tăng cường công tác xử phạt, song tình hình vẫn chưa được cải thiện…

Vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai bị chiếm dụng làm bãi giữ xe gắn máy và đậu ô tô có thu phí. Ảnh: TUẤN VŨ

Vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai bị chiếm dụng làm bãi giữ xe gắn máy và đậu ô tô có thu phí. Ảnh: TUẤN VŨ

“Tận diệt” vỉa hè

Những năm trở lại đây, người dân TP đã bắt đầu làm quen với các khái niệm “vương quốc xe máy”, “phố ăn uống” hay “thánh địa thời trang”. Điều đáng nói là đa phần những tên gọi đó đều gắn liền với không gian “vỉa hè” và một chu trình hoạt động khép kín: bán-bị đuổi-chạy/dẹp-bán tiếp.

Đơn cử như các khu vực chuyên bán xe máy trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Lý Tự Trọng (quận 1), trước đây chỉ có 1 - 2 cửa hàng vì thiếu diện tích trưng bày nên “mượn tạm” một phần vỉa hè, kê thêm các bục gỗ để dựng xe máy. Nhu cầu mượn tạm ngày càng “phình” to, trong khi chính quyền địa phương lại không nhắc nhở, các cửa hàng “nhìn” nhau rồi cứ thế nhích dần mặt tiền của mình ra sát mép đường. Kết quả là hiện nay xe máy đã chiếm trọn vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Tương tự, trên đường Bùi Hữu Nghĩa, đoạn từ cầu Bùi Hữu Nghĩa đến Trường THCS Lam Sơn (quận Bình Thạnh), vỉa hè cũng biến thành nơi bán phụ tùng xe máy. Trên cao treo lủ khủ các loại nhông, bô xe máy, phía dưới xe máy dựng san sát, cạnh các loại mô-tơ, yên xe chất lộn xộn trên vỉa hè. “Vỉa hè không còn khoảng trống, nền đất xi măng lúc nào cũng cáu bẩn, dầu nhớt bám đen sì, vương vãi đinh ốc nên người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi bộ xuống lòng đường”, một người dân sống tại đây cho biết.

Riêng về khoản ăn uống, khu vực được xem là đệ nhất hàng rong là vỉa hè trên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ cầu Bông kéo dài đến siêu thị Co.opMart (quận Bình Thạnh). Từ 18 giờ tối trở đi, hai bên lề đường la liệt các điểm bán cơm, cháo, hủ tiếu, bánh mì, chè, sinh tố… Đặc biệt đoạn gần Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, dãy quán cóc mọc lên như nấm, bàn ghế bày choán hết lối đi.

Ngoài ra, danh sách “phố ăn uống” còn được nối dài bởi các tên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đĩnh Chi, Bùi Viện (quận 1), Hồ Thị Kỷ, Sư Vạn Hạnh (quận 10), Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Đặng Thái Thân (quận 5)… Đặc biệt trước cửa một số bệnh viện như Ung bướu (quận Bình Thạnh), Chấn thương chỉnh hình, Chợ Rẫy (quận 5), Nhi đồng 1 (quận 10), hàng rong tràn xuống cả lòng đường khiến giao thông thường xuyên bị ùn tắc.

Chủ một quán ăn trên đường Nơ Trang Long, đối diện Bệnh viện Ung bướu TPHCM giải thích: “Phần vì muốn tăng diện tích để kê thêm bàn ghế, thu hút sự chú ý của người đi đường, phần do chính yêu cầu của khách muốn ngồi ngoài trời cho mát nên chúng tôi buộc lòng phải nới rộng diện tích quán”. Hễ lực lượng chức năng xuống kiểm tra, bàn ghế lập tức được dẹp gọn vào trong. Song ngay khi lực lượng này vừa khuất bóng, khung cảnh ăn uống lại diễn ra nhộn nhịp.

Cũng cùng mục đích thu hút sự chú ý của người đi đường, ngày càng có nhiều cửa hàng thời trang dọn hẳn các kệ quần áo ra lề đường. Đi dọc các tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 1), Lê Văn Sỹ (quận 3), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)… vào buổi tối, hai bên lề đường bày la liệt các loại quần áo, từ những loại hàng chợ rẻ tiền đến nhiều nhãn hiệu thời trang nổi tiếng. Chỉ cần tấp xe vào gần vỉa hè, người mua có thể vô tư chọn lựa và mặc cả giá bán. Đường biến thành chợ, xe đậu bát nháo, vỉa hè và mặt đường chẳng còn ranh giới.

Bên cạnh đó, thực trạng vỉa hè bị chiếm dụng làm bãi giữ xe trước cửa các quán cà phê, nhà hàng, bệnh viện ở TPHCM cũng là chuyện “khổ lắm, nói mãi”. Gần đây, vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn gần giao lộ với Cống Quỳnh (quận 1) được cho phép làm nơi đậu xe ô tô có thu phí và một bãi giữ xe gắn máy nên đoạn vỉa hè thông thoáng đã không còn chỗ cho người đi bộ.

Không chỉ là xử phạt

Đem thực trạng nan giải này đến gặp lãnh đạo các địa phương, chúng tôi đều nhận được lời hứa sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt. Song trước câu hỏi tại sao đã nhiều năm trôi qua, mặc cho rất nhiều chỉ đạo và quyết tâm của thành phố nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để, những người có trách nhiệm lại không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Theo bà Nguyễn Thục Hân, Chủ tịch UBND phường 4, quận Phú Nhuận, nguyên nhân là do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các địa phương, dẫn đến tình trạng dẹp đầu này, vi phạm lại dạt về đầu kia.

Còn theo bà Nguyễn Thị Bông, Chủ tịch UBND phường 11, quận 5: “Các đơn vị vi phạm đều bị xử phạt theo quy định, tái phạm nhiều lần phường sẽ kiến nghị quận rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, để dẹp tận gốc nạn buôn bán lấn chiếm lòng lề đường cần phải có thời gian”. Song thời gian bao lâu thì chưa ai dám khẳng định. Việc rút giấy phép kinh doanh cũng được các phường nói nhiều hơn làm khiến biện pháp xử phạt này chỉ mang tính chất giơ cao đánh khẽ.

Có lẽ, để khuyến khích các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, thành phố cần tuyên dương những đơn vị tạo được nhiều chuyển biến đáng kể trong việc dẹp nạn lấn chiếm lòng lề đường. Bên cạnh đó cũng đề ra các biện pháp xử phạt những cá nhân hoặc địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, hàng tháng, các địa phương cần được yêu cầu lập báo cáo tình hình buôn bán lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn, kiến nghị giải pháp cụ thể và xin ý kiến chỉ đạo từ thành phố. Chỉ khi khâu quản lý được siết chặt, việc xử phạt mới được thực hiện nghiêm và mang lại hiệu quả.

Riêng đối với tình trạng đậu xe lấn chiếm vỉa hè, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng bãi giữ xe đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó có các dự án bãi xe ngầm đã được khởi động nhiều năm nay nhưng vẫn giậm chân tại chỗ.

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục