Chiến dịch Giờ Trái đất tại TPHCM: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Thế giới sử dụng tài nguyên vào đầu tư vũ trang gấp 12 lần so với việc viện trợ những nước đang phát triển. 40% đất trồng trên toàn thế giới đang đối mặt với nguy cơ bị xâm hại lâu dài. Mỗi năm, 13 triệu ha rừng biến mất. 20% tổng dân số thế giới tiêu thụ 80% tài nguyên. Dự kiến đến năm 2015, số người tị nạn vì môi trường có thể lên đến ít nhất 200 triệu người…
Chiến dịch Giờ Trái đất tại TPHCM: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Thế giới sử dụng tài nguyên vào đầu tư vũ trang gấp 12 lần so với việc viện trợ những nước đang phát triển. 40% đất trồng trên toàn thế giới đang đối mặt với nguy cơ bị xâm hại lâu dài. Mỗi năm, 13 triệu ha rừng biến mất. 20% tổng dân số thế giới tiêu thụ 80% tài nguyên. Dự kiến đến năm 2015, số người tị nạn vì môi trường có thể lên đến ít nhất 200 triệu người…

Những con số trên đủ để cho thấy, môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Và đó chính là lý do hơn 1 triệu người thuộc 6.000 thành phố của 200 quốc gia trên thế giới đã tham gia hưởng ứng hoạt động bảo vệ môi trường bằng việc tham gia tắt điện hơn một giờ tại sự kiện chiến dịch Giờ Trái đất 2016. Tại TPHCM, chiến dịch Giờ Trái đất đã thu hút hơn 7.000 tình nguyện viên tham gia.

Dự án Điểm đến xanh đã giúp kiến tạo tour du lịch sinh thái cho TPHCM. Trong ảnh: Du khách đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Đa dạng dự án cải thiện môi trường

Khởi động từ đầu tháng 3, chiến dịch Giờ Trái đất năm 2016 được xem là khá đặc biệt khi đánh dấu 10 năm diễn ra sự kiện Giờ Trái đất thế giới, đồng thời đánh dấu cột mốc bắt đầu lộ trình hoạt động 3 năm hướng đến kỷ niệm 10 năm Giờ Trái đất tại Việt Nam vào năm 2018. Theo đó, những dự án chiến dịch cũng được đầu tư phát triển sâu rộng hơn, góp phần lan tỏa mạnh mẽ thêm tinh thần của chiến dịch đến sâu rộng hơn các đối tượng ở nhiều độ tuổi, ngành nghề, môi trường sống khác nhau trong xã hội... Cụ thể, dự án Chuyển động xanh đã tạo dấu ấn lớn thu hút hơn 25.000 đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên tại TPHCM và 61 tỉnh, thành trên cả nước cùng tham gia. Hơn 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ đã cam kết hưởng ứng chiến dịch thực hiện tắt điện cùng Giờ Trái đất; hoạt động mới là Earth Bike - hỗ trợ cho mọi đối tượng có nhu cầu di chuyển miễn phí bằng xe đạp do chính các bạn tình nguyện viên dự án là “tài xế” cũng đã thu hút gần 1.000 người dân thành phố đăng ký tham gia.

Dự án Cộng đồng xanh là hoạt động truyền thống hướng đến hộ dân tuyên truyền trực tiếp về tiết kiệm điện và kêu gọi tắt điện ủng hộ Giờ Trái đất, khuyến khích tham gia các chương trình kích cầu xanh khi mua sắm trong tháng 3 của các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường; các tình nguyện viên dự án đứng ở các ngã tư kêu gọi tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 25 giây để giảm lượng xăng tiêu thụ, giảm phát thải khí ra môi trường; hướng dẫn 2.000 hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn; vận động gần 100 cửa hàng ăn uống - dịch vụ tặng voucher giảm giá khi khách ký cam kết tắt điện tại quán và nhận diện bằng công nghệ QRCode bên cạnh các kênh truyền thông online. Ngoài ra, điểm mới của dự án Cộng đồng xanh là tăng cường thêm các nội dung tuyên truyền lẫn địa bàn hoạt động, như kêu gọi tái sử dụng nước mưa để tiết kiệm nước, giảm ngập úng, khuyến khích sử dụng xăng E5, hướng dẫn nhận biết nhãn tiết kiệm năng lượng...

Dự án Điểm đến xanh, ban tổ chức đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM kết nối các điểm tham quan trên địa bàn thành phố thành tour du lịch sinh thái giới thiệu đến du khách những điểm đến xanh, và khởi đầu là tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Riêng dự án Mái ấm xanh, hơn 1.000 tình nguyện viên đã vận động quyên góp các loại đồ cũ, sách vở, dụng cụ... để xây dựng 6 thư viện xanh, kết hợp dạy cho các em đường phố kỹ năng hòa nhập, phòng chống tệ nạn xã hội và sống xanh…

Kiến tạo nền tảng bền vững nhận thức

Nhìn nhận về những thành quả đã đạt được, bà Anchal Mehta, Quản lý truyền thông quốc tế chiến dịch Giờ Trái đất, cho biết, Việt Nam đã tham gia một cách tích cực vào chiến dịch Giờ Trái đất trong nhiều năm. Chiến dịch ở Việt Nam không chỉ nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu mà còn khuyến khích mỗi cá nhân hành động vì môi trường. Hàng ngàn người đã đổ về TPHCM để tham dự vào đêm sự kiện chính là một minh chứng rõ nét nhất. Họ đã chủ động tham gia các hoạt động môi trường vì hành tinh này, vượt ra khỏi khuôn khổ một giờ tắt điện. Vào năm 2016, chủ đề của chiến dịch toàn cầu là thắp sáng tinh thần hành động vì biến đổi khí hậu. Chúng tôi muốn khuyến khích các bạn Việt Nam nói riêng và mọi người trên thế giới chú ý đến vấn đề khí hậu và kêu gọi hành động của các cá nhân, tổ chức và cộng đồng trên toàn thế giới để cùng giải quyết vấn đề này.

Bà Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng nhấn mạnh thêm, để có thể đạt được những thành công trên, ban tổ chức trân trọng ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp xanh của thành phố như Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM...

Bà Smita Pant, Tổng lãnh sự Ấn Độ cho biết: “Chiến dịch Giờ Trái đất 2016 rất đặc biệt, khi nó được tổ chức ngay sau Hội nghị công ước khung các nước về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP21) vừa diễn ra vào tháng 12 - 2015, nơi Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế được thành lập theo sáng kiến của Ấn Độ. Chiến dịch Giờ Trái đất Ấn Độ cũng tập trung vào việc chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và tôi nghĩ Việt Nam, một đất nước được tạo hóa ban tặng nguồn năng lượng mặt trời tuyệt vời, cũng nên làm như vậy. Điều đó còn có thể thắt chặt hơn mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Và tôi tin rằng, chiến dịch Giờ Trái đất là một cơ hội tuyệt vời để quy tụ hai đất nước tràn ngập năng lượng mặt trời như Việt Nam và Ấn Độ cùng hợp tác với nhau”.

“Tôi nghĩ, chúng tôi đã chứng kiến một số thay đổi rất tích cực. Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam và nhất là tại TPHCM đã lớn mạnh và giúp nâng cao nhận thức của người dân về những gì chúng ta có thể làm để giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể làm những việc nhỏ, những hành động nhỏ nhằm tạo ra sự thay đổi lớn. Chiến dịch cũng tạo ra nhận thức trên quy mô lớn hơn, đó là nếu Việt Nam muốn tiếp tục tăng trưởng kinh tế, phải quan tâm đến mức tiêu thụ năng lượng và xem xét tác động của quá trình sản xuất đối với môi trường nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, bà Chalotte Lauresen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, khẳng định.

Ái Vân


Hành trình chiến dịch Giờ Trái đất 2016

Chiến dịch Giờ Trái đất chính thức được tổ chức đầu tiên vào năm 2007 tại Australia. Việt Nam tuy tham gia chiến dịch này muộn hơn 2 năm, vào năm 2009. Thế nhưng, dưới sự chủ trì của Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM, nhiều dự án bảo vệ môi trường như trường học sinh thái, khu phố xanh và đặc biệt là số lượng hàng triệu lượt người tham gia tắt điện tại sự kiện chính của chiến dịch qua các năm đã nhận được sự đánh giá cao của các cộng đồng yêu môi trường trên thế giới.

Có thể thấy, Việt Nam không phải là nước góp phần gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu nhưng lại là nước hứng chịu tổn hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, với hành động tham gia bảo vệ môi trường của hơn 7.000 tình nguyện viên trong chuỗi hoạt động sự kiện chiến dịch Giờ Trái đất 2016 chính là thông điệp tác động mạnh mẽ nhất gửi đến cộng đồng yêu môi trường trên thế giới, kêu gọi cộng đồng thế giới hãy cùng chúng ta bảo vệ và cải thiện chất lượng sống cho những nước đã và đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại từ hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra. Dưới đây là những hình ảnh hưởng ứng Giờ Trái đất tại TPHCM ngày 19-3.

Hoạt động 25 giây thu hút sự chú ý của người đi đường vì những hành động kêu gọi rất thiết thực

Dự án Chuyển động xanh với đội hình đạp xe nhằm kêu gọi cộng đồng ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường

Đại sứ vũ công Quang Đăng tham gia hoạt động thả cá và kêu gọi cộng đồng chung tay giữ gìn dòng kênh xanh cho thành phố

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục